Đường dẫn truy cập

Đại sứ Knapper gửi thông điệp chia buồn, tôn vinh di sản của Tổng bí thư Trọng trong quan hệ Mỹ-Việt


Ông Trọng cùng Tổng thống Biden đã đưa quan hệ Việt-Mỹ lên cấp độ cao nhất
Ông Trọng cùng Tổng thống Biden đã đưa quan hệ Việt-Mỹ lên cấp độ cao nhất

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper vào tối 19/7 gửi ra thông điệp chia buồn sau khi biết tin Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần vào buổi chiều cùng ngày.

Chính phủ Việt Nam đã ra thông báo chính thức nói rằng ông Trọng qua đời ở Hà Nội “do tuổi cao, bệnh nặng”, hưởng thọ 80 tuổi.

“Chúng tôi vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới phu nhân, bà Ngô Thị Mận, cùng gia quyến của ngài, và người dân Việt Nam trong thời điểm khó khăn này,” Đại sứ Knapper bày tỏ trong thông điệp đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.

Đại sứ Mỹ nói rằng “trước sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đau buồn khi mất đi một người lãnh đạo có tầm nhìn, người đã làm cầu nối giữa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ.”

Ông Trọng là người tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 9 năm ngoái và cùng người đứng đầu Nhà Trắng nâng cấp mối quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện.

“Hoa Kỳ trân trọng việc Ngài Tổng bí thư đã đưa quan hệ song phương giữa hai nước lên những tầm cao mới. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo Đảng đầu tiên của Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ, thể hiện cam kết to lớn đối với tình hữu nghị, đồng thời định hình mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai quốc gia,” Đại sứ Knapper nói trong tuyên bố.

“Di sản của Ngài càng được củng cố khi quan hệ song phương được nâng cấp lên Đối tác Toàn diện năm 2013 và, một thập kỷ sau đó, lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, cấp độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ngài cùng với Tổng thống Biden."

Ông Trọng trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản đầu tới thăm Nhà Trắng khi ông được Tổng thống Barack Obama tiếp đón tại phòng Bầu Dục vào năm 2015. Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói với VOA trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây rằng chuyến thăm của ông Trọng tới Mỹ lúc đó là một dấu mốc trong việc tạo dựng lòng tin giữa hai cựu thù, tạo bước ngoặt cho việc thúc đẩy nâng tầm mối quan hệ hai nước.

Ông Knapper cho biết rằng Mỹ “sẽ mãi mãi biết ơn sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng.”

“Chúng tôi coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong đợi hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch nước Tô Lâm cùng với tất cả các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và Quốc hội trong thời gian tới. Chủ tịch nước Tô Lâm đã luôn ủng hộ mạnh mẽ quan hệ song phương giữa hai nước. Với tư cách là Đối tác Chiến lược Toàn diện và bạn bè, chúng tôi luôn sẵn sàng ủng hộ một Việt Nam độc lập, tự chủ, thịnh vượng và có sức chống chịu,” Đại sứ Knapper nói.

Ông Lâm được Bộ Chính trị giao đảm nhiệm vai trò tổng bí thư Đảng hôm 18/7, một ngày trước khi Việt Nam đưa ra thông báo về việc ông Trọng qua đời.

Tuyên bố của Đại sứ Knapper còn cho biết rằng bằng việc tôn vinh di sản của ông Trọng, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam “sẽ chỉ ngày càng được thắt chặt, mang lại hòa bình và thịnh vượng cho người dân Việt Nam và Hoa Kỳ.”

“Chúng ta một lần nữa khẳng định sự tôn trọng đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau. Khi Tổng thống Biden đến Hà Nội vào tháng 9, Ngài đã trích dẫn đại thi hào Nguyễn Du: ‘Vinh hoa bõ lúc phong trần. Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày’,” Đại sứ Knapper nói.

“Trong thời khắc đau buồn này, chúng ta hãy cùng nhau ghi nhớ tình hữu nghị tốt đẹp giữa người dân hai nước và cùng nhau tiếp tục hành trình này, đoàn kết với cam kết chung hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.”

Báo chí quốc tế cũng đã loan tin về cái chết của ông Trọng khi sau khi chính quyền trong nước xác nhận. Hãng tin Mỹ AP gọi ông Trọng là ‘nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam’ và dẫn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, mô tả di sản của ông Trọng là “có tốt có xấu” (mixed) với hậu quả không mong muốn của chiến dịch chống tham nhũng là sự xói mòn các cơ quan Đảng.

Tờ Washington Post đăng tải bài viết đánh giá về di sản của ông Trọng, trong đó nhấn mạnh việc ông Trọng đứng đầu đầu công cuộc tiếp cận với phương Tây và đàn áp ở trong nước.

Tờ báo này dẫn lời ông Khang Vũ, nghiên cứu sinh tiến sỹ về chính trị Việt Nam tại Boston College, nhận định rằng di sản tích cực chính của ông Trọng được nhiều người nhìn nhận là “đối ngoại và chiến dịch chống tham nhũng”.

Tuy nhiên, thành tích nhân quyền tồi tệ dưới thời ông Trọng cũng được nhắc đến. Bài viết của Washington Post dẫn số liệu của Dự án 88, một tổ chức theo dõi nhân quyền Việt Nam, ước tính gần 200 người đã bị bỏ tù vì lý do chính trị dưới thời ông Trọng, bao gồm các nhà báo, nhà hoạt động môi trường và hoạt động công đoàn.

Tờ Nikkei Asia của Nhật dẫn lời ông David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc ở Việt Nam, gọi sự ra đi của ông Trọng là “chấm dứt một kỷ nguyên” vì ở Việt Nam hiện nay, ít có nhà lãnh đạo xứng với tầm vóc của ông Trọng.

Nói với tờ báo của Nhật, bà Lê Thu Hương, phó giám đốc phụ trách châu Á của International Crisis Group nhận định di sản của ông Trọng là “củng cố quyền lực của Đảng thông qua chiến dịch chống tham nhũng” tuy nhiên cũng cho rằng việc không có kế hoạch chuyển giao quyền lực đầy đủ chính là “điểm yếu lớn nhất trong thành tích của ông”.

Trong khi đó, báo chí trong nước đã đồng loạt đăng nhiều bài viết ca ngợi ông Trọng, người nhà lãnh đạo Đảng 3 nhiệm kỳ liên tiếp chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, ngay sau khi phát tin ông từ trần.

Thông tấn xã Việt Nam đã đăng toàn văn bài viết của Chủ tịch nước Tô Lâm, người tạm điều hành công việc của Tổng bí thư, với tiêu đề ‘Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước vì dân’.

Bài viết đã điểm lại những thành tựu của ông Trọng trong 55 năm làm việc cho Đảng ở các vị trí Chủ tịch Quốc hội, Tổng bí thư và Chủ tịch nước, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền, chính sách văn hóa và ngoại giao cây tre.

Hãng tin nhà nước cũng đăng tải bài viết ‘Nguyễn Phú Trọng – Nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến’ trong đó phỏng vấn các cán bộ, quan chức, tướng lĩnh về tình cảm của họ đối với ông Trọng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG