Lần đầu tiên phát hiện giun ký sinh trong não một bệnh nhân nữ

Ảnh phối hợp giun ký sinh dài 8 cm được tìm thấy trong não của một phụ nữ ở Canberra.

Một nhà khoa học người Úc hôm 29/8 trình bày chi tiết phát hiện đầu tiên trên thế giới khi một con giun ký sinh dài 8 cm được tìm thấy trong não của một phụ nữ ở Canberra, làm nổi bật nguy cơ của các sinh vật truyền nhiễm lây lan giữa các loài.

Được các nhà khoa học xác định là loài giun tròn thường thấy nhất ở trăn thảm, nó được phát hiện vào năm ngoái ở một người 64 tuổi đang trải qua phẫu thuật ở thủ đô Australia, sau những lời phàn nàn về đau bụng, hay quên và trầm cảm.

Một nghiên cứu về trường hợp này được công bố hôm 28/8 trên tạp chí Các bệnh Truyền nhiễm Mới nổi cho thấy bệnh nhân này có thể đã bị phơi nhiễm khi đi tìm cỏ dại và có thể đã bị nhiễm phân trăn.

Tiến sĩ Sanjaya Senanayake, một trong những tác giả cuộc nghiên cứu, nói với Reuters: “Khi bạn phẫu thuật não của ai đó và lấy sinh thiết một thứ gì đó, bạn sẽ không bao giờ mong đợi gặp phải một thứ gì đó còn sống”.

Ông nói thêm, dù các nhà khoa học đã quen thuộc với ký sinh trùng ở người, nhưng một con giun lớn như vậy chưa từng được nhìn thấy ở người trước đây.

“(Đó) chắc chắn là điều chúng tôi sẽ không bao giờ quên.”

Người phụ nữ được ông Senanayake khen ngợi là “rất can đảm” đã trở lại cuộc sống bình thường sau khi xuất viện nhưng vẫn đang được các bác sĩ theo dõi.

Ông Senanayake nói: “Vì đây là một trường hợp bất thường ở nhiều cấp độ nên chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ bà ấy và giữ liên lạc”.

Bài báo cho biết loài ký sinh này được các nhà khoa học gọi là Ophidascaris robertsi.