Mức độ nghi thức hóa

\

Cũng liên quan đến văn hóa giao tiếp, có một khía cạnh quan trọng: mức độ nghi thức hóa (levels of ritualization).

Nghi thức là những mẫu câu hoặc mẫu đối thoại hoặc mẫu hành vi đã thành nếp và được một cộng đồng sử dụng trong mọi tình huống giao tiếp. Ví dụ, liên quan đến việc chào hỏi, về phương diện phi ngôn ngữ, người Tây phương thường bắt tay hoặc ôm hôn, người Thái Lan thường chắp tay và cúi đầu; về phương diện ngôn ngữ, người ta, nhất là người Tây phương, thường dùng những câu hỏi han kiểu: “Chào anh/chị - Anh/chị khỏe không? – Vâng, tôi khỏe. Còn anh/chị thế nào? – Vâng, tôi cũng khỏe. Cám ơn, v.v...). Nghi thức ấy hầu như được lặp đi lặp lại ở mọi nơi và với mọi người. Thân cũng như sơ. Ở chỗ riêng tư cũng như ở nơi công cộng.

So sánh với các ngôn ngữ và các văn hóa khác, chúng ta dễ thấy, về phương diện này, tiếng Việt có mấy đặc điểm chính:

Thứ nhất, mức độ nghi thức hóa trong tiếng Việt thấp hơn hẳn. Ngay cả cách chào hỏi của người Việt Nam cũng không hề có một nghi thức cố định. Phần lớn sách giáo khoa tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai đều bắt đầu bằng mẩu đối thoại, đại khái, như sau:

- Chào anh.
- Chào chị. Chị khỏe không?
- Tôi khỏe. Cám ơn anh. Còn anh thế nào?
- Tôi cũng khỏe. Cám ơn chị.

Thật ra, đó chỉ là một mẩu đối thoại giả. Trên thực tế, gặp nhau, rất hiếm khi người Việt Nam chào hỏi với nhau như vậy. Thường, chúng ta chỉ gật đầu, cười. Nhiều hơn, hỏi vài ba câu bâng quơ kiểu: “Đi đâu đó?” hay “Khỏe không?” (nhưng không kèm theo lời chào), v.v... Những câu chào và hỏi như vậy thường thay đỗi theo mức độ thân sơ và cũng tùy theo hoàn cảnh giao tiếp chứ không thành một công thức nhất định như trong tiếng Anh hay tiếng Pháp cũng như một số ngôn ngữ khác.

Thứ hai, tiếng Việt không những ít được nghi thức hóa, mà, dưới mắt người Việt Nam, tính chất nghi thức thường bị đồng nhất với sự khách sáo. Xin lưu ý đến chữ “khách sáo”. Các cuốn từ điển Việt Anh thường dịch chữ “khách sáo” sang tiếng Anh là “ceremonious” hay “formal”. Dịch như vậy không sai nhưng rõ ràng là không lột tả hết sắc thái của chữ “khách sáo” trong tiếng Việt vốn có nghĩa là những khuôn mẫu xơ cứng (sáo) dùng để ứng xử với người ngoài (khách). Nói đến người ngoài là hàm ý phân biệt thân và sơ; từ đó, có thêm hàm ý phân biệt khác: thật và giả. Giải thích chữ “khách sáo”, từ điển tiếng Việt của Thanh Nghị ghi: “cử chỉ, cách thức không thực tình”; của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ: “Huê dạng, đưa đẩy, nói theo khuôn sáo cũ cho kêu chớ không phải do ý mình”; của Văn Tân: “lịch sự bề ngoài, theo công thức, thiếu thành thực và tình thân”; và của Hoàng Phê: "Có tính chất xã giao, lịch sự bề ngoài, không thật lòng". Tất cả các cuốn từ điển ấy đều có cách nhìn giống nhau về khách sáo: Không thực lòng. Khách sáo với người thân, do đó, bị xem là một cái xấu. Chính vì vậy, trong giao tiếp, đặc biệt, với người thân, người Việt thường cố tình loại bỏ càng nhiều càng tốt tính nghi thức, vốn bị xem là khách sáo. Họ không chào hỏi nhau theo những cách thức thông thường. Họ cũng hiếm khi nói “cám ơn” hay “xin lỗi”.

Thứ ba, để thay thế cho loại ngôn ngữ được nghi thức hóa vốn dễ gợi ấn tượng là đãi bôi, người Việt Nam thường sử dụng ngôn ngữ thân thể. Ví dụ, thay vì nói “chào anh/chị”, người Việt chỉ nhìn nhau và cười; thay vì nói “cám ơn”, người Việt chỉ cười; và thay vì nói “xin lỗi”, người Việt cũng chỉ cười. Dĩ nhiên, mỗi kiểu cười trong các tình thế vừa nêu đều khác nhau. “Đọc” và hiểu được sự khác biệt trong các kiểu cười ấy, cần có năng lực văn hóa hoặc liên văn hóa.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.