Đường dẫn truy cập

Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ, bà Bành Lệ Viện, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, thứ Năm ngày 5/11/2015.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ, bà Bành Lệ Viện, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, thứ Năm ngày 5/11/2015.

Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của ông Tập Cận Bình được dư luận Việt Nam theo dõi kỹ lưỡng. Người viết ghi lại một số quan sát và câu hỏi của mình để xin được thảo luận và học hỏi về các sự kiện và thái độ có vẻ như ra ngoài thông lệ của môi trường chính trị và thói quen hành xử của đảng CSVN.

1) Không có bất kì nhân vật nào trong tứ trụ ra sân bay tiếp Tập Cận Bình. Thông thường, khi nhân vật cao cấp nhất của Nga hay Trung Quốc thăm chính thức Việt Nam, người có vị trí và quyền lực cao nhất Việt Nam ra tận sân bay đón.

Đây là sự sắp xếp cố ý của đảng CSVN cho biết lập trường quan hệ có chừng mực với Trung Quốc? Nếu thật vậy thì có thể dự kiến Việt Nam sẽ ngày càng hợp tác với Mỹ và Nhật Bản về cả quân sự lẫn kinh tế? Phải chăng các động thái về tuần tra Biển Đông của Hoa Kỳ và của TPP khiến Việt Nam tự tin hơn?

Hay do không cá nhân nào trong tứ trụ muốn xuất hiện bên ông Tập trước ngày đại hội đảng? Nếu thật vậy thì cho thấy lập trường chống Trung Quốc bành trướng đang ngày càng mạnh mẽ hơn trong đảng.

2) Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không có mặt trong buổi tiếp Tập Cận Bình tại phủ chủ tịch. Xin lưu ý rằng ông Trương Tấn Sang, cùng với ông Nguyễn Phú Trọng, là người chính thức mời ông Tập sang Việt Nam. Cũng xin lưu ý ông Sang là người phát biểu rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.

Đây là sự sắp xếp cố ý của đảng CSVN? Ông Sang bị bệnh bất ngờ? Hay ông không muốn tiếp đón vì quan điểm đòi quyền tự chủ và biển đảo cho Việt Nam của ông rõ rệt hơn từ vài tháng nay?

3) Trong các buổi tiếp, dù do đảng hay do chính phủ chủ trì, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh luôn có mặt ở vị trí quan trọng. Ông Phạm Bình Minh cũng thay mặt chính phủ ra tận sân bay đón ông Tập. Xin lưu ý rằng ông Minh được dư luận xem là có lập trường mạnh mẽ chống Trung Cộng bành trướng, cùng chí hướng với cha ông, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người chống lại mật ước Thành Đô 25 năm trước. Trong khi đó, Bộ trưởng bộ Quốc phòng, người luôn có tiếng nói ủng hộ Trung Quốc tới mức dư luận Việt Nam phải khó chịu, lại không lên tiếng!

Đây là sự sắp xếp cố ý của đảng CSVN cho biết lập trường quan hệ có chừng mực với Trung Quốc? Cho biết đảng sẽ không nhượng bộ Trung Quốc trong vị trí Bộ trưởng bộ Ngoại giao và không lặp lại động tác của Bộ Chính trị cách đây 25 năm từng theo ý Trung Quốc loại bỏ ông Nguyễn Cơ Thạch?

Hay đây là màn kịch diễn cho dân xem?

4) Chương trình ông Tập phát biểu trước Quốc hội Việt Nam được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết do phía Trung Quốc yêu cầu. Ông Tập nói 10 phút, sau đó chủ tịch Quốc hội Việt Nam đáp từ mà không có bất kì thảo luận nào với đại biểu Quốc hội.

Phải chăng phía Việt Nam ngầm cho dân chúng biết đảng CSVN không chủ động mời ông Tập phát biểu trước Quốc hội?

Chương trình ngắn gọn như vậy do thiếu thì giờ? Do phía Việt Nam không muốn thảo luận với ông Tập? Hay do e sợ có Đại biểu Quốc hội đặt những câu hỏi trực tiếp về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa gây khó xử cho ông Tập? Nếu e sợ đại biểu Quốc Hội lên tiếng thì có nghĩa là độ toàn trị của đảng CSVN đang suy giảm, và lập trường chống Trung Quốc đang gia tăng trong xã hội Việt Nam.

5) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là người đồng nhiệm với ông Tập, và cũng là người chính thức mời ông sang thăm Việt Nam. Trong khi đó ông Tập lại mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc, mà không mời ông Sang và ông Trọng. Ông Trọng đã lớn tuổi, nhưng ông Sang và ông Dũng cùng thế hệ.

Thủ tướng Dũng chính thức xuất đầu lộ diện thân Trung Quốc? Hay ông Tập thấy cần phải vuốt ve, lôi kéo ông Dũng, một thế lực lớn có thể xoay chuyển khuynh hướng chính trị của Việt Nam?

6) Ông Tập mang đến Việt Nam món quà quá nhỏ. Tổng số tiền viện trợ trong 5 năm là khoảng 150 triệu đô-la Mỹ, quá nhỏ so với độ lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Và cũng quá nhỏ so với những khoản tiền ông Tập bỏ ra cho những nước khác. Tất nhiên, truyền thống dân Việt là không nhượng lãnh thổ với bất cứ giá nào, tuy nhiên số tiền nhỏ đó đặt ra cho người viết một câu hỏi quan trọng.

Phải chăng ông Tập không hài lòng với cách thức đón tiếp của Việt Nam, và của kết quả chung cuộc của chuyến đi? Người viết nhận thấy dù thảm đỏ được trãi ra đón từng bước chân ông Tập, nhưng phải chăng ông Tập có cảm nhận bất an và bất mãn với ánh mắt, giọng nói, thái độ… của chủ nhân?

Từ đó, một câu hỏi khác: phải chăng sự không hài lòng đó là nguyên nhân của phát biểu của ông Tập về Hoàng Sa và Trường Sa tại Singapore, ngay sau khi rời Việt Nam?

7) Trong khi ông Tập thăm Hà Nội 2 ngày: a) Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ có mặt trên chiến hạm thân chinh thị sát đảo do Trung Quốc chiếm đoạt và bồi đắp, b) Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản được tiếp đón thân tình tại căn cứ quân sự Cam Ranh.

Có hiệp đồng triển khai chăng? Việt Nam tỏ thái độ cách xa hơn với Trung Quốc và gần gũi hơn với Nhật Bản (và Hoa Kỳ) chăng? Phải chăng từ nay Việt Nam sẽ tỏ rõ thái độ độc lập với Trung Quốc trong các mối bang giao quốc tế, bất chấp việc chúng có thể làm Trung Quốc vừa lòng hay không?

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Phan

    Trần Phan từng làm việc tại Việt Nam, châu Âu và châu Mỹ. Trước đây làm việc nhiều năm tại Procter & Gamble (Mỹ), Hoffman La Roche (Thụy Sĩ) ở vị trí quản lý. Hiện đã nghỉ làm việc cho các công ty đó.

XS
SM
MD
LG