Mâu thuẫn trong đối ngoại?
Tại hội nghị APEC ở Lima, Peru, ngày 14/11/2024, Chủ tịch nước Việt Nam, Lương Cường, nhận xét rằng chính sách bảo hộ và chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói. Mặc dù không nhắc đích danh, bài phát biểu này, theo hãng tin kinh tế - tài chánh Bloomberg, được xem như lời phê phán chính sách, đường lối thương mại mà tổng thống tân cử Hoa Kỳ, Donald Trump, nhiều lần khẳng định trong chiến dịch tranh cử. Đặc biệt, ông Trump từng đe dọa áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ nước ngoài lên 20% khi ông lên nắm quyền vào tháng Giêng 2025. Điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế xuất khẩu của Việt Nam – quốc gia đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, đạt 86,1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024 (1).
Ông Lương Cường cảnh báo rằng bảo hộ mậu dịch sẽ cướp đi cơ hội việc làm của hàng triệu lao động và cản trở phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi các quốc gia lớn tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều này khiến giới quan sát đặt câu hỏi: Liệu ông Lương Cường đang bảo vệ lợi ích Việt Nam hay gián tiếp nói thay lập trường của Trung Quốc, quốc gia cũng chịu áp lực, và chịu áp lực lớn nhất, từ chính sách cứng rắn của ông Trump? Ngay một ngày sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên tiếng phản đối bảo hộ mậu dịch, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế (2). Điều này đặt phát biểu của ông Lương Cường trong thế so sánh, khiến một số ý kiến cho rằng Việt Nam có thể đang cố gắng “a dua” với Bắc Kinh khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng leo thang.
Ở chiều ngược lại, vào tháng 9/2024, một công ty con của Tập đoàn phát triển bất động sản Kinh Bắc City (KBC) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trump Organization để phát triển dự án sân golf và khách sạn cao cấp trị giá 1,5 tỷ đô la tại tỉnh Hưng Yên, quê nhà của ông Tô Lâm. Sự kiện này diễn ra trùng với thời gian có chuyến đi của ông Tô Lâm đến Mỹ hồi cuối tháng Chín; và được ký kết dưới sự chứng kiến của cựu tổng thống, nay là tổng thống tân cử, Donald Trump. Dự án này, theo RFI, không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là một bước đi khôn ngoan của Hà Nội khi có thể “thuyết phục tập đoàn Trump cam kết đầu tư, nhất là khi mà nó mang lại cho phe phái quyền lực nhất của Việt Nam sức ảnh hưởng trong chính quyền tương lai của Mỹ.” (3). Động thái này còn được xem là cách tiếp cận "giãn Trung" khi Trump tỏ thái độ tích cực hơn với các quốc gia giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội vàng để nâng cao vị thế Việt Nam tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự khác biệt rõ rệt giữa Lương Cường và Tô Lâm làm dấy lên nghi vấn về sự thiếu đồng bộ trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam.
Hay bị Bắc Kinh thao túng?
Có ý kiến cho rằng sự khác biệt này không chỉ phản ánh mâu thuẫn chiến lược mà còn cả cạnh tranh nội bộ. Việc ông Tô Lâm nhường ghế Chủ tịch nước cho ông Lương Cường vẫn chưa đảm bảo sự ổn định lâu dài trong "Tứ trụ". Thậm chí, một số phân tích chỉ ra khả năng Bắc Kinh thao túng gián tiếp, nhằm gia tăng mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo thượng tầng. Bằng chứng là thái độ "vừa đấm vừa xoa" của Trung Quốc, khi liên tục có hành động gây hấn trên Biển Đông nhưng vẫn cử Thủ tướng thăm Việt Nam ngay sau đó (4). Phát biểu của ông Lương Cường tại APEC dường như trùng khớp với lập trường của Bắc Kinh khi nhấn mạnh việc không để "chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách." Trong khi đó, động thái hợp tác với Trump Organization từ phía Hưng Yên quê nhà Tô Lâm lại được nhìn nhận như là một quan điểm "tách rời tương quan" (decoupling) táo bạo, tạo nên cách tiếp cận của một nhà hoạt động thực tiễn, chứ không phải “dân cạo giấy, chính trị suông” bước ra từ các loại văn phòng.
Về phần mình, trong bài phát biểu tại Cấp cao APEC vào ngày 15/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương tăng cường hợp tác chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại: "Thế giới đã bước vào một giai đoạn mới của sự hỗn loạn và thay đổi, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng lan rộng, tính chất phân mảnh của nền kinh tế thế giới ngày càng gia tăng." (5) Nhưng chưa cần ông Tập kêu gọi thì trước đó một ngày, ông Lương Cường đã tự nguyện “hòa đồng bộ” với quan điểm của Trung Quốc để đưa ra phê phán đươc cho là mạnh mẽ nhất từ các nước Đông Nam Á phê phán chính sách thương mại của chính quyền Trump từ tháng 1/2025.
Trong khi Tổng thống đắc cử Trump vẫn chưa có động thái rõ ràng về chính sách đối với Việt Nam, phát biểu mạnh mẽ của ông Lương Cường khiến giới quan sát đặt câu hỏi: Liệu tuyên bố ấy của Lương Cường đang phục vụ lợi ích của Việt Nam hay gián tiếp đứng về phía Trung Quốc, quốc gia sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi các chính sách cứng rắn từ Mỹ? Trên thực tế, bên cạnh tìm kiếm lợi nhuận bên ngoài đất nước, một số công ty Trung Quốc mấy năm gần đây đã đầu tư vào Việt Nam để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chính dư luận quốc tế cũng quan ngại thay cho Hà Nội, nếu Việt Nam bị xem là một quốc gia được Trung Quốc sử dụng để lách luật và lợi dụng các chính sách của Mỹ, Hà Nội có thể vấp phải đòn trừng phạt của chính quyền Trump (6).
Khác biệt giữa ‘quan văn’ và ‘quan võ’?
Bên cạnh yếu tố “lấy lòng Bắc Kinh”, sự khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam có thể phản ánh “độ vênh” giữa hai tư duy về chính sách của giới “quan văn” và giới “quan võ”, những nhân tố đan xen không chỉ trong lực lượng quân đội mà có khi lan cả sang công an. Ông Lương Cường, xuất thân từ vai trò “chính trị viên”, thường được xem là người thiên về lý thuyết suông và bị chi phối bởi cách nhìn mang tính phòng ngừa. Trong khi đó, ông Tô Lâm, với kinh nghiệm hoạt động trên thực địa, mang tư duy thực dụng, tập trung vào hành động và có tầm ảnh hưởng trong cả an ninh lẫn quốc phòng. Hai cách tiếp cận đối lập – một bên phê phán cứng rắn, một bên chọn cách mềm dẻo o bế – không phải là mâu thuẫn giữa công an và quân đội. Thay vào đó, nó phản ánh một bức tranh rộng lớn hơn về sự thiếu đồng nhất trong chiến lược lãnh đạo quốc gia, nơi lợi ích dân tộc đôi khi bị phủ bóng bởi quan điểm cá nhân hoặc phe nhóm.
Vụ ký kết giữa Tập Đoàn Phát Triển Hưng Yên và Trump Organization, nhìn dưới nhãn quan kinh tế và nếu cho rằng có ảnh hưởng hậu trường của Tô Lâm, không chỉ thể hiện nỗ lực của họ Tô trong việc bảo đảm ổn định kinh tế, mà còn phản ánh tầm nhìn thực tiễn của một nhà lãnh đạo nhạy bén trước thực tế. Việt Nam hiện là nước có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mexico (nếu tính cả khối EU thì Việt Nam đứng hàng thứ tư); vì vậy Tô Lâm phải ưu tiên trọng tâm cho mối quan hệ song phương để giảm thiểu rủi ro. Trái lại, lập trường cứng rắn của Lương Cường dường như chỉ là lý thuyết suông, hoặc tệ hơn, nghiêng về lập trường của Bắc Kinh hơn là lợi ích của Việt Nam. Điều này làm dấy lên lo ngại: Liệu Lương Cường đang bảo vệ lợi ích quốc gia hay vô hình chung đang làm lợi cho một thế lực khác trên các diễn đàn quốc tế? (7)
Tóm lại, đã đến lúc Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn trong chính sách đối ngoại để tránh bị đánh giá là thiếu nhất quán trong điều hướng. Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, mọi tuyên bố – dù là phát biểu tại APEC hay dự án hợp tác kinh tế – đều cần tính toán kỹ lưỡng để tránh bị khai thác bởi sự thiếu đồng thuận nội bộ, làm ảnh hưởng đến lợi ích đất nước. Nếu không, Việt Nam có nguy cơ đánh mất lợi thế chiến lược, thay vì tận dụng cơ hội để nâng cao vị thế quốc gia. Trong thời điểm các nước đều phải tỉnh táo và cẩn trọng trước mọi điều hướng chính sách, liệu cách tiếp cận của ông Lương Cường có thực sự phục vụ lợi ích dài hạn của Việt Nam? Đấy là chưa nói tới những đồn đại trong công luận, với “chuyến công du đầu tiên không như ý”, Lương Cường liệu có phải là “Chủ tịch nước xui xẻo” tiếp theo? (8)
Tham khảo: