Các giới chức chính phủ Nam Triều Tiên đang bận rộn tiếp đón nhiều đối tác cấp cao từ Washington và Bắc Kinh trong tuần này trong khi một trong các đặc sứ cấp cao của Seoul đi thăm Moscow. Hôm nay, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Kurt Campbell đã ghé qua thủ đô Nam Triều Tiên mà không báo trước để tường trình với đối tác của ông về vòng đàm phán trực tiếp lần thứ nhì vừa kết thúc giữa các giới chức Mỹ và Bắc Triều Tiên ở Geneva.
Chuyến thăm ngắn ngủi nhưng bất ngờ của ông Campbell diễn ra vào lúc một số chuyên gia tiếp xúc với các nhà ngoại giao nói rằng Nam Triều Tiên cảm thấy lo lắng và cô lập vì những cuộc tiếp xúc ráo riết với Bình Nhưỡng mới đây của phía Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Tại Seoul, đứng cạnh Thứ trưởng Ngoại giao Kim Jae-shin, ông Campbell đồng ý là đã đạt được một vài tiến bộ, nhưng ông nói với các phóng viên rằng vẫn chưa có khai thông.
Ông Campbell nói: “Chưa có quyết định nào được đưa ra về các bước sắp tới. Và một trong các lý do chúng tôi có mặt ở đây là để khởi đầu một tiến trình thảo luận sâu xa với Nam Triều Tiên để có thể vạch ra đường lối sắp tới của chúng ta. Trong tất cả các phiên họp với Bắc Triều Tiên, chúng tôi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xúc tiến một tiến trình đối thoại liên tục giữa miền Bắc và miền Nam để đi tới.”
Thông tấn xã chính thức Bắc Triều Tiên phổ biến các nhận định của ngoại trưởng nước này và nói rằng các cuộc đàm phán song phương hiếm hoi với phía Mỹ đã đạt được tiến bộ và sẽ tổ chức thêm các cuộc thảo luận.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta cũng đang đi thăm thủ đô Nam Triều Tiên, nói rằng ông không chắc chắn cuộc đối thoại với Bắc Triều Tiên sẽ đi về đâu.
Ông Panetta nói: “Và vì lẽ đó, tôi đoán là có thể dùng từ ‘hoài nghi’.”
Bắc Triều Tiên bị quy trách về hai vụ tấn công quân sự gây thiệt hại cho 50 sinh mạng của Nam Triều Tiên hồi năm ngoái trong vùng biển có tranh chấp.
Trung Quốc, là liên minh mạnh duy nhất còn lại của Bắc Triều Tiên, đã tìm cách thu phục hậu thuẫn ở các thủ đô khác để nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về các chương trình hạt nhân và phi đạn đạo đạo của Bình Nhưỡng. Cuộc vận động mới nhất diễn ra với Phó thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc. Ông này đã đáp máy bay đến Seoul sau các cuộc đàm phán tại Bình Nhưỡng với lãnh tụ Kim Jong-il của Bắc Triều Tiên.
Trong một bài phát biểu hôm nay với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Seoul, ông Lý Khắc Cường nói Bắc Kinh muốn thấy bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa và nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Lý Khắc Cường nói Trung Quốc muốn tất cả các bên hợp tác với nhau để thực hiện một nền ổn định hòa bình ở bán đảo và vùng Đông bắc Á và đóng góp cần thiết và việc ấy. Ông cho biết Trung Quốc cũng sẵn sàng đóng một vai trò xây dựng để giúp Bắc và Nam Triều Tiên giải quyết những bất đồng.
Các cuộc đàm phán đã bị khựng lại gần 3 năm nay. Các cuộc đàm phán này nhắm mục đích đòi Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ ồ ạt, cải thiện quan hệ ngoại giao và bảo đảm an ninh. Kể từ sau vòng đàm phán hồi cuối năm 2008, Bắc Triều Tiên đã cho thử nghiệm vũ khí hạt nhân thứ nhì, phóng thêm các phi đạn và công bố một chương trình tinh chế uranium.
Thủ đô Nam Triều Tiên một lần nữa lại là trọng điểm của hoạt động ngoại giao ráo riết có liên quan đến Bắc Triều Tiên và công cuộc phát triển phi đạn và vũ khí hạt nhân của nước này. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận các diễn biến mới nhất trong bài tường thuật sau đây.