Chính phủ Malaysia đã phê chuẩn kế hoạch xây các con đập tại thung lũng Kaiduan và trên sông Tutoh, lấy lý do phục vụ nhu cầu điện nước.
Nhưng các nhóm bảo vệ môi trường, người dân địa phương và các nơi khác không đồng ý. Họ muốn hủy kế hoạch xây đập.
Ông S.M. Muthu, Phát ngôn viên của Hội Bảo tồn Thiên nhiên của Malaysia nói rằng khu vực này có nhiều nguồn năng lượng khác như nhiên liệu sinh học, khí đốt và năng lượng mặt trời; do đó, không cần phải xây đập mới có điện.
Cư dân tại thung lũng Kaiduan cũng đặt ra những chướng ngại để ngăn chận các hoạt động sơ bộ chuẩn bị xây đập. Một trong những chướng ngại là dựng lên một cây thánh giá của đạo Ky-tô cao 1 mét 8.
Các nhà hoạt động cảnh báo rằng một con đập thủy điện trên sông Tutoh sẽ làm thay đổi đường ranh của một khu vườn quốc gia tại đó, và một khi chuyện đó xảy ra, tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc có thể thu hồi quy chế Di sản Thế giới mà vườn quốc gia này được công nhận.
Borneo là nơi sinh sống của nhiều sinh vật hiếm quý, trong đó có giống vượn to lớn, giống voi nhỏ, và trâu nước đặc biệt của Borneo. Hiện nay cuộc sống hoang dã đang bị đe dọa bởi những dự án phát triển, những người đốn gỗ, và những đồn điền sản xuất dầu dừa.
Cùng lúc, các tổ chức bảo vệ môi trường cũng phát triển trong những năm gần đây tại vùng đất của Malaysia tại Borneo. Các tổ chức này đã thành công khi ngăn chận được kế hoạch xây một nhà máy điện chạy bằng than đá dọc theo một vùng biển sạch như mơ.
Giờ đây các nhóm bảo vệ môi trường muốn lập lại thành tích giống như đã làm với dự án chống nhà máy điện chạy bằng than đá. Chính quyền của Malaysia, Indonesia và Brunei cũng theo dõi sát vụ này.
Chính phủ Malaysia nói rằng các con đập này cần thiết, chẳng những để cung cấp đủ nước mà còn đủ điện để phát triển kinh tế mà Malaysia cần có để có thể đạt chỉ tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hóa trước năm 2020.
Muốn đạt chỉ tiêu đó trong lúc phong trào bảo vệ môi trường đang lớn mạnh quả là một công việc khó khăn, nhất là đối với vùng đất có nhiều loại cây và giống thú hiếm quý như Borneo.
Cả ba nước Malaysia, Indonesia và Brunei đều có đất tại Borneo, hòn đảo lớn thứ ba của thế giới, nơi có nhiều sinh vật hiếm quý. Các nhà bảo vệ môi trường đang lo ngại trước kế hoạch của Malaysia muốn xây các con đập trên phần đất của mình tại đảo này.