Có thể nói ngày thứ hai trên con đường đá mòn The Inca Trail là một trong những ngày đáng nhớ nhất và cũng là mệt lả người nhất trong cuộc sống có thể xem như vẫn còn khá ngắn ngủi của tôi. Chung quy cũng vì cái bụng quá yếu xìu của mình. Cho đến hôm ấy tôi mới thấy thấm thía câu nói đùa của mẹ tôi bảo rằng tôi là thằng “ba trợn”. Vì các bạn biết không, ngay chính tôi hôm đó cũng có nhiều lần mắng thầm rằng mình đúng là một thằng quá…khùng! Quá “crazy” vì khi không chẳng ai bắt buộc mình, tự động bỏ tiền túi và thời gian nghỉ phép chỉ để…tự hành xác. Không hơn không kém.
Nếu như leo núi đã mệt, như đã nói, ở trên độ cao 3, 4 ngàn mét nó lại càng dễ bị mệt hơn. Nhất là khi cả ngày chỉ có độc nhất một dốc núi đá cao để trèo. Và hoàn toàn không có được đến 1 phút để…thả dốc.
Đã thế tôi còn bị cái bụng nó quấy. Cứ mỗi lần nó quặn đau là coi như tôi hoàn toàn bị kiệt sức, tay chân bủn rủn, chẳng thiết tha gì với cảnh non xanh, núi biếc chung quanh nói chi đến hai chữ trèo leo. Người ta thì leo 5, 3 phút sau mới dừng nghỉ. Còn tôi thì – tôi vẫn còn nhớ rất rõ – cứ leo lên được chừng 5, 10 bậc đá là tôi phải dừng hẳn lại. Để ngồi bệt trên một phiến đá nào đó và thở dốc.
Đến lúc ấy tôi chẳng nghĩ đến việc phải giữ quần áo cho sạch sẽ. Hay đừng để nó ướt làm khó chịu người. Tôi chỉ có thể mang máng cảm nhận được là hình như cái ba lô trên vai mình mỗi phút nó trở nên nặng hơn và càng lên cao nó càng bấu chặt vào vai, đau nhức cả mình. Nói thật lúc ấy tôi chỉ mong sao cho tôi có thể đến trại trong thời gian sớm nhất. Để thân xác thôi không bị hành nữa.
Nếu hôm nay có ai hỏi tôi bài học lớn nhất mà tôi học được trong chuyến đi dài khó quên này là gì thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng cho đến hôm ấy tôi vẫn chưa thật sự thấu hiểu được câu: ở đời mấy ai học được chữ Ngờ!
Bởi tôi vẫn thường luôn tự cho mình là một thằng con trai lúc nào cũng khỏe mạnh, người ta mà làm được thì chắc chắn tôi sẽ làm được. Như câu nói tiếng Anh mà tôi thường nghe: if a billion Chinese men can do it, I can do it!
Thế nhưng đừng vội quá lời Hội ơi. Vì ở đời này ít có ai mà cuộc sống lúc nào cũng vẹn toàn, điều gì mình muốn cũng có thể đạt được nếu có ý chí. Bởi vì bạn biết không, có ý chí vững mạnh như đồng nhưng không có sức khỏe thì coi như cũng đi đoong. Chẳng làm được gì. Kể cả việc leo núi.
Điều thứ hai mà tôi học được là trong những giây phút bụng quặn đau, chân tay rã rời như thế này, tốt nhất là tôi không nên suy nghĩ quá nhiều. Nếu như hôm trước tôi là một trong những thằng dẫn đầu thì hôm nay tuy tôi là thằng phải đi chót nhưng… so what? Thế thì đã sao? Ở đời việc lên voi, xuống chó là chuyện thường tình, ai cũng phải trải qua. Điều tôi cần ghi nhớ là thái độ của mình lúc gặp phải khó khăn.
Và quan trọng hơn hết là đừng vội nghĩ xa, lo nhiều. Đừng hỏi bao giờ mình sẽ đến đích. Cứ chú trọng từng bước, chỉ từng bước một ngay trước mặt mình. Rồi thì cơn đau sẽ qua thôi. Phải cố lên vì cuối cùng chỉ có mình mới giúp được mình Hội ạ.
Tôi đến trại khi ấy trời đã ngả chiều. Và tự động biết thân chui ngay vào lều sau khi nốc vài viên trụ sinh lẫn thuốc trị đau bụng. Đêm hôm ấy mãi đến tối khuya tôi mới dậy nổi để ăn tô cháo được nấu riêng để dành từ lúc chiều. Tôi cố lắng tai nghe nhưng hình như ai nấy cũng đều đang thẳng giấc. Cơn mưa lúc chiều hắt từng chập bao trùm cả thung lũng bên dưới nay đã tạnh hẳn. Để lại cả một vùng đồi núi sáng bàng bạc dưới ánh trăng tròn của một đêm hè trên con đường Inca Trail.
Cũng lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngồi tĩnh tâm, đơn độc trong đêm khuya vắng lặng. Tiếng thác đổ từ xa nghe lúc to, lúc nhỏ. Gió núi từ dưới thung lũng thổi lên qua những hàng cây khi ngắn, khi dài. Tôi ngồi đó mắt mở, tai nghe vạn vật đang chuyển mình trong bóng đêm như thể tôi đang bị thôi miên bởi thiên nhiên quá hùng vĩ. Có lẽ núi rừng Sapa hay Trường Sơn cũng đẹp, cũng hoang sơ đến thế là cùng.
Sáng hôm sau rất may cái bụng tôi đã bị mấy viên thuốc và trà lá coca chế ngự nên tôi đã cảm thấy khỏe lại như thể chưa biết bệnh là gì. Ngày thứ ba tuy là ngày dài nhất, chúng tôi được cho biết là sẽ phải cuốc bộ khoảng độ chừng 20 cây số, nhưng phần lớn đều là phải leo xuống chứ không phải leo lên như 2 hôm trước nên đứa nào cũng phấn khởi. Cảnh trí từ trên cao nhìn xuống lại càng đẹp hơn nên trên suốt đoạn đường này ai trông cũng vui vẻ hơn, chọc ghẹo, cười nói luôn miệng. Thỉnh thoảng có đứa cố đứng nán lại đôi chút để hít thở không khí trong lành cũng như nhìn lần cuối cảnh nước non hùng vĩ có một không hai trên thế giới.
Riêng tôi bài học của ngày leo núi thứ ba là… chưa chắc đi xuống đã dể hơn đi lên. Vì khi chúng ta phải leo xuống một dốc đá cao, cao gần như dựng đứng, thì điều đầu tiên chúng ta thấy sẽ là cái dốc cao sâu thăm thẳm ở ngay trước mặt. Và sợ không biết phải làm sao để mình đừng té. Chứ ít có ai nghĩ tới việc leo xuống thật ra không cần sức lực nhiều. Và nghĩ rằng từng ấy viên đá mình đã leo lên được mà không bị trượt chân thì leo xuống cũng chỉ có vậy thôi.
Thế vậy mà đứa nào cũng sợ. Leo lên đã chậm. Bây giờ leo xuống lại càng chậm hơn. Thậm chí có đứa sợ đến độ chỉ biết…lết. Dùng hai tay lẫn hay chân cùng bàn tọa để lết từ bậc đá này xuống bậc đá khác. Vậy mà hai cái chân nó vẫn cứ run lẩy bẩy!
Chúng tôi bước chân vào trại cũng là lúc mặt trời vừa lặn để lại cả một vùng trời xanh mờ, xa xa là từng cụm mây đang bay lững lờ xen lẫn những làn khói trắng đang chầm chậm bay lên từ bên phía bếp trại. Chỉ còn khoảng độ chừng 6 cây số và một ngọn núi nữa thôi là chúng tôi sẽ đến cổ thành và cũng là thánh địa Machu Picchu. Nếu cố lắng tai nghe bạn sẽ có thể nghe thấy tiếng nước sông trong mùa mưa lũ đang gầm thét từ dưới chân núi dồn dập đổ về. Và trước mặt là từng ngọn núi cao, ngang nhiên đứng sừng sững như thể đang thách thức mọi người phải trèo qua được ải cuối cùng mới mong đến được miền đất hứa.
Thế thì đã sao. Chắc chắn là ngày mai sẽ không có ai bỏ cuộc. Ngay cả khi tất cả mọi người bị buộc phải dậy từ lúc 4 giờ sáng. Để kịp nhìn mặt trời mọc trên đỉnh Machu Picchu.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.