Các cuộc hội đàm diễn ra vào lúc Hoa Kỳ cứu xét thêm các phương án cần áp dụng để đối phó với vụ đổ máu ở Libya, nơi lực lượng quân đội trung thành với lãnh tụ Moammar Gadhafi chống chọi với các lực lượng đối lập.
Xuất hiện tại một buổi họp báo sau khi dự cuộc hội kiến tại Văn phòng Bầu dục giữa Tổng thống Obama và Tổng thư ký Ban, đại sứ Rice đã đề cập đến nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua hồi cuối tuần.
Được đồng thanh chấp thuận, bản nghị quyết này chuyển những vụ vi phạm nhân quyền ở Libya qua Tòa án Tội phạm Quốc tế, và bao gồm một lệnh cấm đi lại, phong tỏa tài sản của giới lãnh đạo Libya, và một lệnh cấm vận vũ khí.
Bà Rice nói: “Các biện pháp trừng phạt và những cơ chế nhận lãnh trách nhiệm này ắt phải khiến tất cả các thành viên của chế độ cai trị ở Libya nghĩ về sự chọn lựa mà họ có trước đó. Họ phải chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền, hoặc phải đình chỉ bạo lực và tôn trọng lời kêu gọi của nhân dân Libya hoặc thay đổi. Không thể tránh khỏi sự chọn lựa quan trọng ấy.”
Bà Rice nói tất cả các thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất quyết bảo đảm rằng các biện pháp trừng phạt sẽ có tác dụng càng mau chóng càng tốt. Bà lập lại lời kêu gọi của Tổng thống Obama đề nghị ông Gadhafi rời chức để ngăn tránh đổ máu thêm.
Bà Rice đáp lại những nhận định của nhà lãnh đạo Libya trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên nước ngoài ở Tripoli, trong đó một lần nữa ông lại từ chối không chịu rời chức, và nói rằng tất cả mọi người dân Libya đều yêu mến ông ta và khẳng định rằng al-Qaida đứng sau phe đối lập.
Bà Rice nói: “Nói thẳng ra, nghe thực là điên rồ. Khi ông ta có thể cười cợt mà nói chuyện với các ký giả Mỹ và quốc tế, trong lúc tàn sát chính nhân dân mình, thì nó chỉ làm nổi bật sự kiện ông ta thiếu khả năng lãnh đạo và xa rời thực tế đến mức nào.”
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney hôm qua một lần nữa nói rằng Hoa Kỳ đang “tích cực tiếp xúc” với những người thuộc phe đối lập ở Libya đang cố gắng đem lại một chính phủ tôn trọng nhân quyền và đáp ứng nguyện vọng của dân chúng Libya. Ông coi mọi sự đồn đoán về việc chính thức thừa nhận một thành phần cụ thể nào thuộc phe đối lập đều là quá sớm.
Ông Carney đưa ra lời đáp sau đây khi được hỏi về phương án ông Moammar Gadhafi đi ra nước ngoài sống lưu vong.
Ông Carney nói: “Đó sẽ là một phương án mau chóng và sẽ phù hợp với ý muốn của chúng tôi là nhìn thấy ông ta từ chức và bị tước bỏ mọi quyền hành. Chung cuộc điều chúng tôi quan tâm nhất là sự đối xử của ông đối với dân chúng, và việc chấm dứt bạo lực nhắm và nhân dân Libya. Và nếu đi sống lưu vong là một giải pháp mau chóng để đi đến mục tiêu đó, thì chúng tôi sẽ ủng hộ. Nhưng ông ta và những người khác vẫn phải nhận lãnh trách nhiệm về các hành động của mình, bất kể ra sao.”
Các giới chức Tòa Bạch Ốc không cho biết điều đó sẽ xảy ra như thế nào, và Tổng thống Obama có thể đã thảo luận về giải pháp đó với ai, hoặc ông Gadhafi có thể đi đâu.
Ông Carney nói Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế không tìm cách lý luận với nhà lãnh đạo Libya, mà chỉ muốn xác định rõ cho ông ta và những người quanh ông ta biết rằng họ đang đối mặt với sự nhất trí chống đối của quốc tế.
Tòa Bạch Ốc và Đại sứ Rice cũng nêu ra thông báo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm qua nói rằng 30 tỷ đôla tài sản của Libya tại Hoa Kỳ đã bị phong tỏa.
Tổng thống Barack Obama và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc hồi hôm qua để hội đàm chủ yếu là về tình hình ở Libya. Theo thông tín viên VOA Dan Robinson, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Susan Rice, cũng tham gia các cuộc thảo luận và đã nói chuyện với các phóng viên.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1