Chủ tịch nước Tô Lâm là người có khả năng nhất lên thay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng lần tới nhưng thế lực của ông trong Đảng vẫn có những hạn chế, các nhà phân tích nói với VOA.
Đại tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã được Quốc hội bầu lên làm Chủ tịch nước hôm 20/5 và đã bàn giao công tác ở Bộ Công an cho cấp phó của ông là Thượng tướng Lương Tam Quang hôm 11/6.
Ông Lâm lên làm chủ tịch nước trong một nhiệm kỳ nhiều biến động nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam khi lần lượt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai đều mất chức do kết quả của công cuộc ‘đốt lò’ của ông Trọng mà ông Tô Lâm là trợ thủ tích cực.
Sau khi các nhân vật này, vốn có thứ bậc cao hơn ông Tô Lâm trong Bộ Chính trị, ra đi, ông Lâm trở thành một trong số rất ít ỏi những người đủ điều kiện để lên làm Tổng bí thư theo quy định của Đảng.
‘Bộ ba quyền lực’
Ngoại trừ ông Nguyễn Phú Trọng thì ông Tô Lâm cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính là hai thành viên cũ còn lại của Bộ Chính trị đã trải qua hai khóa trong khi các ủy viên Bộ Chính trị còn lại đều là thành viên mới.
Các ông Trọng, Lâm, Chính hiện là ba người quyền lực nhất Việt Nam hiện nay xét theo vị trí và thâm niên, Giáo sư Carlyle Thayer, học giả về chính trị Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, nói với VOA. Tuy nhiên, ông Trọng đã tuổi cao sức yếu nên khó có khả năng làm thêm một nhiệm kỳ thứ tư.
Tuy nhiên, ông Lâm và ông Chính sẽ lần lượt 69 và 68 tuổi, tức là quá tuổi quy định của Đảng để được ở lại thêm một nhiệm kỳ trừ phi được Đảng đặc cách như trường hợp của ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc trước đây.
Để được xếp vào ‘trường hợp đặc biệt’ được miễn trừ về tuổi tác, ông Tô Lâm phải tranh thủ được sự ủng hộ của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương, Giáo sư Thayer cho biết.
“Ông Tô Lâm được tín nhiệm khi làm bộ trưởng Công an giúp sức cho chiến dịch chống tham nhũng và tiêu cực của ông Trọng. Vào lúc này, ông ấy là ứng cử viên sáng giá nhất để trở thành lãnh đạo Đảng.”
Theo lời nhà nghiên cứu này thì mặc dù dư luận đồn đoán rằng ông Lâm muốn làm tổng bí thư, nhưng ông ấy chưa tỏ vẻ gì là đang vận động cho cái ghế này và phải đợi một thời gian nữa để xem tên ông Lâm có được Tiểu ban Nhân sự của Đại hội Đảng đưa vào danh sách cân nhắc cho Ban chấp hành Trung ương khóa tới hay không.
Trả lời câu hỏi việc bị miễn nhiệm Bộ trưởng Công an, chức vụ cho phép ông Tô Lâm có quyền hành rất lớn trong việc điều tra sai phạm của các lãnh đạo, có làm cho quyền lực của ông bị suy suyển hay không, vị giáo sư này phân tích: “Quyền điều hành công việc hàng ngày của ông ấy bị suy yếu đi một chút bởi vì ông ấy không còn nắm quyền trực tiếp ở Bộ Công an nữa. Tuy nhiên, ông ấy có thể dựa vào những người được ông ấy bảo trợ ở Bộ Công an, trong đó có tân Bộ trưởng Lương Tam Quang.”
Thượng tướng Lương Tam Quang và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, vốn là thứ trưởng cho ông Tô Lâm khi ông còn là bộ trưởng Công an, đều là đồng hương Hưng Yên của ông Lâm và được các nhà quan sát cho là ‘người thân tín’ của ông Lâm.
Nếu nhìn tổng thể thì thế lực của ông Tô Lâm trong Đảng được củng cố sau khi có đến 6 trong 18 ủy viên Bộ Chính trị phải ra đi, tạo ra khoảng trống quyền lực, trong khi thân tín của ông được đề bạt lên các vị trí cao hơn, cũng theo lời của Giáo sư Thayer.
Ngoài Thượng tướng Lương Tam Quang được thăng làm Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng đã được chỉ định làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng. Theo lệ của Đảng thì hai ông Quang và Ngọc nhiều khả năng sẽ được vào Bộ Chính trị.
Về phần Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn cũng xuất thân từ Bộ Công an, Giáo sư Thayer cho biết ông Chính cũng đối mặt với cáo buộc tham nhũng của gia đình nhưng ‘đa số thành viên Bộ Chính trị phản đối xử lý ông Chính’. VOA không thể kiểm chứng độc lập thông tin này.
Điểm yếu của Tô Lâm
Cùng chung nhận định với Giáo sư Thayer, một nhà nghiên cứu Việt Nam khác là Giáo sư Zachary Abuza giảng dạy ở trường National War College, thuộc Đại học Quốc phòng (Mỹ), cũng nói với VOA rằng việc ông Tô Lâm trở thành tổng bí thư của Đảng là ‘rất có khả năng’.
Theo giải thích của ông thì Thủ tướng Phạm Minh Chính, người có khả năng tranh với ông Tô Lâm, cũng đang vướng vào những cáo buộc tham nhũng trong khi ông Tô Lâm dù đã ra khỏi Bộ Công an nhưng vẫn có ảnh hưởng đến công việc điều tra của cơ quan này.
“Việc ông Lương Tam Quang được đề bạt lên làm bộ trưởng Công an cho phép ông Tô Lâm tiếp tục vũ khí hóa các cuộc điều tra ở Bộ Công an để hạ bệ các đối thủ,” ông Abuza phân tích.
Tuy nhiên, ông Tô Lâm không phải là không có điểm yếu, cũng theo lời vị giáo sư này. Vụ tai tiếng ông Tô Lâm được nhìn thấy ăn bò dát vàng ở London cho dù không tác động gì đến ông nhưng ‘vẫn khiến ông ấy rất bất an’.
“Nhưng có lẽ điểm yếu lớn nhất của Tô Lâm là việc kinh doanh mở rộng của em trai ông ấy. Tập đoàn Xuân Cầu của ông Tô Dũng đã lớn mạnh chủ yếu là nhờ vào quyền lực và các mối quan hệ của ông Tô Lâm,” ông chỉ ra.
Cả ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ đều bị mất chức sau khi bị phanh phui có dính líu đến sai phạm của các tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An.
“Tập đoàn Xuân Cầu bị đồn là đang bị quân đội điều tra về một thương vụ đất đai mà ông Tô Dũng đang xây dựng trên đó. Nếu tin đồn này là đúng thì ông Lương Tam Quang cũng không thể can thiệp vào cuộc điều tra của quân đội,” ông nói thêm.
Giáo sư Thayer cho rằng nền chính trị theo kiểu tập trung dân chủ và lãnh đạo tập thể của Việt Nam không cho một cá nhân lãnh đạo nào quá nhiều quyền lực, cho nên nếu ông Tô Lâm trở thành người quyền lực nhất mà không bị kiềm chế thì điều đó ‘sẽ không tốt cho Đảng’.