Machu Picchu

Machu Picchu

Sáng hôm sau khoảng tầm 4 giờ chẳng hiểu sao tôi đã tự động bật dậy. Và chỉ vài phút sau là tôi đã nghe tiếng của Victor đi đến từng lều một kêu mọi người phải thu xếp dọn dẹp cho mau vì đúng 4 giờ rưỡi là mọi người phải rời khỏi trại. Mặc dù lúc ấy trời vẫn còn tối đen như mực. Và đường đá vẫn còn ướt đẫm sương đêm càng làm cho mọi người phải cẩn thận hơn vì ai cũng biết bất cứ lúc nào tai nạn cũng có thể xảy ra.

Như hôm qua đã có một cô bé nhí nha, nhí nhố thích chạy hơn là đi nên trong một lúc sơ ý đang chạy thả dốc thì đã… bay luôn xuống vực. Cũng may là ở ngay nơi cô té có một chùm cây lớn mọc chìa ra bên dưới sườn núi khoảng độ chừng 5 mét nên cô chỉ bị trật chân sau khi được kéo lên chứ nếu không theo như lời Victor nói thì chắc có lẽ trên đoạn đèo Inca Trail này lại có thêm một Dead Woman’s Pass!

Trên quãng đường cuối này thật ra nó không quá hẹp và khó đi gì cho mấy. Mặc dù trước khi đặt chân đến thánh địa Machu Picchu chúng tôi phải trèo qua thêm một dốc núi cao nữa và sau đó phải cuốc bộ khoảng độ chừng 6 cây số dọc theo sườn núi mới đến đích.

Nhưng tôi để ý thấy thì hình như không có ai tỏ vẻ mệt mỏi hay vẫn còn ngái ngủ. Kể cả thằng bạn người Anh hôm qua bị Tào Tháo rượt suốt cả đêm như tôi hôm nào!

Cũng có thể, tôi nghĩ, vì sang đến ngày thứ tư cơ thể ai cũng đã làm quen được với thiên nhiên khắc nghiệt và mức độ mà nó bị buộc phải chịu đựng mỗi ngày mà không có một sự lựa chọn nào khác. Như tôi thường thấy ở ngay chính bản thân mình. Còn nhớ lần đầu tiên tôi về Việt Nam thăm ông bà và được sắp xếp cho ngủ ngay trên sàn gạch của nhà ông bà nội ở Quận 3, Bàn Cờ. Eo ôi, sáng dậy cả vai lẫn lưng nó đau phải biết. Nhưng sang đến ngày thứ hai thì nó đã bớt đau hơn. Và một tuần sau thì coi như ngủ trên nệm cũng như ngủ trên gạch, chẳng có vấn đề gì. Tôi cho là bản chất con người chúng ta tự nó rất dể thích nghi với cuộc sống cũng vì thế. Sướng thì nó rất thích. Nhưng nếu bị buộc phải chịu khổ thì nó cũng luôn sẵn sàng. Điều cần biết là cái tâm của mình nó có muốn hay chịu thích nghi hay không mà thôi.

Hơn thế nữa tôi nghĩ một khi chúng ta có chủ ý thật sự muốn đạt được một điều gì, một khi chúng ta có một điểm đến rõ ràng, dứt khoát thì sự mệt nhọc, thiếu thốn ở thể xác chỉ là… chuyện nhỏ, không đáng bận tâm. Nếu không muốn nói là nhiều khi chúng ta hoàn toàn quên hẳn về nó. Mãi cho đến khi xong việc rồi mới thấy chân tay rã rời, mắt mở không nổi!

Như trên suốt 2 tiếng đồng hồ cả nhóm phải hì hục leo lên từng phiến đá cao ngất ngưởng trong đêm khuya giá lạnh nhưng không có một ai chịu đứng lại nghỉ xả hơi như 3 ngày trước. Vì đỉnh núi Machu Picchu đang ở gần kề.

Và…

Và…

Vì cuối cùng chúng tôi đã đến đích. Machu Picchu đang ở ngay trước mặt tôi đây. Khi trời vừa hừng sáng.

Tôi thật sự không nhớ là kể từ khi nào tôi đã mơ được đặt chân đến nơi này. Có lẽ từ lúc tôi còn đi học và vẫn luôn mơ mộng là một ngày nào đó tôi sẽ có dịp đi đến những nơi huyền bí nhất, yên tĩnh nhất giữa thiên nhiên bất tận. Những rặng núi Himalaya ở Tây Tạng, Bhutan là một. Đỉnh núi Sinai huyền thoại trong Thánh Kinh nằm cạnh eo biển Red Sea gần biên giới Ai Cập và Trung Đông là hai. Và Machu Picchu cổ thành của người Inca là điểm đến thứ ba mà tôi muốn tìm đến.

Tôi không muốn đến chỉ để thấy được tận mắt, chụp vài tấm hình làm kỷ niệm rồi vội vã quay về. Mà tôi thật sự muốn tự mình từng bước, từng bước một lần theo dấu chân của những người đi trước, hòa mình vào thiên nhiên để cảm nhận được chút dư âm của một thời hưng thịnh của cả một dân tộc, một nền văn minh cổ độc đáo có một không hai trên thế giới. Cũng có thể bạn cho là tôi dở hơi, ở không chỉ biết nghĩ và làm chuyện tầm phào nhưng đối với riêng tôi, ở ngay tại nơi này, ngay giây phút này tôi mới thấy mình “tĩnh” nhất, “thấm” nhất, và cũng là nhỏ nhất trong vũ trụ bao la biến đổi không dừng.

Machu Picchu

Tôi chợt nghĩ đúng là mới thấy đó rồi mất đó. Ngày nào đây còn là cung điện với hệ thống nước được đưa từ núi cao vào đến tận bên trong phòng ngủ. Kia là đền thờ với từng phiến đá lớn hàng ngàn tấn chồng chất lên nhau theo thế chân vạc để không bao giờ bị các cơn địa chấn làm hư hại bất kể thời gian. Ngàn năm trước người Inca đã văn minh đến độ họ biết cách sử dụng ánh nắng mặt trời để đoán được đúng ngày nào, giờ nào trời sẽ bắt đầu vào xuân hoặc sang đông. Họ biết phải làm sao dùng đá để cắt đá thành từng mảnh thẳng tắp như thể đấy chỉ là những viên gạch không hơn không kém.

Nếu như ngày xưa qua những gì tôi xem và đọc tôi chỉ có thể cảm nhận được nét đẹp hoang tàn giữa thiên nhiên hùng vĩ của cổ thành Machu Picchu thì cho đến hôm nay phải thú nhận là tôi đã hoàn toàn bị chinh phục bởi sự hiểu biết, nền văn minh của dân tộc Inca và đặt biệt là ý chí sắt đá của họ. Nếu so với Vạn Lý Trường Thành thì đối với riêng tôi nó có ý nghĩa, độc đáo, và đáng nể phục hơn nhiều. Vì thật ra Vạn Lý Trường Thành chỉ được có cái… dài chứ riêng về chất lượng lẫn sự tinh vi, khéo léo cần phải có khi từng bờ tường được xây lên thì không thể nào sánh bằng. Đấy là chưa nói đến việc cổ thành Machu Picchu được xây ngay trên đỉnh núi và nền văn minh Inca ngay lúc cực thịnh chỉ có độ khoảng trên 100,000 người.

Nhưng rồi thì nó cũng đành phải tàn theo thời gian. Như mọi triều đại khác khi hưng vong, lúc suy thịnh. Để lại cho đời mãi phải suy ngẫm theo như hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Mãi cho đến đầu thế kỷ trước thế giới chúng ta mới tìm lại được nền văn minh của một thời.

Trên chuyến xe lửa về lại thành phố Cuzco buổi chiều hôm đó, để lại trên cao là rặng núi Andes mà tôi đã vừa bước qua, bên dưới là con sông sâu nước chảy cuồn cuộn, tạo nên những cơn sóng dập dồn, tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ và tự hỏi có biết bao người đã đi qua con đường mòn Inca Trail. Để xây nên một kỳ tích cho dân tộc.

Thế còn mình thì sao. Trước khi chết mình sẽ làm được gì?

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.