Đường dẫn truy cập

Nhiệm vụ chính của phê bình văn học


Nhiệm vụ chính của phê bình văn học
Nhiệm vụ chính của phê bình văn học

Nói đến phê bình văn học, hầu hết, kể cả giới cầm bút, đều nghĩ ngay đến một nhiệm vụ cơ bản: phát hiện và biểu dương những tác phẩm hay. Người ta nghĩ đến hình ảnh của một Hoài Thanh hay một Vũ Ngọc Phan, những người làm nhiệm vụ tổng kết một giai đoạn văn học, chọn lựa những tên tuổi và những tác phẩm nổi bật, sắp xếp ngôi vị cho từng người, từng người trong ngôi đền văn học.

Theo tôi, kiểu phê bình như vậy đã cũ quá rồi.

Theo tôi, các nhà phê bình hiện nay không thể đi theo con đường Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan đã đi được nữa. Giấc mộng viết hậu-Thi nhân Việt Nam hay hậu-Nhà văn hiện đại của một số người chỉ là một ảo tưởng.

Viết thế, không phải tôi xem thường khả năng phê bình của các cây bút hiện nay. Không phải. Ngay cả khi họ có tài năng thật lớn, họ cũng không làm được cái việc Vũ Ngọc Phan và nhất là Hoài Thanh đã làm thời 1932-45.

Lý do chủ yếu thuộc về thời đại.

Thứ nhất, trong nửa đầu thế kỷ 20, truyền thống thi thoại vẫn còn khá phổ biến ở Việt Nam: phần lớn cuốn Thi nhân Việt Nam được viết trong cảm hứng thi thoại và đặc biệt, được tiếp nhận trong mỹ học thi thoại: điều người đọc chờ đợi ở các bài viết ngăn ngắn ấy chỉ là những gợi ý chứ không phải những sự phân tích. Bây giờ thì khác. Người đọc bây giờ có một đòi hỏi rất “hiện đại” và cũng rất chính đáng: đó là các bài phê bình phải đưa ra được những khám phá mới, hơn nữa, những khám phá ấy phải có sức thuyết phục. Không ai có thể thoả mãn được yêu cầu ấy nếu chỉ dừng lại ở cách viết nặng tính ấn tượng chủ nghĩa như Hoài Thanh hay nặng tính mô tả như Vũ Ngọc Phan thuở trước.

Thứ hai, Thơ Mới thời 1932-45, dù rất mới, vẫn có nhiều liên hệ với thơ Việt Nam trước đó, từ thơ Tản Đà đến thơ cổ điển và cả ca dao nữa. Về hình thức, chúng vẫn là các thể thơ cũ được nới rộng ra: lục bát, ngũ ngôn và thất ngôn; câu thơ tám chữ thì xuất phát từ ca trù, còn thơ tự do thì rất hoạ hoằn; hơn nữa, mang tiếng là tự do, nhưng phần lớn lại là thứ tự do có vần, nên vẫn hao hao các điệu từ ngày trước.

Nói chung, trong Thơ Mới, vần và nhịp, tuy đa dạng hơn hẳn ngày xưa, nhưng dù sao cũng vẫn là vần và nhịp. Đọc lên, vẫn thấy luyến láy, trầm bổng và ngân nga. Nghe rất sướng tai. Cảm xúc, dù vô cùng nồng nhiệt, vẫn là những cảm xúc quen thuộc: những niềm vui, những nỗi buồn, những hờn giận, những yêu thương và nhớ nhung hoặc xa vắng hoặc cồn cào.

Chính vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn ngỡ ngàng, đại đa số độc giả thơ thời 1932-45 đều cảm nhận được ngay cái hay và cả cái mới của Thơ Mới. Họ trở thành những người đồng điệu với mỹ học của Thơ Mới, và chính sự đồng điệu này đã làm cho họ nhanh chóng trở thành những tri âm của Hoài Thanh trong việc cảm thụ và tán dương Thơ Mới. Với những tri âm như thế, Hoài Thanh không cần viết dài, và cũng không cần phân tích hay chứng minh gì nhiều.

Bây giờ thì khác. Sự phong phú và đa dạng của các quan điểm mỹ học làm giới độc giả bị phân hoá trầm trọng; sự phân hoá ấy làm người ta khó cảm thấy đồng điệu và càng khó trở thành tri âm của nhau.

Những cách tân của thơ hiện nay vượt ra ngoài mọi khuôn khổ cũ khiến phản ứng chung của nhiều người là phủ nhận ngay tư cách thơ của những bài thơ được xem là mới trước khi đặt vấn đề là chúng hay hay không hay. Rất phổ biến trên báo chí trong và ngoài nước, những lời phán quyết đại loại “Những thứ như thế này mà cũng gọi là thơ được à?” Đại khái thế.

Đối diện với những thái độ như thế, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà phê bình không phải chỉ là phân tích những cái hay, cái dở mà còn phải chứng minh những bài thơ mình định khen ngợi ấy đúng là thơ... thực.

Nhưng không ai có thể chứng minh được những bài thơ tự do hay thơ văn xuôi là thơ nếu người đối thoại cứ khăng khăng cho thơ nhất định phải có vần; không ai có thể chứng minh được những bài thơ siêu thực là thơ nếu người đối thoại cứ khăng khăng cho thơ thì phải trong sáng và dễ hiểu như... ca dao. (Nhớ thơ Tế Hanh: Tôi muốn viết những bài thơ dễ hiểu / Như những lời mộc mạc trong ca dao.)

Thành ra, trong tình hình văn hoá hiện nay, khi mọi giá trị đều bị đặt thành nghi vấn, trong đó có cả ý niệm về cái đẹp để làm chuẩn mực cho việc đánh giá, khó có nhà phê bình nào còn đủ hồn nhiên để chỉ làm một kẻ nhẩn nha thưởng thức suông.

Mà nhẩn nha cũng không được. Trừ việc cứ lảm nhảm khen ngợi những tác phẩm cũ mèm thì không nói làm gì; nhưng khi đã có ý định làm phê bình thực sự, tức muốn khám phá những giá trị sáng tạo thực sự, thì hắn và cả người đọc nữa, không thể cứ đứng nguyên một chỗ cũ được mãi.

Nhiệm vụ đầu tiên của nhà phê bình, do đó, là phải cố gắng thuyết phục người đọc chấp nhận, chẳng hạn, cốt truyện là cần nhưng không hẳn đã là yếu tính của tiểu thuyết; vần hay tính chất trong sáng và dễ hiểu, tuy quý, nhưng không hẳn đã là yếu tính của thơ; từ đó, đi xa hơn, thuyết phục người đọc chấp nhận một hướng nhìn trước khi chấp nhận một số thành tựu nào đó, những thành tựu chỉ có thể được thấy từ một góc nhìn nhất định. Nhắm, chủ yếu, đến việc thay đổi cách nhìn văn học như thế, nhà phê bình tự động tập trung vào những khái niệm trừu tượng hay nền văn hoá văn chương hơn là từng tác phẩm cụ thể.

Xin lưu ý là, phê bình văn học trên thế giới, từ trước đến nay, đã nhiều lần thay đổi những góc nhìn như vậy.

Nói một cách tổng quát, từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, phê bình chủ yếu tập trung vào những thứ đằng sau văn học, những yếu tố được xem là quyết định hoặc góp phần quyết định diện mạo của văn học: gần, đó là tác giả; xa, bối cảnh lịch sử, xã hội, chính trị và văn hoá bao quanh tác giả. Tác giả, do đó, trở thành đối tượng chính của phê bình. Từ những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, bắt đầu với Hình thức luận của Nga và Phê Bình Mới của Anh và Mỹ, sau đó, với cấu trúc luận của Pháp, phê bình tập trung chủ yếu vào tác phẩm, vào những yếu tố hình thức bên trong tác phẩm, từ vần điệu đến nhịp điệu, từ hình tượng đến cấu trúc của tác phẩm.

Từ những năm 1980 trở đi, với giải cấu trúc và hậu cấu trúc luận, tình hình đổi khác. Trung tâm của phê bình không còn là tác giả mà cũng không còn là tác phẩm nữa. Trung tâm của phê bình là văn bản và ngôn ngữ.

Gần đây, cả văn bản lẫn ngôn ngữ cũng không còn nằm trong trung tâm của phê bình nữa. Ám ảnh lớn nhất của phê bình hiện nay là các mối quan hệ tương tác và phức tạp giữa các yếu tố hình thành văn học, từ tác phẩm đến tác giả đến môi trường văn hoá chung quanh, từ đó, làm nở rộ bao nhiêu là quan điểm thú vị: tính chất liên văn bản, chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa hậu thực dân, chủ nghĩa duy vật văn hoá, chủ nghĩa tân duy sử, v.v... Với ám ảnh ấy, một trong những nội dung chính của phê bình hiện nay là phê bình chính nó. Để tự biện minh cho sự hiện hữu của nó.

Nói cách khác, phê bình không phải chỉ là phê bình từng tác phẩm hay từng tác giả. Từ mấy chục năm nay, ở Tây phương, hình thức phê bình tập trung phân tích các vấn đề khá trừu tượng mà không cần quy chiếu đến bất cứ một tác phẩm cụ thể nào càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhìn vào danh sách tác phẩm của những nhà phê bình được xem là hàng đầu thế giới, những cuốn sách phê bình tác phẩm và tác giả rất hiếm hoi: nếu có, chúng được viết không phải để tôn vinh một tên tuổi hay một phong cách cụ thể mà chủ yếu để phát hiện một hay vài cái mã chung trong văn học và mỹ học.

Khi nhắm đến các vấn đề có tính trừu tượng như vậy, phê bình tự khẳng định mình như một hoạt động độc lập, một thể loại độc lập, hơn nữa, nó không còn đi sau sáng tác. Ngược lại, có khi nó còn đi trước sáng tác, tạo những nền tảng mỹ học, trên đó, giới sáng tác mở rộng tầm thử nghiệm và sáng tạo; và qua đó, phê bình, tự bản thân nó, cũng biến thành một tiến trình sáng tạo.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG