Các chính phủ cấm nhựa có thể hữu hiệu trong việc cắt giảm chất thải, nhưng việc theo dõi yếu kém làm cho nhiều lệnh cấm như vậy không có kết quả, theo báo cáo của Liên hiệp quốc ngày 5/6.
Phúc trình được công bố nhân Ngày Môi trường Thế giới của Liên hiệp quốc ghi nhận là những qui định hạn chế việc sử dụng các bao bì plastic đã giảm bớt đáng kể việc dùng plastic tại các nơi như Morocco, Rwanda và một phần Trung Quốc. Tuy nhiên, tại các nơi khác việc hạn chế này không thành công.
Chẳng hạn như lệnh cấm sử dụng plastic tại New Delhi, kết quả rất hạn chế “vì thi hành yếu kém,” phúc trình cho biết.
New Delhi đã cố gắng liên tục trong thập niên qua cấm sử dụng các bao bì plastic mỏng, gần đây nhất là loan báo xử phạt nặng đối với những người vi phạm. Tuy nhiên, bao bì nhựa vẫn có mặt khắp mọi nơi trong thành phố, bay theo gió, chất thành đống, và được cấp phát sẵn sàng tại hàng trăm ngàn cửa hàng. Tại các nơi khác ở Ấn Độ, trong đó có bang Sikkim và Himachal Pradesh, kết quả khá hơn. Năm nay, Ấn Độ tổ chức Ngày Môi trường Thế giới.
Ông Erik Solheim, người đứng đầu cơ quan môi trường Liên hiệp quốc, nói với AP trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Ở khắp mọi nơi, ô nhiễm plastic là một vấn đề khổng lồ.” Ông ca ngợi Ấn Độ về sự chú trọng ngày càng tăng của nước này đối với việc bảo vệ môi trường nhưng ông cũng cho biết là khi đi thăm nước này, ông thấy “một số nơi có cảnh quang đẹp đẽ, nhưng bị hủy hoại vì ô nhiễm plastic.”
Liên hiệp quốc đã đưa ra một số khuyến cáo để việc cấm plastic hữu hiệu hơn, từ việc khuyến khích các công ty hợp tác thêm nữa cho đến đưa ra những sáng kiến.
Phúc trình cho biết là theo một số ước đoán, có khoảng 5 ngàn tỉ bao plastic được sử dụng trên toàn thế giới mỗi năm.