Đường dẫn truy cập

Cơ hội nào cho người Việt trong diện bị trục xuất khỏi Mỹ?


Nhiều người Việt tị nạn trong diện bị trục xuất đã xem Mỹ là quê hương của họ (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)
Nhiều người Việt tị nạn trong diện bị trục xuất đã xem Mỹ là quê hương của họ (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)

Những người Việt tị nạn cộng sản đến Mỹ nằm trong danh sách bị trục xuất do phạm tội trong quá khứ có thể làm đơn xin khoan hồng nếu hội đủ điều kiện, trong lúc các vị dân cử và các nhà hoạt động cộng đồng đang tìm cách thay đổi lệnh trục xuất này.

Hôm 13/4 có đến 10 thượng nghị sĩ và 29 dân biểu liên bang Mỹ gửi thư đến chính quyền của Tổng thống Joe Biden yêu cầu không trục xuất người Việt tị nạn đến Mỹ trước tháng 7/1995 – tức thời hạn hai nước thiết lập bang giao.

Lá thư này yêu cầu Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas và quyền Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) Tae Johnson làm rõ tin đồn về một bản ghi nhớ Mỹ-Việt mới được ký kết vào tháng Hai năm nay liên quan đến việc trục xuất một số người Việt tị nạn đến Mỹ từ trước năm 1995 cũng như tin về một chuyến bay chở 33 người Việt bị trục xuất về Việt Nam hôm 15/3.

‘Tin đồn chưa rõ ràng’

VOA đã liên lạc văn phòng dân biểu Alan Lowenthal ở bang California, người dẫn đầu nỗ lực vừa kể và được cho biết đến nay họ vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Nhân viên văn phòng ông Lowenthal cho VOA biết mục đích của lá thư là để xác nhận xem có bản ghi nhớ đó hay không cũng như thật sự có chuyến bay chở người tị nạn về Việt Nam hay không, từ đó dân biểu Alan Lowenthal mới có phản ứng thích hợp.

“Nếu thực sự có chuyến bay đó thì phải xem đó là những ai và họ phạm những tội như thế nào thì chúng tôi mới cân nhắc những bước kế tiếp cũng như làm thế nào để ngăn chặn những việc trục xuất tương tự xảy ra trong tương lai,” một vị trợ lý của dân biểu Lowenthal nói với VOA.

Theo lời vị này thì quan điểm của dân biểu Lowenthal là nên giữ nguyên tinh thần thỏa thuận năm 2008 giữa hai nước tức là những người đến Mỹ trước tháng 7/1995 không thể bị trục xuất

Văn phòng của dân biểu Lowenthal cũng đã nhận được những lời kêu cứu của các cá nhân và tổ chức khác nhau về việc trục xuất. Nếu người bị trục xuất là cư dân trong địa hạt của dân biểu, có liên lạc với văn phòng của dân biểu để nhờ trợ giúp, thì ông Lowenthal sẽ cố gắng lên tiếng và can thiệp với chính quyền, cũng theo thông tin từ văn phòng ông Lowenthal.

‘Không nên trục xuất’

Bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao tại bang Virginia, chủ tịch Tổ chức Tiếng nói người Mỹ gốc Việt vốn đấu tranh cho sự thăng tiến của cộng đồng về chính trị và xã hội, nói với VOA rằng việc trục xuất những người Việt này là ‘sai trái’.

“Trên nguyên tắc những người đã đi theo diện tị nạn đã bỏ Việt Nam mà đi thì chính quyền cộng sản không có nhận họ là công dân, mà họ cũng không nhận Việt Nam là đất nước của họ nữa,” bà Giao giải thích

Cũng theo lời bà Giao, nếu nước Mỹ đã nhận họ vào theo dạng tị nạn và họ đã trở thành thường trú nhân của Mỹ thì cho dù họ có phạm pháp đi nữa thì cũng phải đi qua hệ thống luật pháp hay huấn cải của Mỹ để hòa nhập trở lại vào xã hội chứ không phải bị trục xuất về nước.

“Dù họ không có quốc tịch Mỹ nhưng họ cũng không còn là công dân Việt Nam nên trả lại cho Việt Nam là không đúng,” bà nói thêm.

Theo lời bà Giao thì việc trục xuất này đã xảy ra dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump và để lại di sản cho đến bây giờ mà chính quyền mới của ông Joe Biden chưa kịp thay đổi.

‘Xin khoan hồng’

Từ bang Utah, luật sư di trú Jennifer Hà hiện đang xử lý hồ sơ cho một thân chủ nằm trong diện trục xuất, nói với VOA rằng những đối tượng này có thể làm đơn xin khoan hồng.

“Những người nằm trong danh sách trục xuất đó hiện giờ vẫn còn có cơ hội để xin miễn trục xuất nếu họ đáp ứng được vài điều kiện như có thân nhân, con cái ở Mỹ,” bà nói.

Bà dẫn chứng trường hợp thân chủ của bà đã phạm tội quan hệ với người chưa đến tuổi thành niên khi ông ta mới có 21 tuổi, đã bị tước thẻ xanh và bị đưa vào danh sách có thể bị trục xuất.

“Từ 21 tuổi cho đến bây giờ thân chủ tôi đã kết hôn với người có quốc tịch, có năm con và chưa phạm tội mới,” bà cho biết. “Tôi đang trong quy trình xin lại thẻ xanh cho thân chủ theo diện được vợ bảo lãnh.”

Do đó, bà giải thích rằng những ai có thân nhân ở Mỹ như vợ hoặc chồng hay cha mẹ lớn tuổi mà nếu họ bị trục xuất sẽ tạo ra nghịch cảnh rất lớn cho những thân nhân này thì có thể xin khoan hồng.

Những người khác cũng có thể xin khoan hồng nhưng ‘với điều kiện rất khắt khe’, cũng theo lời luật sư Hà.

Theo bà giải thích thì tội mà họ phạm không được xảy ra trong thời gian 7 năm sau khi họ đến Mỹ thì họ mới có thể xin khoan hồng. Ngoài ra còn phải xem xét đó là tội nặng hay tội nhẹ nữa.

Tuy nhiên bà cho rằng chính quyền Joe Biden hoàn toàn có thể đảo ngược chính sách trục xuất này chỉ bằng một sắc lệnh hành pháp giống như sắc lệnh hành pháp dành cho những người thuộc diện DACA tức những người đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG