Vài năm đầu thời Đổi Mới, tình hình kinh tế Việt Nam thật bấp bênh. Không còn viện trợ của Liên Xô, lại vừa có chiến tranh biên giới với ông anh láng giềng Trung Quốc, Việt Nam gần như kiệt quệ sau cuộc chiến gần 30 năm. Cơ sở sản xuất chưa có bao nhiêu, cơ sở hạ tầng hư hại, thêm vào vấn đề tiếp quản miền Nam mà nhân tâm còn phân tán, chuyển tiếp từ thời chiến qua thời bình đặt ra rất nhiều bài toán phức tạp.
Dựa vào mô hình kinh tế Liên Xô, tổ chức và điều hành kinh tế Việt Nam cũng đặt trên cơ sở những kế hoạch định lượng mà ngay cả những nhà lãnh đạo thời đó đều biết có những trục trặc cơ bản. Thực tế, chính Liên Xô không giải quyết được những yếu kém kinh tế, và khi bức tường Bá Linh sụp đổ thì Việt Nam lạc lõng chẳng những chỉ trên phương diện ý thức hệ mà còn bơ vơ trước một tương lai chẳng một ai rõ nét. Nhưng cùng tắc biến, biến tắc thông.
Trong nền kinh tế kế hoạch tập trung chủ yếu là quản lý của xin-cho viện trợ từ những nước bạn, gần như toàn bộ nền sản xuất đình trệ, lạm phát phi mã có khi đến 400%, tình trạng thiếu đói đe dọa cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn xưa nay là vựa thóc khổng lồ của cả nước. Khoán sản phẩm ngày trước phải “chui”, nay được ra ánh sáng ban ngày, là một bước đánh dấu sự thay đổi tư duy. Rồi chấp nhận năm thành phần kinh tế, giải phóng nguồn lực khu vực tư nhân, bãi bỏ chính sách ngăn sông cấm chợ, chủ trương mở nền kinh tế …khiến từ đầu những năm 1990, kinh tế Việt Nam lấy lại đà rồi tăng trưởng ngoạn mục.
Hai mươi năm qua, độ tăng trưởng bình quân của GDP ở Việt Nam là 7.1%, cho phép đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo. Mức độ nghèo (poverty rate) giảm từ 58.1% năm 1993 xuống 16% năm 2006, và số người ở mức dưới tuyến nghèo (poverty line) giảm từ 20.2% dân số năm 2005 xuống 12.3% năm 2009. Thời gian này, mức lạm phát khá ổn định và lượng đầu tư rất đáng kể ở bình diện vĩ mô. Đầu thiên niên kỷ, thế giới đã xì xào về khả năng Việt Nam sẽ có thể là một con rồng châu Á. Phải nói, đó là những thành tựu có tính đột phá. Trước tiên, thành tựu lớn nhất là tư duy đổi mới, chuyển từ cách nhìn bao cấp cứng ngắc mang hoang tưởng về khả năng điều hành nền kinh tế như lái một cỗ máy, một cái xe, sang ý thức một xã hội đa dạng, đa thành phần, uyển chuyển vận động theo những qui luật tự nhiên, trong đó qui luật thị trường giữ một vai trò quan trọng.
Trong mười năm trước thiên niên kỷ 21, kinh tế Việt Nam quả đã vùng ra khỏi “vũng lầy” duy ý chí kiểu Mao, phục hồi sản xuất trong một số khâu, cho phép mọi người hy vọng một tương lai “dân giàu nước mạnh”.
Yếu tố thực tế nào góp phần giải thích được những thành tựu nói trên?
Thứ nhất, mới mở cửa để hội nhập, Việt Nam thu hút các cơ quan và các nhà tài trợ tìm “đất lành” cho “vốn tư bản” đậu. Và có bột mới gột nên hồ, nghĩa là xây dựng một hệ thống sản xuất.
Ở đây, yếu tố thứ nhì - xin gọi là hiệu quả tầm kích (return to scale) – đóng một vai trò. Lấy một thí dụ: khi nhân qui mô sản xuất lên gấp 2, đầu ra (output) dưới hiệu quả tầm kích có thể là 3, 4 cho những công nghiệp - doanh nghiệp mới khai sinh (increasing return to scale). Hiệu quả này giảm dần, và cho những công nghiệp -doanh nghiệp có một sản lượng kha khá, nhân qui mô sản xuất gấp 2 thì đầu ra cũng chỉ gấp 2 (constant return to scale). Với những công nghiệp - doanh nghiệp ở giai đoạn sau, giai đoạn thành niên, nhân qui mô sản xuất gấp 2 sẽ chỉ cho phép thu gặt ít hơn 2 lần đầu ra (decreasing return to scale). Ngay sau khi mở cửa, hẳn nền kinh tế Việt Nam cũng hưởng tác động của hiệu tầm kích nên sản lượng tăng nhanh, nhưng chắc không thể thế mãi được.
Thứ ba, trong giai đoạn đầu của hội nhập, kinh tế Việt Nam chưa có nhiều ràng buộc tương quan như Thái Lan, Philippines, Nam Triều Tiên, Malaysia, Indonesia… nên khi xảy ta cuộc trầm thoái kinh tế châu Á vào cuối những năm 1990, Việt Nam ít bị tác động. Chính vì thế mà dư luận của các nhà đầu tư và các cơ quan tài trợ quốc tế lại càng cho rằng Việt Nam là miếng đất mầu mỡ của tương lai, vinh danh thành quả xóa đói giảm nghèo, và ca ngợi không tiếc lời sự ổn định kinh tế. Giữa thập niên đầu năm 2000, nhờ mở cửa mà Việt Nam thu hút được khá đông du khách, và nhất là Việt Kiều với lượng tiền gửi về lên đến gần 5 tỉ USD, lớn hơn cả khối lượng tài trợ đầu tư quốc tế. Những nhà làm chính sách không lo vấn đề dự trữ ngoại hối như hiện nay, hồ hởi đầu tư, kết hợp doanh nghiệp, vẽ ra toàn những siêu dự án, siêu công trình.
Nhưng quá lạc quan dễ dẫn đến những nhận định sai lệch. Từ đó, một số bất cập rất khó tránh.