Chính phủ Mỹ bác bỏ những cáo buộc của Nga nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có dính líu trong việc buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp với nhóm Nhà nước Hồi giáo, sau khi những quan chức Bộ Quốc phòng Nga trưng ra thứ mà họ nói là bằng chứng cho thấy sự dính líu của Thổ Nhĩ Kỳ và cáo buộc những quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người nhà của ông, thông đồng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm thứ Tư nói rằng "không có sự thông đồng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong một số hoạt động mua bán dầu bất hợp pháp" từ IS. Ông nói thêm: "Chúng tôi hoàn toàn không tin đó là sự thật.''
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói rằng nếu người Nga thực sự lo ngại về việc tài trợ bất hợp pháp IS thì họ nên nêu vấn đề đó với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuần trước, Washington cáo buộc chính phủ Syria mua dầu từ Nhà nước Hồi giáo và áp đặt những biện pháp trừng phạt nhắm vào một doanh nhân mang hai quốc tịch Syria-Nga (George Haswani), cáo buộc ông ta tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh dầu mỏ giữa chính phủ Assad và Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, ông Earnest nói rằng Mỹ không hài lòng về những lỗ hổng trong an ninh dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Ngũ Giác Đài cũng bác bỏ những cáo buộc của Nga. Phát ngôn viên cho chiến dịch chống IS của Mỹ, Đại tá Steve Warren, nói với báo giới hôm thứ Tư trong một cuộc họp báo trực tiếp từ Baghdad rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác tốt của chúng tôi." Ông gọi ý tưởng cho rằng họ "bằng cách nào đó đang làm việc với" IS là "hàm hồ."
Trong một cuộc họp báo ở Moscow trước đó trong ngày thứ Tư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov gọi là IS "thủ lĩnh tuyệt đối" trong chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và nói rằng những kẻ khủng bố ở Syria kiếm được khoảng 2 tỉ đôla mỗi năm từ việc khai thác dầu mỏ bất hợp pháp mà họ sử dụng để tuyển mộ và vũ trang những kẻ khủng bố "khắp thế giới."
"Đó là lý do tại sao ISIL ra sức bảo vệ cơ sở hạ tầng sản xuất dầu bất hợp pháp ở Syria và Iraq," ông Antonov nói, sử dụng một tên khác cho IS. "Khách hàng chính cho dầu bị lấy cắp từ những người chủ sở hữu hợp pháp của nó - Syria và Iraq - chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thông tin mà chúng tôi đã nhận được, tầng lớp lãnh đạo chính trị cao nhất của nước này - Tổng thống Erdogan và gia đình của ông ta - có dính líu tới hoạt động kinh doanh phạm pháp này."
Không có bằng chứng cho thấy ông Erdogan hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình ông ta tham gia buôn bán dầu mỏ với IS được trưng ra tại cuộc họp báo.
Ông Erdogan đã phản bác những cáo buộc mới nhất của Nga. "Không ai có quyền vu khống Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang mua dầu từ Daesh (IS)," ông nói khi đang đi thăm Qatar.
Những tuyên bố mới nhất của Nga được đưa ra giữa lúc căng thẳng tăng cao giữa Moscow và Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ nói máy bay này đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria, một cáo buộc mà Nga phủ nhận.