Chuyến bay trực tiếp đầu tiên do Bộ Nội vụ Vương quốc Anh thuê để đưa những người Việt Nam di cư lậu bị trục xuất về nước cất cánh vào hôm 21/4 từ phi trường Heathrow đến sân bay Nội Bài, truyền thông Anh loan tin.
Tờ The Guardian hôm 20/4 nói ít nhất một người nhập cư bất hợp pháp bị giam giữ tại trại nhập cư Harmondsworth gần Heathrow nhận lệnh trục xuất ghi rằng: “Ông là đối tượng của lệnh trục xuất. Hiện đã có chỉ dẫn cho việc đưa ông rời Vương quốc Anh trên chuyến bay thẳng đến sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 21/4/2021.”
Hôm 21/4, đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho VOA biết qua email rằng thông tin cung cấp cho báo chí liên quan đến vấn đề trục xuất này do Bộ Nội vụ Vương quốc Anh (UK Home Office) phụ trách.
The Guardian có yêu cầu Bộ Nội vụ Anh xác nhận thông tin này nhưng bộ này từ chối bình luận.
Các tổ chức nhân quyền lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc trục xuất này, nói rằng nhiều người Việt Nam di cư lậu sang Anh phải chịu nhiều hình thức bóc lột khác nhau, chẳng hạn như cưỡng bức trồng cần sa trong các trang trại bất hợp pháp, hoạt động mại dâm hoặc bị ép làm việc trong các tiệm làm móng. Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về nạn buôn người sang Vương quốc Anh, cũng theo The Guardian.
Để được di cư lậu kiểu này, một số người Việt phải trả cho những kẻ buôn người khoảng 30.000 bảng Anh cho một chuyến đi lậu đến nơi mà họ tin rằng sẽ là một vùng đất hứa với mong muốn có cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình so với hoàn cảnh ở Việt Nam.
Your browser doesn’t support HTML5
Theo tổ chức nhân đạo After Exploitation ở Anh, có đến 108 nạn nhân nghi là người Việt Nam bị giam giữ sau các vụ truy bắt người nhập cư lậu trong thời gian từ Quý 2 đến Quý 4 năm 2020, nhưng không người nào trong số này được hỗ trợ tư vấn pháp lý.
Trong diễn biến liên quan, hôm 15/4, hai người Việt Nam đã bị bỏ tù sau khi cảnh sát phát hiện trang trại ma túy trị giá 800 nghìn bảng Anh ở thành phố Manningham, nơi hai người này đi làm công, theo The Telegraph.
Hai người đàn ông Việt Nam nhận tội sản xuất cần sa, khai rằng mình là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, tại một trang trại trồng cần sa trong khu công nghiệp lớn ở Bradford, phía bắc nước Anh.