Cuộc khủng hoảng Libya có thể kéo dài

  • Meredith Buel

Phe phản đối ông Moammar Gadhafi với sự hậu thuẫn của các đơn vị quân đội đào ngũ đã chiếm được miền đông của Libya

Áp lực quốc tế đang gia tăng đòi nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi phải từ chức vào lúc các lực lượng chính phủ và phe đối lập tiếp tục giao tranh để giành quyền kiểm soát đất nước này. Một số phân tích gia về Trung Đông dự báo một cuộc giao tranh sẽ kéo dài mà không bên nào có phần chắc sẽ giành phần thắng trong thời gian trước mắt. Thông tín viên Meredith Buel có bài tường trình chi tiết từ Washington.

Các lực lượng có liên hệ đến cuộc khủng hoảng ở Libya dường như ngày càng củng cố các vị trí của họ. Phe phản đối ông Moammar Gadhafi với sự hậu thuẫn của các đơn vị quân đội đào ngũ đã chiếm được miền đông của nước này, trong khi nhà lãnh đạo Libya, được sự ủng hộ của lực lượng an ninh và các chiến binh, vẫn giữ quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.

Bà Michele Dunne là một chuyên gia về các vấn đề Trung Đông tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc Tế có trụ sở ở Washington.

Bà Dunne nói: “Tình hình ở Libya ngay lúc này rất đáng sợ. Cuộc khủng hoảng ở đây có vẻ sẽ không thể được giải quyết một cách hòa bình như những cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập. Hiện giờ, thực sự không thể biết rõ chúng ta sẽ đi tới đâu. Chúng ta có thể tiến tới một giai đoạn bạo lực, hoặc thậm chí một cuộc nội chiến kéo dài ở Libya.”

Quân đội ở Libya đang bị chia rẽ giữa lúc một số sĩ quan ủng hộ người đối lập còn số khác lại theo lệnh của ông Gadhafi và họ đang sử dụng vũ lực chống lại phe đối lập.

Ông Mack cho biết: “Hiện tại chúng ta đang thấy một sự bế tắc.”

Ông David Mack là một học giả tại Viện Trung Đông ở Washington và từng là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Tripoli khi ông Gadhafi lên nắm quyền cách đây hơn 4 thập niên.

Ông nói rằng mặc dù phe nổi dậy và lực lượng chính phủ đang giao tranh, tuy nhiên có vẻ như họ đang tiến gần tới một vụ giằng co.

Ông Mack nói: “Hiện tại, các phần tử nổi dậy ở miền đông nước này sẽ an toàn chừng nào mà họ không giao tranh với nhau trong nội bộ. Hiện không có cách nào mà họ có thể đánh bại được lực lượng trung thành với ông Gadhafi. Điều không hay là chắc chắn lực lượng nổi dậy ở miền đông và một vài thị trấn ở miền tây không có đủ khả năng để có hành động hiệu quả chống lại ông Gadhafi vào thời điểm hiện nay.”

Trang web GlobalSecurity.org cho hay ông Gadhafi đã mua hàng trăm máy bay chiến đấu và hàng ngàn xe tăng từ Liên bang Sô viết trong thời Chiến tranh lạnh, nhưng phần lớn số vũ khí đó không được bảo trì đúng cách.

Bất chấp lời kêu gọi trong nước và quốc tế đòi ông Gadhafi từ chức, ông đã lặp lại quyết tâm rằng ông sẽ không từ bỏ quyền lực.

Ông David Mack của Viện Trung Đông nói: “Tôi tin lời ông ta nói rằng ông ta dự định chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Điều đó thật đáng tiếc bởi tôi e rằng nhiều người dân Libya vô tội sẽ thiệt mạng trong cuộc đối đầu này. Tôi thực sự không thấy có khả năng ông ấy cảm thấy an toàn bên ngoài Libya, và vì vậy tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ rời khỏi nước.”

Các giới chức phương Tây đang thảo luận khả năng áp đặt lệnh cấm bay trên bầu trời Libya để ngăn chặn vụ thảm sát thường dân của lực lượng trung thành với ông Gadhafi.

Tin cho hay các máy bay của không lực Libya đã tấn công các kho vũ khí để ngăn không để những vũ khí này lọt vào tay phe nổi dậy.

Ông Charles Ries, giám đốc Trung tâm Chính sách Công của Trung Đông tại Tập đoàn Rand ở Washington cho rằng nếu họ sử dụng không lực để bắn vào những người bất đồng thì cộng đồng quốc tế có thể can thiệp.

Ông Ries nói: “Nếu không lực trở thành một phần của lực lượng mà ông Gadhafi đang tìm cách sử dụng để tiếp tục nắm giữ quyền lực thì tôi ngờ rằng các cường quốc phương Tây sẽ có thể nhanh chóng áp đặt một khu vực cấm bay.”

Các phân tích gia nói rằng hiện không có một tổ chức quân sự hay chính trị mạnh mẽ nào ở Libya, vì vậy ngay cả nếu ông Gadhafi rời khỏi nước này thì không rõ ai sẽ là người nắm quyền hành ở Libya.