Các nhà lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương hoan nghênh cam kết của Hoa Kỳ tăng gấp ba lần viện trợ cho khu vực để chống đánh bắt cá bất hợp pháp, tăng cường an ninh hàng hải và đối phó với biến đổi khí hậu, sau nhiều thập kỷ ngân sách của Mỹ dành cho khu vực bị trì trệ.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, trong một bài phát biểu qua video tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ở Suva hôm 13/7, cho biết tài trợ của Mỹ cho các đảo ở khu vực này sẽ tăng gấp ba lần, lên 60 triệu đô la một năm trong một thập kỷ, tùy thuộc vào sự chấp thuận của Quốc hội.
Một số nhà lãnh đạo Thái Bình Dương đang tìm cách cân bằng tham vọng của Trung Quốc đối với các mối quan hệ thương mại và an ninh trong khu vực. Quần đảo Solomon đã ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại.
Bà Harris kêu gọi các quốc gia "đoàn kết" trước những kẻ xấu đang tìm cách phá hoại trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, nhưng không nêu tên cụ thể nước nào.
Phó tổng thống Mỹ nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng trong những năm gần đây, các đảo quốc ở Thái Bình Dương có thể đã không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ ngoại giao mà các bạn xứng đáng có được.”
Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương, hiện đang tham dự diễn đàn kéo dài 4 ngày, xem biến đổi khí hậu là vấn đề an ninh chính của khu vực, nhưng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như việc Kiribati bất ngờ rút khỏi diễn đàn, cũng là những vấn đề đang được thảo luận.
Diễn đàn sẽ thảo luận về nỗ lực của Trung Quốc nhằm ký một thỏa thuận thương mại và an ninh với 10 đảo quốc có quan hệ với Trung Quốc, điều mà một số thành viên phản đối.
Palau, vốn có quan hệ quốc phòng với Mỹ và quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nằm trong số các thành viên của PIF không có trong thỏa thuận do Trung Quốc đề xuất, nhưng Trung Quốc có hoạt động kinh tế tại quốc gia này, theo Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. cho biết.
"Không có giới hạn cho cơ hội với Trung Quốc. Sự cạnh tranh đó đôi khi tạo ra mối lo ngại về an ninh. Chúng tôi đã sống qua Thế chiến thứ hai và chúng tôi không muốn thấy điều đó một lần nữa," tổng thống Palau nói.
Hoa Kỳ đang kết thúc các cuộc đàm phán về việc gia hạn một hiệp ước đánh cá với các quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó cho phép các tàu của Mỹ đánh cá trong các vùng đặc quyền kinh tế của các nước này trong nhiều thập kỷ trong khi cung cấp hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động giám sát hàng hải ở Thái Bình Dương.
Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama cho biết hiệp ước đánh bắt cá đã mang lại cho Hoa Kỳ một nền tảng để "cân bằng" các điểm yếu chiến lược ở Thái Bình Dương.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết điều quan trọng là Hoa Kỳ đang tăng cường hỗ trợ, bao gồm cả việc mở các đại sứ quán mới ở Kiribati và Tonga.
“Chúng tôi rất hoanh nghênh sự hiện diện ngày càng tăng của chính quyền Biden ở khu vực,” Thủ tướng Albanese nói và cho biết thêm rằng sự cạnh tranh chiến lược là bối cảnh cho diễn đàn.
Bộ trưởng Thủy sản của Palau, Steven Victor, cho biết du lịch và thủy sản là nguồn thu duy nhất của quốc gia, và nguồn tài trợ của Hoa Kỳ đã trì trệ trong 20 năm qua.
Kiribati, quốc đảo cũng phụ thuộc vào đánh bắt cá, đã đạt được các thỏa thuận thủy sản với Trung Quốc sau khi chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019, một tháng sau khi diễn đàn được tổ chức trực tiếp lần cuối trước đây.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo hôm 13/7 rằng "Trung Quốc có được sự hợp tác tốt đẹp với Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương trong nhiều năm qua."