Việt Nam sẽ là nền kinh tế đứng hàng thứ 14 thế giới vào năm 2050?

Việt Nam sẽ là nền kinh tế đứng hàng thứ 14 thế giới vào năm 2050?

Cuối tuần trước, tờ Wall Street Journal đăng bài Nền Kinh tế Xe máy (The Motorbike Economy) của Daniel Henninger đồng thời cũng đăng một video của ông này với cùng đề tài. Daniel Henninger là Phó giám đốc phụ trách trang xã luận của Wall Street Journal và đồng thời làm việc cho Fox News. Ông cũng có một chuyên mục riêng trên Wall Street Journal với tựa đề “Wonder Land” và mỗi tuần có một bài viết đăng vào ngày Thứ 5.

Trong bài viết mới nhất về Việt Nam này, Daniel mô tả một xã hội năng động, náo nhiệt, hơi hỗn loạn, nhưng có nhiều tiềm năng. Điểm nhấn của bài viết và video có lẽ là đoạn ông nói đến Việt Nam với tư cách là nền kinh tế đứng hàng thứ 14 trên thế giới vào năm 2050. Daniel chỉ cho biết ông dẫn nguồn từ một số kinh tế gia, nhưng không nói cụ thể là từ nguồn nào.

Trên thực tế thì vào hồi Tháng 1, 2011 vừa rồi, hai chuyên viên phân tích John Hawksworth và Anmol Tiwari của phòng phân tích kinh tế thuộc tập đoàn PwC (viết tắt của Price Waterhouse Coopers ) ở London có xuất bản một báo cáo có tựa là “The World in 2050 - The accelerating shift of global economic power: challenges and opportunities” (Thế Giới năm 2050 - cuộc đổi thay ngày càng nhanh của sức mạnh kinh tế toàn cầu: những thách thức và cơ hội). Báo cáo này dự đoán Việt Nam sẽ là nền kinh tế xếp thứ 14 trên thế giới vào năm 2050, đứng trên cả các cường quốc kinh tế hiện tại như Ý, Canada, Nam Triều Tiên và Tây Ban Nha.

Dự báo này của Hawksworth và Tiwari còn đưa Việt Nam lên thành đất nước có tốc độ tăng trưởng thực của nền kinh tế cao nhất trong số nhóm nước được chọn để phân tích (bao gồm 20 nền kinh tế lớn nhất hiện nay –nhóm G20- Việt Nam, và Nigeria). Theo Hawksworth và Tiwari, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 8,8% mỗi năm trong giai đoạn 2009-2050, cao hơn Ấn Độ (8,1%), Nigeria (7,9%), Trung Quốc (5,9%), Indonesia (5,8%) và tất cả các nền kinh tế còn lại trong nhóm.

Có lẽ dự báo của PWC và bình luận của Daniel Henninger sẽ làm nhiều người nức lòng. Việt Nam hiện nay với GDP năm 2010 là 102 tỷ USD chỉ xếp hạng thứ 58 theo danh sách của IMF. Việc leo lên thứ 14 vào năm 2050 đồng nghĩa với hai việc – thứ nhất là duy trì được tăng trưởng nhanh và đều đặn, thứ hai là Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với rất nhiều các nền kinh tế khác. Điều này cũng trùng hợp với mong muốn thúc đẩy tăng trưởng của rất nhiều người Việt Nam hiện nay.

Báo cáo của Hawksworth và Tiwari không trình bày phương pháp kỹ thuật (định lượng) mà hai ông này dùng để dự báo. Vì thế tôi không kiểm tra được tính khả tín của các dự báo này đến đâu. Về mặt định tính, Hawksworth và Tiwari giải thích trong bài viết rằng tăng trưởng GDP dựa trên 4 yếu tố:

1. Tăng trưởng lực lượng lao động

2. Tăng trưởng trong mặt bằng trình độ giáo dục của lực lượng lao động

3. Tăng trưởng vốn

4. Tăng trưởng TPF (Total Factor Productivity – còn gọi là hệ số năng suất các nhân tố tổng hợp)

Với 4 yếu tố này, Hawksworth và Tiwari cho rằng tỷ lệ tăng trưởng dân số trong giai đoạn 2009-2050 của Việt Nam hãy còn khá cao (khoảng 0,7% mỗi năm, cao hơn nhiều so với 0,1% của Trung Quốc). Hơn thế, khác với Trung Quốc là đất nước có dân số đang già đi do chính sách một con trong một thời gian dài. Điều này nghe có vẻ hợp lý.

Hai ông cũng cho rằng năng suất lao động và trình độ giáo dục trung bình của lực lượng lao động ở Việt Nam hiện nay còn rất thấp, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và phần lớn các nền kinh tế mới nổi khác. Chính vì thế, hai ông cho rằng “room” để các yếu tố này tăng trưởng là còn nhiều, mà khi năng suất lao động và mặt bằng dân trí tăng lên thì sẽ đẩy tăng trưởng kinh tế lên theo. Nói cách khác, có vẻ như theo Hawksworth và Tiwari thì mặc cho dân trí thấp và năng suất lao động kém cỏi, Việt Nam trong những năm qua vẫn tăng trưởng tốt, vì thế khi các yếu tố này tốt lên thì không có lý do gì Việt Nam lại không cất cánh.

Nghĩ cho cùng thì lập luận kiểu này cũng không phải không có lý và lạc quan kiểu Hawksworth và Tiwari cũng không phải là lạc quan tếu. Thế nhưng vấn đề là làm thế nào nâng cao trình độ của lực lượng lao động và năng suất tổng quát của nền kinh tế. Việt Nam đã loay hoay giải bài toán này trong hàng thập kỷ nhưng vẫn chưa có lối ra.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.