Màn ‘nghênh đón’ quyết liệt
8h40 sáng 5/11, tôi có mặt tại quán High Land Café dưới chân Cột cờ Hà Nội để chuẩn bị hưởng ứng lời kêu gọi xuống đường phản đối Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam.
Tôi tranh thủ tiến tới vị trí gần Đại sứ quán Trung Quốc nhất trong khuôn viên quán để ghi lại vài hình ảnh xung quanh khu vực trước “giờ G”. Chụp ảnh xong, quay lại ghế ngồi thì một người đàn ông trung niên cạnh đấy bắt chuyện với tôi. Anh ta tự giới thiệu tên là Nam, sỹ quan an ninh, quê ở Nghệ An, đồng môn với một người bạn của tôi.
Vừa trò chuyện qua quýt với Nam, tôi vừa tranh thủ đăng mấy bức ảnh mới chụp lên Facebook. Vài phút sau, một tay an ninh khác mò đến, còn Nam rời đi. Tay an ninh mới cũng chẳng lạ gì tôi. Tôi nói với anh ta rằng chính chúng tôi đang phải làm nhiệm vụ vạch trần và ngăn chặn đủ mọi âm mưu của Trung Quốc để bảo vệ đất nước thay cho họ, trong khi họ dường như chỉ quan tâm đến “phản động” với “dân oan”.
Một lát sau, Nam quay lại và vẫy tôi ra bảo nhờ chút việc. Tôi miễn cưỡng đi theo anh ta. Tuy nhiên, khi tôi phát hiện anh ta cố hướng tôi về phía chiếc taxi đang mở cửa đậu bên vệ đường cách tôi chừng vài chục mét cùng mấy tên an ninh lố nhố ở đấy thì tôi hiểu ra ngay ý định của anh ta và lập tức chia tay anh ta.
Tôi băng qua đường và đi về phía khu vực vườn hoa Lenin sát đường Trần Phú. Vừa mới đi được một đoạn, tôi quay đầu nhìn lại thì thấy hai tên an ninh đang bám theo. Tôi nhận ra ngay đây là hai tay an ninh thuộc Phòng PA67 - Công an Hà Nội. Một tay tên là Giang, từng “làm việc” với tôi hai lần, còn tay kia đã từng theo dõi tôi.
Hai tên nhanh chóng vượt lên xốc nách tôi, lôi tôi về phía đường Điện Biên Phủ, bất chấp phản ứng quyết liệt của tôi. Chúng vẫy taxi để đưa tôi đi, còn tôi thì vừa vùng vẫy, vừa hô to: “Cướp, cướp! Bà con ơi, cứu tôi!” Trước sự chống cự mạnh mẽ của tôi cùng bao ánh mắt của người đi đường, chúng không làm gì được tôi. Tôi vùng thoát và băng qua đường Trần Phú, vừa đi vừa chạy về phía đường Lê Duẩn. Lúc đó là khoảng 9h05.
Đến đầu đường Lê Duẩn, tôi ngoái lại nhìn thì thấy ngoài hai tên kia còn thêm một tên thứ ba nữa đang đuổi theo mình. Chúng nhanh chóng bắt kịp tôi rồi kéo tôi ra giữa đường Điện Biên Phủ, nơi chỉ cách trụ sở công an phường Điện Biên chừng vài chục mét, và chặn một chiếc xe taxi để đưa tôi lên. Tôi đứng ôm lấy cửa taxi, cố sức vùng vẫy để chúng không đẩy mình vào taxi được và hô toáng lên: “Cướp, cướp! Bà con ơi, cứu tôi!”
Nhiều người đi đường dừng lại quan sát khiến giao thông ùn tắc. Một số người lấy điện thoại ra quay phim; số khác lên tiếng phản đối. Họ nói, nếu người ta vi phạm pháp luật thì tại sao không đưa vào đồn công an ngay gần đấy mà phải giở trò vũ lực cưỡng chế lên taxi như thế. Cuối cùng chúng buộc phải áp giải tôi vào đồn công an Điện Biên và tước đoạt điện thoại của tôi. Chúng đưa tôi vào một phòng bên trong và bố trí một viên trung uý cảnh sát của đồn ngồi canh. Lúc này khoảng 9h15.
Hành trình khác thường
Khoảng 25 phút sau, một toán sáu bảy tên an ninh khác của Bộ Công an đến áp giải tôi lên một chiếc Toyota 7 chỗ. Đám an ninh này rất hung hãn. Khi tôi phản ứng vì bị xâm phạm quyền tự do thân thể một cách thô bạo thì chúng đòi hành hung tôi. Lúc tôi đã vào trong xe, một tên còn thò tay vào xe đánh vào đầu tôi, tên lái xe thì quay lại đấm vào hạ bộ tôi, trong khi tên Giang cùng một tên mà tôi đã quen mặt trong đám an ninh Bộ kia ngồi hai bên kẹp chặt tôi.
Tên an ninh Bộ chỉ đạo lái xe đi về đồn công an phường Cống Vị. Chúng đưa tôi vào một phòng lớn, lục soát toàn bộ người tôi, tước đoạt chiếc điện thoại còn lại và máy ảnh của tôi. Lúc này khoảng 10h05.
Đến hơn 11h30, tên Giang cùng một tên an ninh khác vào dẫn tôi ra một chiếc Toyota 7 chỗ khác. Chúng đưa tôi về trụ sở Công an Hà Nội ở số 6 Quang Trung, quận Hà Đông, nơi tôi “hội ngộ” cùng 22 đồng đội khác bị bắt và đưa về đấy hơn 2 tiếng trước.
Tôi yêu cầu tên Giang trả lại điện thoại và máy ảnh cho tôi, nhưng anh ta phớt lờ, trong khi những người khác thì không bị thu giữ gì cả. Mãi đến khi mọi người được trả tự do vào lúc 7h10, anh ta mới chịu trả lại tài sản cho tôi.
Đối tượng đặc biệt?
Chỉ 2 ngày trước, tức ngày 3/11, tôi cũng bị an ninh Hà Nội bắt giữ trái phép. Khoảng 9h sáng hôm đó, tôi đang đứng ở vườn hoa 19/8 bên phải Nhà hát Lớn thì bị một đám công an cả thường phục lẫn sắc phục xúm vào khống chế, đưa lên ô tô, tước đoạt điện thoại và máy ảnh rồi áp giải về đồn công an phường Phan Chu Trinh.
Lát sau, tên Giang PA67 đến đề nghị tôi “làm việc” với anh ta về vụ tố cáo lãnh đạo Việt Nam mà tôi mới gửi ngày 2/11 cho một loạt cơ quan chức năng qua đường bưu điện và gửi trực tiếp cho Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tại văn phòng làm việc của ông.
Tôi phản đối, yêu cầu chúng trả lại tài sản và trả tự do cho tôi ngay lập tức. Nếu muốn làm việc với tôi thì phải gửi giấy mời đàng hoàng, chứ không được ngang nhiên bắt cóc người ta giữa đường, tước hết tài sản rồi đòi “làm việc”. Ngoài ra, tôi cũng hề không gửi đơn thư cho Công an Hà Nội. Mãi đến trưa hôm đó, chúng mới trả tự do cho tôi.
Ngày 4/11, trang Bauxite Việt Nam, diễn đàn của giới trí thức phản biện trong nước, đã đăng bản “Yêu cầu giải quyết đơn thư tố cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước” của tôi đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải và (nguyên) Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Trước kia, trang mạng này đã từng một số lần đăng bài về việc vợ chồng tôi bị khủng bố, nhưng đây là lần đầu tiên họ công khai đăng bản yêu cầu giải quyết vụ tố cáo. (Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bận họp Quốc hội nên tôi không thể gặp trực tiếp, nhưng ông đã xác nhận qua điện thoại với tôi hôm 2/11 rằng: “Cơ quan báo cho tôi đã nhận tập đơn của anh.”)
Việc lực lượng an ninh cố bắt tôi cho bằng được, sau đó đưa tôi vào đồn công an Điện Biên rồi đồn công an Cống Vị trước khi đưa tôi về số 6 Quang Trung - Hà Đông hôm 5/11 rõ ràng là không bình thường.
Khi tôi bị hai tên an ninh khống chế ở khu vực vườn hoa Lenin, một số đồng đội có mặt gần đó đã chụp ảnh và quay phim tôi. An ninh đều đã nhẵn mặt họ nhưng không bắt.
Nếu chỉ cần cách li tôi khỏi cuộc biểu tình thì họ có thể giữ tôi ở đồn công an Điện Biên đến cuối ngày rồi thả, hoặc chuyển tôi từ đồn Điện Biên về thẳng số 6 Quang Trung như những người biểu tình bị bắt khác, chứ cần gì phải điều cả một toán an ninh Bộ Công an đến áp giải tôi về đồn Cống Vị, để rồi chỉ hai tiếng sau lại điều một xe khác áp giải tôi về Hà Đông.
Khúc xương khó nuốt
Trước hết, cần phải hiểu rằng vụ tố cáo của tôi nhằm vào những cá nhân cụ thể với những tội ác cụ thể trong Bộ Chính trị, chứ không phải nhằm vào cả bộ máy. Vì vậy, Bộ Chính trị không bao giờ đạt được sự đồng thuận về cách “xử lý” vụ việc. (Theo thông lệ ở Việt Nam, muốn điều tra những nhân vật thuộc diện Bộ Chính trị quản lý thì phải có ý kiến của Bộ Chính trị.)
Những kẻ bị tố cáo thì cố tình phớt lờ vụ việc. Đối thủ của họ thì tìm cách lợi dụng vụ tố cáo cho lợi ích cá nhân, bởi họ hoặc là không đủ sức chống lại liên minh ma quỷ kia, hoặc là thừa hiểu rằng nếu đẩy vụ việc đi quá xa thì chế độ sẽ sụp đổ. Dĩ nhiên, trong số đối thủ của những nhân vật bị tố cáo (cũng như trong Bộ Công an) vẫn còn không ít người thực sự có tâm với đất nước, nên ở mức độ nào đó họ vẫn ngấm ngầm ủng hộ tôi. Đơn giản, vụ tố cáo của chúng tôi không phải là chuyện phạm tội bình thường, mà nó vạch trần âm mưu cướp nước của Trung Quốc và tội bán nước của một số lãnh đạo chóp bu đã bị Trung Nam Hải khống chế và thao túng, tức là liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, đến tương lai của giống nòi.
Việc trang Bauxite Việt Nam lần đầu tiên đăng bản yêu cầu giải quyết vụ tố cáo chẳng khác gì một cái tát vào mặt những nhân vật bị tố cáo và những kẻ bao che cho họ (thực chất là đã bị Trung Quốc nắm gáy), đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho đối thủ của họ. Màn đấu đá trước thềm Đại hội XII Đảng CSVN đang đến hồi quyết định; những kẻ bị tố cáo rất muốn xử lý gọn ghẽ vụ việc hầu mong tiếp tục sự nghiệp cướp nước và bán nước của mình.
Theo tôi, việc lực lượng an ninh cố bắt tôi vào sáng 5/11 là nhằm mục đích kiếm cớ để tống tôi vào tù, qua đó vô hiệu hoá vụ tố cáo. Những kẻ bị tố cáo cần bắt nóng tôi với một cái cớ gì đấy rồi mới xử lý vụ tố cáo của tôi, bởi nếu muốn bắt tôi về tội vu khống thì phải có sự đồng thuận của tập thể Bộ Chính trị. Cả hai lần bị bắt vào ngày 3 và 5/11, tôi đều ở trong khu vực sắp diễn ra biểu tình nên đám an ninh có lý do “chính đáng” để bắt tôi. Người ta cũng đã sẵn sàng cho phương án tạm giữ tôi dựa vào những bài đăng trên Facebook cá nhân trong điện thoại, nên cả hai lần bị bắt vừa qua điện thoại của tôi đều bị tước đoạt và đem đi đâu đó. Tuy nhiên, tôi đã cảnh giác tắt smart phone từ trước và đã cài mã an toàn nên chúng không mở được.
Việc 3 tên an ninh cực chẳng đã phải đưa tôi vào đồn công an Điện Biên là bằng chứng cho thấy người ta đã chuẩn bị sẵn “bến đỗ” cho tôi. Khi tôi bị bắt, họ sẽ khởi tố tôi theo Điều 258 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” giống như vợ tôi trước kia, hoặc Điều 88 “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, hoặc Điều 122 “Vu khống”, hoặc kết hợp 2 trong 3 tội danh. Lúc đó ở bên ngoài, vợ tôi – người từng là một mắt xích quan trọng trong băng đảng ma tuý của PTT Tàu Hoàng Trung Hải – sẽ dễ dàng bị họ khống chế bằng đủ mọi thủ đoạn hèn hạ và độc ác. Đối thủ của họ cũng không dám lên tiếng bảo vệ tôi, vì sợ nguy hiểm cho chế độ.
Nếu hôm 3/11 tôi làm việc với tên Giang về vụ tố cáo thì chắc chắn tôi sẽ bị bắt và khởi tố, vì lúc đó “bánh xe công lý” của nền “pháp quyền XHCN” sẽ lập tức chuyển động và nghiền nát tôi, thay vì những tên tội phạm đội lốt “lãnh đạo Đảng và Nhà nước” kia.
Nếu sáng 5/11 cuộc biểu tình không thể diễn ra, do bị ngăn chặn gắt gao, hoặc diễn ra yếu ớt và không ai bị bắt, người ta lại càng dễ bề “xử lý” tôi.
Tuy nhiên, sau khi tôi bị bắt, cuộc biểu tình chống Trung Quốc vẫn diễn ra mạnh mẽ, lực lượng chức năng buộc phải ra tay ngăn chặn và bắt bớ hàng chục người. Lúc này, nếu muốn ra lệnh tạm giữ tôi về hành vi “gây rối trật tự công cộng” mà không ra lệnh tạm giữ hàng chục người kia thì không được.
Rốt cuộc, cộng với áp lực của các đối thủ trong bộ máy, những kẻ bị tố cáo cũng như đám an ninh trung thành tận tuỵ kia cảm thấy “khúc xương” Lê Anh Hùng quá khó nuốt, nhất là thời gian gần đây tôi đã có nhiều bài điều tra vạch trần âm mưu cướp nước của Trung Quốc dưới chiêu bài các “dự án kinh tế”, với sự tiếp tay đắc lực của Việt gian bán nước. Vì vậy mà cực chẳng đã, họ buộc phải đưa tôi về Hà Đông để “hội ngộ” với các đồng đội khác trước khi trả tự do cho tôi.
Tiếng nói là quyền lực
Bất luận thế nào, một vụ tố cáo đặc biệt nghiêm trọng nhằm vào những nhân vật đã và đang lãnh đạo bộ máy thì dĩ nhiên là ảnh hưởng rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định, đến tiến trình đất nước.
Vì vậy, tôi tha thiết kêu gọi công luận, đặc biệt là các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, quan tâm theo dõi để xem lần này nhà chức trách Việt Nam giải quyết vụ việc như thế nào, đồng thời lên tiếng nếu họ không chịu xử lý hoặc xử lý không đúng pháp luật.
Với một vụ việc hết sức nhạy cảm như thế thì chỉ cần một áp lực dư luận vừa phải là đủ khiến các đối tượng liên quan phải run sợ.
Lúc đó, cho dù số phận vợ chồng tôi có bi đát thế nào đi chăng nữa thì công chúng cũng phải bàng hoàng trước mức độ thối nát của chế độ và đặc biệt là trước hiểm hoạ mà đất nước phải đối mặt trong bối cảnh cả bộ máy chóp bu bị PTT Hoàng Trung Hải và Trung Nam Hải khống chế, thao túng suốt nhiều năm qua.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.