Bà Cao Du, một nhà báo lão thành ở Trung Quốc, hôm nay ra tòa để chống lại án tù 7 năm mà tòa án đã tuyên cho bà về tội gọi là “tiết lộ bí mật nhà nước”.
Theo tường thuật của thông tín viên Bill Ide của đài VOA tại Bắc Kinh, bản án này gặp phải sự chỉ trích của những người tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và các chính phủ nước ngoài.
Các biện pháp an ninh chặt chẽ hôm 24/11 đã được áp dụng bên ngoài tòa Thượng thẩm Bắc Kinh, nơi phiên tòa kín diễn ra.
Ông Thượng Bảo Quân, luật sư của bà Cao Du, không cho biết chi tiết của phiên tòa mà chỉ nói rằng sức khỏe của ký giả 71 tuổi này dường như được ổn định.
Ông nói ông không loại trừ khả năng là bản án có thể được sửa đổi.
"Bản án có thể được sửa đổi. Trong một vụ án phúc thẩm chỉ có hai lựa chọn: một là y án, hai là thay đổi bản án đã tuyên. Và thông thường, nếu bản án nguyên thủy sẽ được giữ nguyên thì không có lý do gì để tiến hành một phiên tòa công khai".
Luật sư này nói thêm rằng ông dự kiến một phiên tòa công khai sẽ được tiến hành vào thứ 5 tới đây.
Tháng Tư vừa qua, bà Cao Du bị tuyên án 7 năm tù vì bị tố cáo là đã tiết lộ cho một hãng tin nước ngoài những văn kiện nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Văn kiện mà bà Cao bị tố cáo đã tiết lộ cảnh báo các đảng viên là những khái niệm của Tây phương như dân chủ, nhân quyền và tự do báo chí đe dọa tới quyền kiểm soát của Đảng đối với xã hội.
Bà Cao Du nổi tiếng là một nhà báo “ăn ngay nói thẳng” và đây không phải là lần đầu tiên bà bị nhà cầm quyền truy tố về tội tiết lộ bí mật nhà nước.
Sau những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, bà đã bị cầm tù hơn một năm.
Trong một vụ gần đây hơn, bà bị câu lưu trong thời gian quanh ngày kỷ niệm 25 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn.
Từ khi lên nắm quyền tới nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã siết chặt những biện pháp kiểm soát đối với xã hội dân sự, và bỏ tù những người tranh đấu cho nhân quyền và những người chỉ trích chính phủ.
Mới đây, cuộc đàn áp đã được nới rộng thêm để nhắm vào các luật sư, mặc dù các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản không ngớt tuyên bố là họ muốn thực thi chế độ pháp trị.