Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời sau gần ba chục năm ngồi trong Bộ Chính Trị, đã được bầu làm Tổng bí thư ba lần, vượt qua giới hạn hai nhiệm kỳ. Giống như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng đã loại trừ được các đối thủ chính trị bằng phong trào “đốt lò” chống tham nhũng, để thành người lãnh đạo độc nhất và tối cao.
Trong khi Ban Tuyên giáo Trung Ương Đảng ra lệnh cấm tất cả các cuộc trình diễn sân khấu, ca nhạc, giải trí khắp nước và soạn lại tiểu sử ông để chuẩn bị “quốc tang,” Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội nhận xét, “… di sản của ông ấy là một người tham quyền cố vị, kiên định với chủ nghĩa Mác- Lênin…”
Ông Nguyễn Phú Trọng đã leo dần dần lên ghế Tổng bí thư và kiên trì ngồi đó hơn một con giáp chính vì được tiếng là người “kiên định với chủ nghĩa Mác- Lênin.” Những người lãnh đạo trong đảng Cộng sản thường tìm đường thăng tiến qua các vai trò bí thư từ nhỏ tới lớn hoặc nắm những chức vụ cai trị, quản lý từ cấp dưới đi lên. Leo trên các nấc thang đó, mỗi lãnh tụ được đánh giá bằng các công việc đã làm. Ông Nguyễn Phú Trọng khác họ, trước sau chỉ đóng vai một lý thuyết gia. Ông dùng các lời ca ngợi, biện hộ, cho chủ nghĩa Mác- Lênin, ý chí cương quyết bảo vệ chủ nghĩa sau khi nó đã sụp đổ ở Liên Xô, coi đó là “thành tích” bảo vệ địa vị của mình rồi từ từ leo lên các chức cao hơn.
Ông được tiếng là người không ham làm giàu, kể cả thời gian làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, từ năm 2000 đến 2006. Trong xã hội cộng sản, ngồi giữa đám quan chức chỉ lo bòn mót, người có cơ hội hái ra tiền mà không biết lợi dụng thì đó là một phẩm chất. Nhưng chính nhờ phẩm chất này mà các lãnh tụ cộng sản khác không coi ông là đối thủ có tham vọng tranh phần với mình, cần phải loại trừ. Trước khi lên ngồi ghế cao nhất trong đảng, ông cũng không bao giờ phê bình, chỉ trích các đồng sự tham nhũng no nê. Nhờ thế hoạn lộ của ông không trắc trở, cứ từng bước tiến lên. Khi cuộc tranh giành trong nội bộ đảng khiến Nguyễn Văn An phải từ chức Chủ tịch Quốc hội, các phe phái không ai chịu nhường ai, đồng ý chọn một vị giáo sư kiên định, hiền lành, lên thay.
Họ có thể yên tâm biết rằng Nguyễn Phú Trọng không có tham vọng kiếm chác làm giàu, vai trò chủ tịch Quốc hội thường cũng không tạo cơ hội liên kết bè đảng để giành giựt quyền lực chính trị. Hơn nữa, các lãnh tụ cộng sản cũng thấy nhu cầu đưa một “lý thuyết gia” lên ngồi trên cao, cho toàn dân và các đảng viên lâu lâu trông thấy trên màn ảnh truyền hình. Trong thực tế, chính các đảng viên cộng sản ở Việt Nam không còn ai tin và hiểu các lý thuyết mơ hồ của Karl Marx nói cái gì nữa. Muốn biện minh cho chế độ độc tài toàn trị để công an “làm việc,” cần một lý thuyết gia đứng ra hô khẩu hiệu. Con người này phải thuộc lòng các khẩu hiệu, trong lòng vẫn tin tưởng vào các khẩu hiệu dù không biết phải làm gì để thực hiện; có khả năng nói dài, nói dai dẳng mà không biết xấu hổ; lại có bộ mặt chững chạc, hiền lành của một ông thầy giáo thì càng tốt. Nếu lại có văn bằng tiến sĩ do trường đảng cấp cho thì càng uy tín. Nguyễn Phú Trọng từng làm tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, là một “quân bài an toàn.” Ông thành một trong “Tứ trụ” cầm đầu đảng từ 2006 đến 2011. Phận sự quan trọng nhất của ông là hô hào bảo vệ chủ nghĩa.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị cả đời để làm công việc này. Năm 1967 vào đảng Cộng sản, sau khi học Khoa Văn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp bằng Cử nhân ban Ngữ văn năm 1973; tiếp tục làm nghiên cứu sinh ba năm trong Trường Đảng rồi lên làm thầy giáo. Trọng du học hai năm tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, những năm cuối của triều đại Tổng bí thư Leonid Ilyich Brezhnev, lãnh tụ cuối cùng kiên trì bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê nin và đưa kinh tế Nga vào cảnh trì trệ cho tới khi sụp đổ. Trọng được cấp bằng phó tiến sĩ bộ môn Lịch sử. Về nước năm 1983, đến năm 1992 Trọng mới được phong hàm phó giáo sư, 10 năm sau lên chức Giáo sư chuyên về “Xây dựng Đảng.” Danh hiệu Giáo sư và công việc nghề nghiệp bảo đảm ông không có thói quen tranh giành quyền lợi với các lãnh tụ khác, không mấy người coi ông là đối thủ đáng lo ngại.
Cứ như thế, ông Trọng lầm lũi kiên trì tiến vào vòng trong của guồng máy đảng. Năm 1997 ông vào Trung ương, được bổ sung vào Bộ Chính trị; năm 1999 lên Thường trực Bộ Chính trị, cái ghế cao hơn. Các lãnh tụ khác vẫn lo thu nhặt bỏ túi để khi về hưu có thể ngồi cái ghế bằng vàng đặt giữa nhà, hoặc “áo gấm về làng,” khi chết được xây lăng mộ nguy nga, Nguyễn Phú Trọng chỉ đóng vai “Quan Công phò nhị tẩu,” thắp đuốc bảo vệ chủ nghĩa, chống đối kịch liệt “diễn biến hòa bình” và các cuộc “cách mạng màu” ở Bắc Phi và Đông Âu. Ông chờ cơ hội leo lên cái ghế cao nhất.
Có lúc thành thật, ông Trọng thú nhận “con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội rất mù mịt, “đến hết thế kỷ 21 này không biết” Việt Nam sẽ tới đó hay chưa. Trên thế giới hiện chỉ còn mấy nước tự nhận là cộng sản, ông phải dựa vào đó để duy trì chế độ. Cho nên khi lên chức Tổng Bí thư, ông bay qua Bắc Kinh ngay để diện kiến Tổng bí thư Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ông theo sát Tập Cận Bình từng bước, khoác cái áo Mác-Lê nin lên mình như một lá bùa thiêng. Bộ triều phục Mác-Lê nin của ông Trọng hoàn toàn trống rỗng, nên cũng trong suốt. Giống như ông vua trong chuyện cổ tích đem khoe bộ áo mới của mình, người ngoài đều thấy ông không mặc quần áo nào cả. Ai cũng thấy nhưng các đảng viên vẫn phải hoan hô, khen ngợi bộ hoàng bào của ông Tổng bí thư.
Chắc ông Trọng biết không thể nào bảo vệ chế độ bằng các bài diễn văn đầy “chữ nghĩa thánh hiền” mà không ai còn muốn nghe. Cho nên, theo bài học của Lenin, muốn “xây dựng đảng” cần phải dùng bạo lực. Guồng máy công an, mật vụ đã từng được Stalin sử dụng để tiêu diệt các đối thủ nội bộ. Cờ đã đến tay, ông Trọng không ngần ngại theo gương các vị chúa Điện Kremlin. Năm 2021 Bộ Chính trị có 18 người thì trong đó 5 người gốc công an và 3 người từ quân đội. Công an đã đàn áp, bắt giam những Trương Duy Nhất, Phạm Đoan Trang, và những người khác, dù họ không hô hào dân vùng lên đánh đổ chế độ.
Sau hai nhiệm kỳ, từ 2011 đến 2021, đáng lẽ Nguyễn Phú Trọng phải xuống ghế. Điều lệ đảng Cộng sản cũng quy định các lãnh tụ đến tuổi 65 phải về hưu. Nhảy qua cả hai chướng ngại đó, ông được tái cử, nhờ đã phát động kế hoạch Đốt Lò, từ năm 2013!
Từ đó tới nay, công cuộc Đốt Lò làm chín Ủy viên Bộ Chính trị bị điều tra, bảy trong số 18 thành viên Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội 13 bị đuổi ra ngoài trong đó Đinh La Thăng bị bắt, hai chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, một chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải từ chức.
Nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A vẫn phê phán: “… công cuộc đốt lò là hoàn toàn thất bại.” Đây cũng là một sự thật mà ông vua khoác áo Mác-Lê nin không tự mình nhìn thấy. Ông Tổng bí thư muốn đốt lò để lau rửa bộ mặt đảng ông sạch sẽ hơn, hy vọng sẽ được dân chúng tin tưởng. Nhưng khi bắt các quan chức từ chức, tống giam một số người, ông đều kết tội họ, trước hết, là không làm đúng nhiệm vụ của đảng viên. Ông nhân danh “luật đảng” chứ không dùng “luật nước.” Không ai biết những người nào, đến bao giờ mới bị đưa ra tòa án xét xử.
Chiến dịch đốt lò là hoàn toàn thất bại vì ông Nguyễn Phú Trọng chỉ chặt các cành cây trên ngọn mà không đụng tới gốc rễ sinh đẻ ra nạn tham nhũng. Tất cả các chế độ độc tài đều tạo ra và nuôi dưỡng tham nhũng, hối lộ. Muốn trừ tham nhũng phải đề cao luật pháp, tôn trọng và bảo vệ nền tư pháp độc lập. Lý thuyết Mác-Lê nin không dạy ông điều căn bản đó. Con người “kiên định với chủ nghĩa Mác- Lênin” mang cả chủ nghĩa trống rỗng đó xuống lòng đất.