Văn học bao gồm hai khía cạnh chính: sáng tác và nghiên cứu. Sáng tác bao gồm nhiều thể loại chính, nổi bật nhất là: thơ, tự sự (bao gồm truyền dài, truyện ngắn, bút ký...) và kịch bản; còn nghiên cứu thì gồm ba thể loại chính: lịch sử (văn học), phê bình và lý thuyết.
Trong bài này, tôi xin nói một chút về phê bình và lịch sử văn học.
Trước tiên, nên lưu ý là lịch sử văn học không giống các loại lịch sử khác.
Thứ nhất, khác với lịch sử nói chung vốn nhấn mạnh vào tính liên tục, trong đó các sự kiện đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, phần lớn là quan hệ nhân quả, lịch sử văn học tập trung nhiều hơn vào tính đứt đoạn, vào các điểm đỉnh và những sự sáng tạo đột xuất, những điều trước đó chưa có và sau đó sẽ bị phủ nhận bởi những tài năng kiệt xuất nhất ở những thời đại kế tiếp.
Thứ hai, đối tượng của các lịch sử khác là những sự kiện, những biến cố, những nhân vật đã thuộc về quá khứ, hoàn toàn là quá khứ. Trong lịch sử văn học thì khác. Chỉ có tác giả là thuộc về quá khứ, còn tác phẩm văn học thì lại tồn tại như một cái gì trong hiện tại: chúng được đọc, được cảm nhận, được kinh nghiệm như những gì đang hiện hữu, và sự tiếp nhận và phân tích của người viết văn học sử hoàn toàn thuộc về hiện tại. Bởi vậy, viết lịch sử văn học không phải chỉ là một nỗ lực tái hiện những gì đã xảy ra mà thực chất là mô tả một tham vọng tái cấu trúc quá khứ từ những kinh nghiệm thẩm mỹ trong hiện tại và dự phóng văn hoá hướng tới tương lai của chính người viết lịch sử.
Có thể nói, các công trình lịch sử văn học phản ảnh cách nhìn và tầm nhìn của người viết sử; và những điều này phản ánh bối cảnh văn hoá văn chương của hiện tại nhiều hơn là chính những gì đã thuộc về quá khứ.
Nói cách khác, ở mọi công trình lịch sử văn học, tính hiện tại bao giờ cũng rõ nét hơn là tính lịch sử. Mỗi lần được đọc là một lần được kinh nghiệm lại từ hiện tại: mỗi tác phẩm văn học, do đó, có đến hai loại lịch sử khác nhau: một, lịch sử về quá trình được sáng tác của nó; và hai, lịch sử nó được đọc, được diễn dịch và được đánh giá qua các thời đại và các thế hệ khác nhau. Trong hai loại lịch sử ấy, loại sau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn hẳn loại đầu: chính lịch sử ấy trở thành một phần trong nền tư bản văn hoá của cộng đồng văn học, làm cho, một mặt, các tác phẩm trở thành giàu có, có thể nói là giàu có hơn hẳn chính bản thân chúng; mặt khác, tầm nhìn và tầm cảm nhận của người đọc được mở rộng, có khả năng thấy được nhiều tầng và nhiều góc độ khác nhau. Nói cách khác nữa, trong mỗi cái đọc đều có tính lịch sử.
Khác với lịch sử văn học xem văn học trước hết như một thế giới với nhiều hoạt động và bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau, phê bình, nhất là phê bình trong gần trọn thế kỷ 20, chỉ quan tâm chủ yếu đến tác phẩm, bắt đầu từ tác phẩm và từ kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm. Có thể nói chọn viết lịch sử văn học là chọn đứng bên ngoài văn học để nhìn văn học như một đối tượng với những chức năng, những đặc điểm và những mối quan hệ cụ thể. Chọn viết phê bình là chọn đứng từ bên trong, biến chính bản thân mình thành một trong những đối tượng khảo sát: nhà phê bình không những đắn đo cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau của tác phẩm mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu còn, lắng nghe những hồi ứng âm thầm dậy lên từ đáy sâu tâm hồn mình khi tiếp cận tác phẩm ấy.
Viết lịch sử văn học là cố gắng ghi nhận cái thứ bậc đang hiện hữu, nhằm tái hiện những cái chung nhất trong văn học. Viết phê bình văn học, ngược lại, là nỗ lực chống lại cái trật tự và cái sự chung nhất ấy. Viết lịch sử văn học là từ hiện tại nhìn về quá khứ để củng cố một niềm tin trong hiện tại; viết phê bình văn học là từ một dự phóng về tương lai nhìn lại hiện tại để củng cố một niềm tin về dự phóng ấy.
Một nhà văn học sử xuất sắc là kẻ tự tin, từ một chỗ đứng nào đó trong hiện tại, có thể nhìn xuyên suốt toàn bộ hoặc gần như toàn bộ quá khứ văn học; một nhà phê bình xuất sắc là kẻ tự chọn cho mình một chỗ đứng trong tương lai để hình dung một trật tự trong hiện tại, cái trật tự sẽ định hình dần dần trong nhiều thập niên, thậm chí, nhiều thế kỷ sau đó.
Cả nhà văn học sử lẫn nhà phê bình đều cần khả năng phán đoán cao, nhưng trong khi sự phán đoán của nhà văn học sử cần có tính bao quát thì sự phán đoán của nhà phê bình cần phải có tính nhạy bén. Nhà văn học sử nhìn những gì đã có; nhà phê bình cố gắng nhìn những cái sẽ có. Nhà văn học sử nhìn văn học như một thiết chế, ở đó, các yếu tố và mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố là đối tượng quan tâm chính; nhà phê bình nhìn văn học như một sự sáng tạo, ở đó, chỉ có khía cạnh thẩm mỹ và tính độc sáng là đáng kể.
Dù có một số dị biệt, cả phê bình lẫn lịch sử văn học đều cần lý thuyết để làm một cái khung nhận thức, từ đó, có được một cái nhìn mới về các hiện tượng văn học. Tuy nhiên, trong cả phê bình lẫn lịch sử văn học, lựa chọn lý thuyết chỉ là lựa chọn ban đầu và bao giờ cũng cần phải được tiến hành với một tinh thần phê phán và sáng tạo cực cao: không ai có thể trở thành nhà phê bình hay sử gia văn học xuất sắc nếu chỉ ngoan ngoãn làm một kẻ ứng dụng lý thuyết vào việc diễn dịch hay bình luận một hiện tượng văn học cụ thể: trong trường hợp này, may lắm, hắn chỉ có thể được xem là một nhà nghiên cứu mà thôi. Nhà phê bình và sử gia văn học thực sự, dù xuất phát từ một lý thuyết, không được quyền xem lý thuyết ấy là một giáo điều hay những nguyên tắc cứng nhắc. Hắn, qua hành động phê bình và viết lịch sử của mình, phải có khả năng làm thay đổi ít nhiều cái lý thuyết mà hắn chọn lựa.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.