Mới đầu năm nhưng Bộ trưởng Thương mại Vũ Văn Ninh đã có bài trả lời Vnexpress xoay quanh câu chuyện quản lý giá. Báo này còn dật tít “Bộ trưởng Tài chính: 2011 sẽ 'thả' giá theo thị trường” – rõ ràng là để câu người đọc quan tâm đến vấn đề quản lý giá.Trên thực tế thì lạm phát (đo qua CPI) lên tới 11.75% năm 2010 cùng với nhiều dự báo về CPI trong năm 2011 tiếp tục cao đã khiến cho lạm phát trở thành một trong những vấn đề nóng nhất của năm 2011.
Từ cuối năm 2010, hàng loạt các think tank nước ngoài đã đưa ra các dự báo tương đối bi quan về lạm phát ở Việt Nam trong năm 2011. HSBC dự báo CPI sẽ tăng 8.5% trong khi Standard Chartered dự báo con số này vào khoảng 10.5%, và ANZ dự báo ít nhất CPI sẽ tăng 10%. Bi quan hơn các ngân hàng này, Credit Suisse cho rằng CPI của Việt Nam năm 2011 có thể tăng tốc lên tới 15%, cao nhất so với hai năm vừa qua (2009 và 2010).
Thế nhưng Quốc hội họp hồi đầu tháng 10 năm ngoái lại đưa ra một chỉ tiêu có thể nói là từ trên trời rơi xuống. Đó là yêu cầu chính phủ phải giữ CPI năm 2011 ở mức không quá 7%. Đương nhiên chỉ tiêu của Quốc hội không có nghĩa là chính phủ phải làm bằng mọi giá – cũng giống như chỉ tiêu lạm phát năm 2010 do Quốc hội đề ra cuối năm 2009 là 7% nhưng con số thực tế của năm 2010 đã lên tới 11.75%. Nhưng dù sao thì nó cũng thể hiện một định hướng, hay nói ở mức độ vừa phải hơn là một mong muốn, về việc điều hành vĩ mô.
Thế nhưng làm thế nào để kìm lạm phát ở mức 7% thì Quốc hội không bàn đến, vì đó là trách nhiệm của chính phủ. Trong một bối cảnh vĩ mô như hiện nay, kiềm chế lạm phát ở mức 7% là một nhiệm vụ gần như bất khả thi, và vì thế mà nó là một áp lực ghê gớm. Không biết có phải vì thế hay không mà mới đầu năm Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã nói về vấn đề này trên báo.
Bộ trưởng Ninh nói đến nhiều giải pháp trong nhóm mà ông gọi là “6 biện pháp cụ thể”. Tuy nhiên, tựu trung thì điểm quan trọng nhất cũng chính là điểm mà báo Vnexpress dật tít – đó là vấn đề quản lý giá.
Câu chuyện quản lý giá là câu chuyện luôn luôn nóng ở Việt Nam, và sẽ còn là câu chuyện dài kỳ. Lý do nằm ở hai điểm: Thứ nhất là mặc dù Việt Nam đã cải cách kinh tế theo hướng thị trường được 25 năm nhưng nhiều thị trường chủ chốt/thiết yếu vẫn chưa được tự do hóa (deregulate), thí dụ như như điện, xăng dầu, nước sinh hoạt, than. Vì tầm quan trọng của các thị trường này đối với toàn bộ nền kinh tế và việc nhà nước chưa sẵn sàng, cũng như chưa đủ năng lực, để tự do hóa khiến cho câu chuyện quản lý giá vẫn là câu chuyện dài.
Điểm thứ hai, như đã đề cập ở phần đầu, là do áp lực thường trực của lạm phát. Những công cụ điều tiết vĩ mô thường dùng ở các nền kinh tế đã phát triển để chống lạm phát như chính sách tiền tệ (tăng lãi suất, giảm cung ứng tiền tệ, thắt chặt tín dụng) và tài khóa (giảm chi tiêu chính phủ, thắt lưng buộc bụng) có vẻ như ít có tác dụng ở Việt Nam và thường được vận dụng mâu thuẫn nhau do các mục tiêu khá mâu thuẫn của Quốc hội và chính phủ. Thí dụ, vừa kiềm chế lạm phát vừa tăng trưởng nhanh – điển hình như trong năm 2011 Quốc hội vừa muốn tăng trưởng nhanh hơn năm 2010 với GDP tăng khoảng 7.5% vừa muốn lạm phát thấp hơn nhiều so với năm 2010 với CPI chỉ tăng khoảng 7%. Vì những mâu thuẫn chính sách như thế, có vẻ như gánh nặng kiềm chế lạm phát lại được đặt lên vai một thứ chính sách vốn không phải để chống lạm phát – đó là chính sách quản lý giá.
Như tôi đã viết cách đây hơn 1 năm, quản lý giá sẽ chỉ gây thêm các méo mó và rối rắm trên thị trường về dài hạn. Sau khi đã có rất nhiều phía lên tiếng, đặc biệt là các hiệp hội như EuroCham, AmCham, và CamCham, có vẻ như Bộ Tài chính đã, ít ra là về mặt phát ngôn, né tránh đề cập đến chuyện quản lý giá và thể hiện mong muốn điều tiết giá theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, phát ngôn chỉ là phát ngôn, dù Bộ trưởng Ninh có muốn bỏ quản lý giá thì áp lực vĩ mô ngắn hạn cũng khiến Bộ của ông không thể không làm việc này. Vì thế, một lần nữa câu chuyện quản lý giá ở Việt Nam vẫn sẽ là một câu chuyện dài.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.