Cuộc chiến trên bộ tại miền Đông Libya vẫn còn giằng co

  • Elizabeth Arrott

Vũ khí của phe trung thành với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi bị phá hủy bởi 1 cuộc không kích của liên minh giữa Benghazi và Ajdabiyah, 23/3/2011

Lực lượng chính phủ Libya và quân chống đối đang giao tranh quyết liệt để dành một thành phố quan trọng tại miền Đông, trong lúc các nước vẫn tiếp tục tranh cãi về cuộc hành quân do Liên Hiệp Quốc ủng hộ, để bảo vệ thường dân Libya.

Chiến dịch quân sự do phương Tây vẫn tiếp tục với các cuộc tấn công hôm thứ Tư, nhằm áp đặt một khu vực cấm bay trên bầu trời miền Bắc Libya.

Nhưng ngay vào lúc các phản lực cơ chiến đấu của Mỹ cất cánh từ căn cứ tại Ý vào buổi sáng, các lực lượng trung thành với lãnh đạo Moammar Gadhafi vẫn tiếp tục tấn công các khu vực mà quân chống đối đang chiếm lĩnh.

Các cư dân thành phố phía Tây Misrata nói những phần tử bắn sẻ vẫn tiếp tục làm chủ nhiều khu vực của thành phố, trong khi đó các bác sĩ tại đây cho biết những bệnh viện vẫn tràn ngập nạn nhân từ các cuộc tấn công của lực lượng chính phủ.

Tại miền Đông, lực lượng thân Gadhafi đã ngăn được quân chống đối định tái chiếm Ajdabiya, nhờ vào ưu thế của phi đạn Grad và chiến xa, đối với những chiến cụ thô sơ của phe chống đối.

Có những nguồn tin về các trận không kích vào những mục tiêu của chính phủ tại Misrata cũng như Ajdabiya, nhưng khó có thể xác định các nguồn tin đó. Trong lúc giao tranh tiếp diễn, Thủ tướng Anh David Cameron loan báo nỗ lực hiện do Mỹ, Anh và Pháp dẫn đầu đang được mở rộng:

“Chúng tôi sắp nhận được đóng góp về hậu cần của các quốc gia như Kuwait hoặc Jordan. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều sự góp sức nữa. Nhưng tôi cũng nói rõ điều này, bởi lý do chúng ta đã phải hành động rất nhanh chóng vào hôm thứ Bảy, cho nên không thể nào nhận được nhiều sự hỗ trợ của các nước Ả Rập, như là mọi người mong đợi.”

Tuy rằng sự giúp đỡ trên thật hạn hẹp, nhưng đó là 1 trong số ít ỏi những diễn tiến tích cực mà các lãnh đạo liên minh nhận được trong thời gian gần đây.

Sự chỉ trích về chiến dịch của phương Tây không chỉ đến từ các quốc gia Ả Rập, nhưng còn từ các nước Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Trước những mối lo ngày càng gia tăng, các đại sứ của NATO hôm thứ Tư đã tranh luận về chuyện nên tiến hành chiến dịch như thế nào. Hoa Kỳ cho biết sẵn sàng nhanh chóng trao lại quyền lãnh đạo, nhưng vẫn không rõ ai sẽ chịu lãnh vai trò này.