Cựu Thủ tướng Anh quốc, ông Tony Blair, người đang giữ vai trò cố vấn cho Chính phủ Việt Nam từ năm 2013, gần đây đã có một phát biểu thú vị tại cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức liên quan đến việc cải cách doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, “cải cách mà không có chống đối thì là kém, sự chống đối là đương nhiên và quá trình cải cách cần phải vượt qua”.
Phát biểu của ông thú vị ở chỗ nó phủ nhận câu chuyện đồng thuận trong cải cách và đề cao tính quyết đoán của những người lãnh đạo quá trình này. Nó cũng thú vị về mặt thời điểm. Trong những ngày này, ở Việt Nam đang diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi về việc bán các tài sản nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng cũng như việc tư nhân hóa triệt để (theo nghĩa nhà nước bán hết, hoặc gần hết sở hữu của mình) một số doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng.
Cuộc tranh luận này xuất phát từ một số giao dịch tiềm năng lớn. Hồi đầu tháng 3 vừa qua là câu chuyện tập đoàn Vingroup đề xuất mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và 80% tại Công ty TNHH một thành viên cảng Sài Gòn. Trước đó, hồi đầu tháng 2 là việc Bộ Giao thông Vận tải muốn thí điểm nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc và một phần nhà ga Nội Bài để lấy vốn đầu tư các dự án sân bay khác (và ngay lập tức đã có Vietjet Air và Vietnam Airlines ngỏ ý muốn mua). Trước nữa, trong tháng 1, tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (chủ tịch ngân hàng SHB) đã có đề nghị mua lại toàn bộ 100% sở hữu nhà nước tại cảng Quảng Ninh và quỹ đầu tư Vietnam - Oman (viết tắt là VOI) được chấp thuận về mặt chủ trương để mua tối đa 29,68% Cảng Hải Phòng từ tay Vinalines.
Đó là chưa kể hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3, Bộ Giao thông Vận tải còn quyết liệt muốn bán tới năm dự án đường cao tốc gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nói như Bộ trưởng Đinh La Thăng thì “không có công trình nào là không thể xã hội hóa được” và dự án nào bán được, giá hợp lý thì bán luôn, nếu bán cả dự án khó thì chia nhỏ ra để bán.
Nếu như câu chuyện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực truyền thống gần như có được sự đồng thuận trong xã hội, thì làn sóng mới lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đến từ những người trước nay vốn ủng hộ quá trình này. Tựu trung lại, có 4 nỗi sợ chính khiến nhiều người hoài nghi hoặc phản đối.
Đầu tiên là câu chuyện bán rẻ bán đắt. Việc định giá để có “giá hợp lý” (fair price) đối với các doanh nghiệp đã niêm yết vốn dĩ khó (vì nó tùy thuộc vào điều kiện thị trường và hàng loạt các biến động ngắn hạn), việc định giá các tài sản hoặc các giá trị các doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu còn khó hơn nhiều lần. Lý do là thông thường các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, vì vậy đánh giá giá trị của chúng dựa vào số liệu kinh doanh trong quá khứ sẽ không chính xác. Nếu định giá dựa vào các dự phóng tương lai sau khi chuyển sang tay tư nhân thì lại càng khó chính xác. Vì thế, việc bán tài sản hoặc tư nhân hóa thường được dựa vào việc đấu thầu công khai.
Thế nhưng việc đấu thầu công khai khi bán các doanh nghiệp nhà nước lớn, hoặc các tài sản giá trị lớn của nhà nước cũng khó ở chỗ không có nhiều nhà đầu tư tư nhân có khả năng tài chính để mua. Một cuộc đấu giá sẽ chẳng có mấy giá trị nếu như chỉ có vài đối tượng tham gia, nhất là các đối tượng này lại … nghèo tiền mặt. Đây là một tình huống rất thực tế ở Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn nhỏ bé và không có nhiều tiền để mua các khối tài sản lớn. Và điều này làm cho tính cạnh tranh của các cuộc đấu giá không cao. Đó là chưa kể trong một số trường hợp thậm chí còn không qua đấu thầu.
Điểm thứ hai là mối lo tài sản rơi vào tay các nước không thân thiện (chủ yếu là Trung Quốc). Sẽ không mấy người quan tâm nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn mua một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực phân bón đến từ đâu, vì phân bón không có liên quan gì đến an ninh quốc gia (trừ khi họ kiểm soát cả thị trường phân bón). Thế nhưng các cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, các vùng mỏ hoặc lâm trường lớn, hay thậm chí các cơ sở giáo dục đào tạo thường làm nhiều người lo ngại nếu rơi vào tay các nhà đầu tư đến từ các quốc gia không thân thiện. Quan ngại này không phải không có cơ sở, nhất là trong những giai đoạn nhạy cảm về mặt ngoại giao.
Vì thế, dư luận nói chung thường thích nguồn tiền đến từ trong nước hoặc đến từ các nước phát triển phương Tây có quan hệ thân thiện với Việt Nam. Vấn đề khó ở chỗ các rủi ro chính sách (regulation risk) ở Việt Nam là lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực chịu kiểm soát chặt của nhà nước như hạ tầng, vì thế khó thuyết phục phương Tây đầu tư. Trong khi nguồn tiền trong nước không nhiều, và nguồn tiền từ các nước không thân thiện lại dồi dào, đây thực sự là vấn đề không mấy dễ chịu và khó tránh.
Điểm thứ ba là nỗi sợ tư nhân lũng đoạn. Các tài sản liên quan đến hạ tầng thường có tính độc quyền cao, tức là khách hàng ít có lựa chọn khác. Vì thế, không ít người lo ngại khi rơi vào tay tư nhân giá cả sẽ tăng đột biến, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Đó là chưa kể không chắc khu vực tư nhân ở Việt Nam, vốn hết sức non trẻ trong lĩnh vực hạ tầng, có thể khai thác một cách hiệu quả các tài sản này.
Bên cạnh đó thì viễn cảnh một vài tập đoàn tư nhân vượt lên trở thành những doanh nghiệp kếch xù và đa ngành theo kiểu Chaebol của Nam Triều Tiên cũng không phải là một viễn cảnh vui vẻ gì với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là việc các tập đoàn này vượt lên lại thông qua các giao dịch mua lại tài sản nhà nước với giá hời. Ở đây có một thế tiến thoái lưỡng nan, đó là nếu không phải tập đoàn lớn thì không thể có nguồn lực tài chính để mua, mà nếu tập đoàn lớn mua thì họ sẽ còn trở nên lớn hơn nữa.
Điểm thứ tư không kém quan trọng là nỗi sợ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này được hiểu trên cả hai nghĩa – sự kiểm soát của kinh tế nhà nước và khả năng đảm bảo phúc lợi xã hội của nhà nước. Ở góc độ thứ nhất, nếu như việc tư nhân hóa các công ty “vô hình” ít làm người ta lo ngại thì việc bán các tài sản mang tính biểu tượng (thí dụ một phần nhà ga Nội Bài) rõ ràng khiến nhiều người vốn vẫn tin tưởng vào vai trò dẫn dắt (hoặc chủ đạo) của kinh tế nhà nước phải giật mình.
Ở góc độ thứ hai, việc bán các tài sản hạ tầng, hay việc xã hội hóa các mảng vốn trước giờ được bao cấp như y tế hay giáo dục, cũng làm nhiều người lo sợ rằng dân chúng sẽ không còn được hưởng các dịch vụ thiết yếu này với giá rẻ như trước. Và vì thế nhiều người sẽ mất cơ hội thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu này. Điều đó, nếu xảy ra, sẽ trực tiếp làm xói mòn một trong những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội – đó là bảo đảm sự bình đẳng.
*Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.