Một linh mục bị đâm chết trong nhà thờ, công chúng nghi vấn động cơ giết hại

Lễ tiễn chân Linh mục Joseph Trần Ngọc Thanh người bị sát hại trong một vụ tấn công bằng dao tại nhà thờ khi đang trong lễ giải tội cho giáo dân của Giáo phận Kon Tum hôm 29/1.

Lễ tiễn chân Linh mục Joseph Trần Ngọc Thanh người bị sát hại trong một vụ tấn công bằng dao tại nhà thờ khi đang trong lễ giải tội cho giáo dân của Giáo phận Kon Tum hôm 29/1.

Một linh mục vừa bị giết hại trong một nhà thờ ở Kon Tum thuộc Tây Nguyên, nơi được xem là khu vực có các hoạt động tôn giáo bị hạn chế bởi chính quyền ở Việt Nam.

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, thuộc Gíao xứ Đăk Mót của giáo phận Kon Tum, bị sát hại khi đang ngồi toà giải tội trong nhà thờ, theo thông báo của Giáo phận Kon Tum hôm 30/1.

Vụ sát hại xảy ra trước đó một ngày, và theo thông báo, Linh mục Thanh, thuộc dòng Đa Minh, đã tử vong dù “được các bác sĩ tận tình cứu chữa các vết thương.”

Thông báo của Giáo phận Kon Tum không cho biết vụ sát hại vị linh mục 41 tuổi xảy ra như thế nào nhưng một bản tin của Vatican News nói rằng “Cha Giuse Trần Ngọc Thanh bị giết hại trong một vụ tấn công bằng dao” bởi một người đàn ông.

Cũng thông tin về vụ việc, trang Công Giáo cho biết rằng “Cha Thanh bị chém 2 phát rất nặng vào đầu” khi đang ngồi giải tội cho giáo dân trong dịp cuối năm và “được cấp cứu ngay sau đó nhưng không qua khỏi.”

Bản tin của Công Giáo còn nói rằng hai người khác cũng bị thương khi xông vào ngăn kẻ tấn công, và gọi hành vi giết người này là “tàn độc” và “cố ý truy sát đến cùng.”

Tại lễ tiễn chân Linh mục Thanh hôm 30/1, Giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo hội Công giáo Roma của Giáo phận Kon Tum, nói vụ sát hại gây “bàng hoàng” cho giáo phận. Thi thể Linh mục Thanh được đưa về an táng tại tu viện Đa Minh ở Hố Nai, Biên Hoà.

Giáo phận Kon Tum cho biết nghi phạm đã bị bắt giam để điều tra. Trích dẫn giới chức địa phương, Vatican News, trang tin tức công giáo của Bộ truyền thông thuộc Toà thánh Vatican, nói kẻ tấn công “bị tâm thần.”

Truyền thông nhà nước Việt Nam không đưa tin về vụ sát hại Linh mục Thanh. Trong khi đó, những thông tin trên mạng xã hội cho rằng có động cơ khác phía sau vụ việc này.

Facebooker Phạm Minh Vũ cho biết một người thân cận của Linh mục Thanh nói rằng kẻ tấn công “là một người bình thường, không bị điên, càng không ngáo đá” và “thường lui tới chơi với những công an viên xã.” Người thân cận của Linh mục Thanh từ chối trả lời khi VOA tiếp cận để hỏi thêm thông tin với lý do “muốn giấu mặt.”

Bản tin của Công Giáo, một tổ chức độc lập với Giáo hội Công giáo, cho biết “cái chết đau đớn của linh mục (Trần Ngọc Thanh) là đầy nghi vấn và gây ra sự phẫn uất lớn trong lòng các xứ đạo nói riêng và dân chúng tại khu vực Kon Tom nói chung.”

Được biết Giáo họ Sa Loong, nơi Linh mục Thanh phục vụ, nằm ở phía Tây Bắc của Cao Nguyên trung phần, vùng giáp biên có dân cư thưa thớt với đại đa số là người Thượng và hoạt động tôn giáo bị nhiều hạn chế bởi chính quyền.

Linh mục Thanh, được thụ phong linh mục năm 2018, đã “xung phong lên giúp xứ Đăk Mót” năm 2019 và sau đó được đưa lên làm phó xứ, phụ trách nhiều giáo họ trong xứ, theo thông tin từ Facebooker Phạm Minh Vũ.

Được biết Linh mục Thanh không phải là linh mục đầu tiên bị tấn công ở đây.

Cách đây hơn nửa năm, Linh mục Trần Văn Truyền, 70 tuổi và thuộc Giáo phận Kon Tum, cũng bị đâm trọng thương. Theo Công Giáo, chính quyền đã bắt giam hung thủ “đốt nhà thờ, đâm linh mục” này nhưng sau đó việc điều tra không đi đến đâu và vấn đề đã bị xem như “chìm xuồng.”

Các hoạt động tôn giáo của người dân, đặc biệt là người Thượng, ở Tây Nguyên luôn bị bách hại bởi chính quyền trong nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam về việc này.

Tổ chức Nhân quyền Montagnards và Uỷ ban Chống tra tấn của Liên Hợp Quốc hồi năm 2018 đưa ra một báo cáo nói rằng người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên thuộc nhóm đối tượng mà cơ quan chức năng Việt Nam nhắm đến và bị đối xử như “kẻ thù ngay tại quê nhà.”

Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra năm 2019 chỉ trích những vụ sách nhiễu nghiêm trọng của các chính quyền ở Tây Nguyên đối với các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là những thành viên của Hội thánh Tin lành, các Kitô hữu và người H’Mông.