Tập đoàn sản xuất máy bay thương mại Comac thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đang hợp tác với hãng hàng không Vietjet để đưa máy bay của tập đoàn vào hoạt động ở thị trường hàng không Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 6/11 tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ông Ngụy Ứng Bưu (Wei Yingbiao), Phó Tổng giám đốc Comac, nói rằng ông nhận thấy Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng.
“Comac đã và đang kết hợp với Hãng hàng không Vietjet - hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Việt Nam, trao đổi sâu về kỹ thuật nhằm tiến tới đưa máy bay của Comac vào khai thác tại Việt Nam”, ông Ngụy nói, theo Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam hôm 6/11.
Về phần mình, Thủ tướng Chính đánh giá cao thành tích của Comac trong nghiên cứu, phát triển máy bay thương mại hiện đại và đã đưa máy bay C919 của hãng này tới Triển lãm hàng không Việt Nam vào tháng 2 vừa qua. Ông Chính cho rằng việc Comac hợp tác với Vietjet là “sự lựa chọn đúng đắn”, theo báo Nhân Dân.
“Hoan nghênh Comac tiếp tục khảo sát, nghiên cứu thị trường, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Vietjet, nhất là nghiên cứu, đánh giá các tàu bay để có thể lựa chọn phù hợp, theo các hình thức linh hoạt, giúp đa dạng đội bay của Việt Nam, thực hiện các chuyến bay đem lại hiệu quả cao”, ông Chính nói.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Ngụy cho biết máy bay của Comac đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm giữa thành phố Hồ Chí Minh và đảo Côn Đảo, ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam. Ông dự kiến máy bay Comac sẽ bay chính thức ở Việt Nam vào cuối năm 2024.
Ông Chính cũng bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực sản xuất máy bay của Trung Quốc, tin tưởng Comac sẽ có những bước tiến vượt bậc và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu trong 5-10 năm tới.
Hồi tháng 6/2024, lãnh đạo hãng hàng không Vietnam Airlines, hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam, cho hay họ sẽ “xem xét” và có thể “khai thác” máy bay C919 của Trung Quốc trong tương lai.
Comac có trụ sở tại Thượng Hải, nổi tiếng với dòng máy bay C919, một loại máy bay thân hẹp được thiết kế và sản xuất tại Trung Quốc. Hãng này cũng đang phát triển máy bay ARJ21, một dòng máy bay khu vực chở khách hai động cơ.
Gần đây, Comac thông báo họ đã mở văn phòng tại Hong Kong và Singapore khi tập đoàn này của Trung Quốc cố gắng thâm nhập vào thị trường máy bay chở khách toàn cầu trong bối cảnh các hãng hàng không hàng đầu thế giới như Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ đang nỗ lực sản xuất máy bay đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu, theo Reuters.
Comac đẩy mạnh kế hoạch sản xuất và bán C919, cạnh tranh với các dòng máy bay chở khách 737 MAX của Boeing và A320neo của Airbus.
Tuy vậy, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin trong ngành cho rằng Comac còn lâu mới có thể xâm nhập quốc tế, đặc biệt là khi họ chưa có chứng nhận tiêu chuẩn từ Liên minh châu Âu và Mỹ, nơi mà họ đang cố gắng theo đuổi để đạt chứng nhận cho dòng máy bay C919.