NATO cho biết sẽ tăng cường phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ các máy bay phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay Nga hồi tháng trước. Thông báo được đưa ra vào lúc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng củng cố quân sự ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, khơi ra những nỗi lo sợ về một vụ đối đầu mới.
Quyết định của NATO có phần chắc sẽ được coi như một thắng lợi ngoại giao của Ankara. Kể từ khi các máy bay phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một oanh tạc cơ của Nga bị cáo buộc là vi phạm không phận ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã trông chờ vào hậu thuẫn của các đối tác NATO.
Quyết định đó trùng hợp với việc Moscow tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria, mà nhà khoa học chính trị Cengiz Aktar của trường Đại học Suleyman Sah ở Istanbul nói nay đề ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Ông lập luận:
“Họ đang phái chiếc tàu Moscova với các phi đạn chống máy bay S400 và họ có thể trả đũa. Thổ Nhĩ Kỳ không có phương tiện và sức mạnh quân sự để chống lại các hành động của Nga trong vùng nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ và các nước khác.”
Cùng với chiếc Moscova, Nga đã điều động đến Syria các phi đạn S400, với tầm bắn sâu vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà phân tích cho rằng NATO dự trù sẽ gửi tàu đến vùng đông Địa Trung Hải, cùng với thêm các máy bay đến căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, nằm gần biên giới Syria. Ankara đang gia tăng bố trí chiến đấu cơ phản lực tuần tra vùng biên giới Syria.
Ông Sinan Ulgen, thuộc Viện Carnegie ở Brussels, nói rằng sự hỗ trợ của NATO có phần chắc sẽ củng cố lập trường của Ankara chống lại Moscow.
“Cảm tưởng tại Ankara là Thổ Nhĩ Kỳ có mọi quyền làm những gì đã làm. Sẽ không có lời xin lỗi và Ankara trông đợi các đối tác ở phương Tây ủng hộ lập trường này. Nếu có thêm một vụ vi phạm thì điều không may là chúng ta có thể trông đợi việc lập lại những gì đã xảy ra.”
Bất chấp lời khẳng định của NATO nói là việc điều động ở Thổ Nhĩ Kỳ theo kế hoạch không phải là để chóng lại lực lượng Nga, các quan sát viên cảnh báo rằng có nhiều phần chắc việc này sẽ gây trở ngại thêm cho các nỗ lực thuyết phục Moscow phối hợp trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.
Ngay cả với những diễn biến mới nhất, các quan sát viên cho rằng dấu hiệu đầu tiên của việc có thể xoa dịu căng thẳng có thể là thông báo cho biết Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ họp trong tuần này với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ là ông Mevlut Cavusoglu, bên lề một hội nghị của OSCE (Tổ chức Hợp tác và An ninh Âu châu) tại Belgrade.