Đường dẫn truy cập

Thuốc chống sốt rét và lính cộng sản


Truyền thông quốc tế đưa tin đều nhắc đến sự kiện công trình nghiên cứu về thuốc chống sốt rét của bà Tu là với mục đích giúp giảm số tử vong của binh lính cộng sản chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường Việt Nam.
Truyền thông quốc tế đưa tin đều nhắc đến sự kiện công trình nghiên cứu về thuốc chống sốt rét của bà Tu là với mục đích giúp giảm số tử vong của binh lính cộng sản chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường Việt Nam.

Hôm đầu tháng Mười vừa qua, giải Nobel Y học đã được ủy ban tuyển chọn trao cho ba nhà nghiên cứu là Tu Youyou từ Trung Quốc, William Campbell từ Ireland và Satoshi Omura từ Nhật Bản.

Công trình nghiên cứu của bà Tu là tìm ra thuốc chống sốt rét từ một loại cây trong thập niên 1960. Ông Campbell và ông Omura tìm ra phương pháp trị liệu nhiễm trùng cho người mắc bệnh do ký sinh trùng trong giun tròn sinh sản nơi sông hồ.

Bà Tu sẽ nhận được một nửa số tiền giải thưởng, tức khoảng 480 nghìn đôla, và hai nhà nghiên cứu Campbell và Omura chia nhau nửa còn lại.

Truyền thông quốc tế đưa tin đều nhắc đến sự kiện công trình nghiên cứu về thuốc chống sốt rét của bà Tu là với mục đích giúp giảm số tử vong của binh lính cộng sản chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Lính cộng sản nào thì có báo đưa tin đó là lính Trung Quốc, có báo cho biết đó là bộ đội Bắc Việt.

Sau khi thông tin được đưa ra, phía Việt Nam đã có nhiều người lên tiếng phủ nhận việc thuốc chống sốt rét của bà Tu đã được dùng để chữa trị bộ đội cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Các mạng truyền thông thế giới đã đưa tin về bà Tu và giải Nobel Y học như sau:

Mạng BBC Tiếng Anh: “Năm 1967 lãnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông quyết định là có một nhu cầu khẩn trương cấp quốc gia trong việc tìm ra cách chữa bệnh sốt rét vì, vào thời điểm đó, bệnh này do muỗi gây ra lan tràn nên đang giết chết lính Trung Quốc đang đánh nhau với Mỹ trong rừng ở Bắc Việt Nam. Một đơn vị nghiên cứu bí mật đã được thành lập để tìm cách chữa trị bệnh này.”

Kênh truyền hình CNN: “Dự án 523 được hình thành vào năm 1967 bởi Chủ tịch Mao Trạch Đông là người muốn giúp binh lính cộng sản đang chiến đấu trong rừng đầy muỗi ở Việt Nam, nơi mà họ đang chết vì sốt rét nhiều hơn là vì súng đạn.” (http://www.cnn.com/2015/10/06/asia/china-malaria-nobel-prize-tu-youyou/index.html)

Mạng slate.com: “Thuốc được tìm ra năm 1967 nằm trong một dự án có mục đích chống sốt rét ở nơi trước đây gọi là Miền Bắc Việt Nam và ở miền Nam Trung Quốc. Dự án 523, tên số được đặt theo ngày khởi xướng là tháng 5 ngày 23 năm 1967 với sự tham gia của hơn 500 nhà nghiên cứu từ 60 học viện trên toàn quốc [Trung Quốc] trong đó có bà Tu, lúc đó là một nghiên cứu sinh”

Báo The Telegraph: “Qua nghiên cứu dành cho binh lính cộng sản đang chiến đấu trong cuộc chiến tranh Việt Nam, thuốc chữa bệnh của Tu Youyou là đột phá chủ yếu trong việc chống sốt rét trên toàn cầu.”

Tờ báo này viết thêm: “Căn bệnh cũng đang gây thiệt hại nặng trong quân đội đồng minh cộng sản của Trung Quốc là Bắc Việt, với số bộ đội chết vì sốt rét trong rừng trong cuộc chiến chống lại quân Mỹ nhiều hơn là chết vì bom đạn Mỹ.”

Báo The New York Times: “Bắc Việt, một đồng minh quan trọng đang ở vào giữa thời kỳ chiến tranh với Mỹ, đã yêu cầu tìm cách giảm số bộ đội chết vì bệnh sốt rét, mà thuốc chloroquine đã trở nên ít hiệu nghiệm. Bệnh sốt rét cũng giết chết rất nhiều người sinh sống ở miền nam Trung Quốc.”

Thông tin phổ biến cho biết bà Tu Youyou khi làm công tác nghiên cứu đã tìm ra Artemisinin từ cây thanh hao hoa là dược tố được dùng để chế biến thuốc chống sốt rét.

Khám phá đó nằm trong một dự án bí mật do Chủ tịch Mao Trạch Đông khởi xướng năm 1967 vào thời kỳ Cách mạng văn hóa nên phải giữ kín.

Dược tố Artemisinin được tìm ra năm 1967, qua Dự án 523, nhưng đã không được chính thức công bố cho đến năm 1979. Khi khám phá này được phổ biến cũng không ghi tên bà Tu Youyou mà chỉ ghi “Nhóm Thanh Hao hoa Phối hợp Nghiên cứu chống Sốt rét”.

Vì bà Tu không là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nên khi được trao giải Nobel Y học thì đã có những tranh cãi liên quan đến việc có phải chính bà Tu tìm ra thuốc chống sốt rét, hay là một nhóm nhà khoa học và nghiên cứu làm việc chung với bà tại viện nghiên cứu thuốc nam.

Trong nhiều năm, những khám phá của bà Tu về dược tố này không được giới chức khoa học tại Trung Quốc nhắc tới. Cho đến năm 2011 hai nhà nghiên cứu Louis Miller và Su Xinzhuan từ Học viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ trong khi tìm hiểu về Artemisinin đã công nhận đó là thành quả của bà Tu Youyou.

Bà Tu, năm nay 84 tuổi, thời sinh viên học ngành dược và đã có nhiều năm làm nghiên cứu tại Học viện Y học Cổ truyền Trung Quốc. Tuy nhiên bà ít được biết đến ở Trung Quốc vì bà không được coi là thuộc giới hàn lâm. Bà được gọi là người phụ nữ “Ba không” vì bà: không có bằng bác sĩ y khoa, không có bằng tiến sĩ và không bao giờ làm việc ở nước ngoài.

Đối với giới nghiên cứu về bệnh sốt rét của Việt Nam, thông tin về Dự án 523 với mục đích giúp làm giảm số tử vong của bộ đội cộng sản Bắc Việt trong thời chiến tranh chống Mỹ là không đúng sự thực.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh có bài viết trên báo Dân Trí hôm 16/10/2015 với dẫn chứng từ nhiều giới chức y tế Việt Nam phủ nhận mục đích của Dự án 523.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh là con trai của cố giáo sư Đặng Văn Ngữ. Ông kể rằng cha ông đã chết tại chiến trường Trị Thiên vào tháng 4/1967 khi đang nghiên cứu cách chữa trị bệnh sốt rét cho bộ đội. Một tuần sau đó, nơi làm việc của bác sĩ Ngữ tại Viện Sốt rét ở Hà Nội cũng bị trúng bom Mỹ nên nhiều công trình nghiên cứu của giáo sư Ngữ đã bị thiêu hủy và việc nghiên cứu vaccin chống sốt rét đã phải ngưng lại.

Sau khi biết được những thông tin về thuốc chống sốt rét liên quan đến bộ đội Việt Nam, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã gặp bác sĩ Nguyễn Tiến Bửu và ghi lại:

“Tôi liền gặp bác sỹ Nguyễn Tiến Bửu, Trưởng đoàn chống sốt rét đi vào chiến trường Trị-Thiên năm 1967 cùng với giáo sư Đặng Văn Ngữ để nghiên cứu vaccin chống sốt rét cho bộ đội. Bác sỹ Bửu rất ngạc nhiên về cái tin liên quan đến thuốc của bà Đồ U U (Tu Youyou) đã cứu chữa cho bộ đội Việt Nam. Là người làm việc tại Viện Sốt rét liên tục từ năm 1957 đến năm 1992 trước khi nghỉ hưu, bác sĩ Bửu chưa từng được nghe về dự án 523 do Trung Quốc lập ra để tìm thuốc chống sốt rét cứu bộ đội Việt Nam trong chiến tranh như báo The Guardian và tờ Telegraph của Anh đưa tin.”

Ngày 20/10/2015 báo Dân Trí có bài phỏng vấn giáo sư Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. Bài báo trích lời giáo sư Trọng:

“Những năm 80, khi làm giám đốc bệnh viện trên Thái Nguyên, có bệnh nhân sốt rét ác tính vào. Anh em trong viện có rỉ tai về loại thuốc của Trung Quốc chữa sốt rét. Thế nhưng thời điểm đó, Việt Nam Chưa có phác đồ sử dụng nên chúng tôi không dùng. Được áp dụng phác đồ điều trị thời điểm đó, người bệnh cũng qua khỏi. Mãi đến năm 1992 Việt Nam mới bắt đầu sử dụng Artemisine trong điều trị sốt rét ác tính. Thuốc này được chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng và có tác dụng rất tốt với sốt rét ác tính, chặn đứng được sự phát triển của bệnh, giảm tỉ lệ tử vong rất nhiều.”

Ghi lại những diễn tiến liên quan đến nghiên cứu chống sốt rét tại Việt Nam theo như giáo sư Trọng kể lại, qua bài báo:

“Để tìm ra chiết xuất này từ cây thanh hao hoa vàng, công đầu là của người Trung Quốc. Nhưng thuốc sử dụng tại Việt Nam, là do một nghiên cứu sinh Việt Nam mang cây thanh hao hoa vàng sang Hungari nghiên cứu, phát hiện chiết xuất ra Artemisine và mang về Việt Nam. Viện sốt rét kí sinh trùng côn trùng Việt Nam là nơi đầu tiên bắt đầu thí điểm loại thuốc này. Đến năm 1992, sau rất nhiều hội thảo khoa học, cố Bộ trưởng Bộ Y tế, GS Phạm Song quyết định cho dùng Artemisine tại Việt Nam từ năm 1992. Như vậy, trước năm 1992 Việt Nam chưa từng sử dụng Artemisine trong điều trị sốt rét. Vì thế, khó có thể nói nước láng giềng đã viện trợ thuốc này để chữa cho bộ đội Việt Nam.”

Bài báo của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng trích lời bác sĩ Nguyễn Tiến Bửu nói rằng Trung Quốc đã không giúp chữa chống sốt rét cho bộ đội, vì chủ yếu vẫn sử dụng thuốc Tây như Cloroquine, Quinine, Paludrine, Quinaquine…

"Nếu bên dược có nhập Artemisinin của Trung Quốc về để điều trị cho bộ đội và nhân dân thì Viện Sốt rét phải là nơi được thông báo đầu tiên để kiểm định trước khi đem ra dùng". Bác sĩ Bửu cho biết điều đó đã không xảy ra.

Những thông tin mới nhất đưa ra nhân dịp bà Tu Youyou được trao giải cho biết thuốc chống sốt rét của bà khám phá ra không được binh lính Trung Quốc dùng cho đến năm 1979, khi có chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Sự kiện giải Nobel Y học được trao cho bà Tu Youyou về thuốc chống sốt rét có liên quan đến binh lính cộng sản trong thập niên 1960, là thời kỳ cao điểm của cuộc chiến, cho thấy Trung Quốc đã đưa hàng trăm nghìn binh lính vào Bắc Việt để hỗ trợ miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ. Vì nếu không có nhiều binh lính tại Việt Nam, chính phủ của Chủ tịch Mao Trạch Đông đâu phải quan tâm đến số lính bị chết vì sốt rét mà đưa ra Dự án 523 để tìm cách giảm số tử vong.

Trong khi đó, mấy năm trước đây, giáo sư Li Guoqian của Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc ở Quảng Châu khi viết về thuốc chống sốt rét và Dự án 523 có ghi rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu Chủ tịch Mao Trạch Đông giúp Việt Nam tìm cách chống lại bệnh sốt rét đang giết chết nhiều bộ đội.

Qua đó, Dự án 523 được thành hình để nghiên cứu thuốc chống sốt rét và ngày nay đã đem đến cho Trung Quốc giải Nobel Y học 2015.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG