Năm nước gồm các láng giềng và đối tác truyền thống, thân thiết của Việt Nam gửi điện, thư chia buồn về Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng qua đời, trang Thông tin Chính phủ và báo Nhân Dân cho biết vào rạng sáng 20/7.
Theo thứ tự xuất hiện trong bản tin của Thông tin Chính phủ và Nhân Dân, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Lào, Trung Quốc, Campuchia, Cuba và Nga đã bày tỏ lời chia buồn. Không rõ sự sắp xếp này thể hiện trình tự thời gian Việt Nam nhận được các bức điện, thư, hay là thứ bậc thân thiết mà Hà Nội nhìn nhận về 5 nước.
Bức điện thể hiện thông điệp từ đảng Nhân dân Cách mạng Lào, chính quyền và nhân dân nước này nói rằng họ “xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn” khi được tin ông Nguyễn Phú Trọng từ trần hôm 19/7/2024 và “gửi lời chia buồn sâu sắc nhất” tới đảng cộng sản, bộ máy chính quyền, nhân dân Việt Nam và gia quyến, trang Thông tin Chính phủ và báo Nhân Dân cho hay.
Giới lãnh đạo Lào đánh giá ông Trọng là “nhà lãnh đạo ưu tú của thời đại” với công trạng đáng chú ý nhất là “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh, trong sạch, cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện nói rằng họ và nhân dân nước họ “vô cùng thương tiếc gửi đến Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam lời chia buồn sâu sắc nhất và lời thăm hỏi chân thành nhất”, vẫn theo trang Thông tin Chính phủ và báo Nhân Dân của Việt Nam.
Phía Trung Quốc ca ngợi ông Trọng “có những đóng góp kiệt xuất cho công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam cũng như phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới”, đồng thời ghi nhận ông “là người đồng chí thân thiết và người bạn chân thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc”.
Nhắc lại việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng người đồng cấp Tập Cận Bình nâng quan hệ Việt-Trung lên Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước, bức điện nhấn mạnh “Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc sẽ mãi tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Phú Trọng”.
Bức điện cũng khẳng định lại rằng “Trung Quốc luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, sẵn sàng cùng phía Việt Nam không ngừng củng cố tin cậy chính trị, tăng cường đoàn kết và hợp tác, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược”.
Ba bức thư chia buồn của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Hun Manet của nước này và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary đã được gửi đến Hà Nội. Thư của ông Hun Sen có đoạn nói rằng di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sự cống hiến của ông cho đất nước và nhân dân Việt Nam “sẽ được nhiều thế hệ đời sau ghi nhớ”.
Trong thư của mình, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary chia sẻ rằng “Chúng tôi vô cùng biết ơn sự cống hiến không ngừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và Campuchia cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hai nước xích lại gần nhau hơn”.
Từ Cuba cách Việt Nam nửa vòng trái đất, Đại tướng Raúl Castro Ruz và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz Canel-Bermúdez chuyển đến bức thư chia buồn trong đó nói đảo quốc này sẽ luôn tưởng nhớ tới ông Nguyễn Phú Trọng “như một người anh em vĩ đại, một người thúc đẩy không biết mệt mỏi mối quan hệ hữu nghị đặc biệt” giữa hai đảng, chính quyền và nhân dân hai nước.
Gọi ông Trọng là “người bạn thân yêu”, bức thư nhận định rằng ông sẽ được các thế hệ người dân Cuba nhớ tới như “một trụ cột trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài giữa hai nước” và là người “luôn sẵn sàng dang cánh tay đoàn kết với Cuba trong những hoàn cảnh thách thức phức tạp nhất”.
Qua thư, hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Cuba cũng gửi thông điệp “nhắc lại với” Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm về “sự ủng hộ và tình đoàn kết của chúng tôi, cùng với ý chí kiên định tiếp tục tăng cường mối quan hệ anh em không thể phá vỡ đã kết nối hai nước Cuba và Việt Nam”. Ông Lâm mới được đảng cộng sản phân công tạm nắm các thẩm quyền của ông Trọng.
Phần cuối bản tin trên trang Thông tin Chính phủ và báo Nhân Dân là nội dung thư chia buồn của Tổng thống Nga Vladimir Putin mà một phần trong đó khẳng định Nga “sẽ nhớ đến Tổng Bí thư [Trọng] như một người bạn thật sự có đóng góp cá nhân to lớn cho việc thiết lập và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Moscow và Hà Nội”.
Ông Putin hồi tưởng về “nhiều lần có dịp tiếp xúc với con người tuyệt vời đó” và nói ông “sẽ giữ mãi ấn tượng về Tổng Bí thư”.
Hai nhân vật quan trọng khác của Nga là Chủ tịch Hội đồng liên bang Quốc hội Nga Valentina Matvienko và Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Nga Vyacheslav Volodin cũng lần lượt gửi điện và thư chia buồn, bao gồm sự ghi nhận rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có rất nhiều đóng góp to lớn cho việc củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga cũng như hợp tác giữa hai nước.
Như VOA đã đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper vào tối 19/7 gửi ra thông điệp chia buồn về Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Đại sứ Mỹ nói “chúng ta đau buồn khi mất đi một người lãnh đạo có tầm nhìn, người đã làm cầu nối giữa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ”.
“Hoa Kỳ trân trọng việc Ngài Tổng Bí thư đã đưa quan hệ song phương giữa hai nước lên những tầm cao mới”, Đại sứ Knapper chia sẻ và ghi nhận di sản của ông Trọng bao gồm cả việc quan hệ song phương Việt-Mỹ được nâng cấp lên Đối tác Toàn diện năm 2013 và một thập kỷ sau lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, cấp độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam.
Nhà ngoại giao đứng đầu phái bộ Mỹ ở Việt Nam khẳng định nước ông “coi trọng quan hệ với Việt Nam” và “mong đợi hợp tác chặt chẽ” với Chủ tịch nước Tô Lâm cùng với tất cả các lãnh đạo đảng, nhà nước, và quốc hội Việt Nam trong thời gian tới.