Các cuộc khủng hoảng liên tiếp ở nội địa cộng với sự thiếu tin tưởng từ các đồng minh làm ảnh hưởng vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, các nhà quan sát nhận định.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác: từ phiên tòa luận tội của Đảng Dân chủ đến đại dịch virus corona làm gần 2 triệu người Mỹ bị nhiễm và gần 110.000 người chết kéo theokhủng hoảng kinh tế với 40 triệu người thất nghiệp, và mới đây là làn sóng biểu tình bạo động ‘Coi trọng mạng sống người da màu.’
‘Đợi hết nhiệm kỳ Trump’
Trong bài phân tích có tựa đề ‘Thế giới đợi cho hết nhiệm kỳ Trump’ (The World waits out Trump) đăng trên tờ Wall Street Journal, tác giả Walter Russell Mead cho rằng giờ đây ở Bắc Kinh, Moscow và Berlin ‘đã có niềm tin rằng Mỹ không còn có thể lãnh đạo thế giới’.
“Trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang vật lộn với những thách thức trong nước chưa từng có, các lãnh đạo nước ngoài, cả thân thiện và thù địch, đang tính toán lại chiến lược của họ để đối phó với một chính quyền khác thường đang bị mắc vào hỗn loạn,” bài báo viết.
“Hiện giờ có vẻ như Trung Quốc, Nga và Đức đã đi đến quyết định sẽ đối phó với Tổng thống Trump cho đến cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay: Berlin phớt lờ, trong khi Moscow và Bắc Kinh sẽ lợi dụng sự lơ là của Mỹ.”
Theo phân tích của nhà báo này, Nga có thể sẽ bỏ qua các vấn đề kinh tế và dịch virus corona của họ để tăng cường can dự vào cuộc nội chiến ở Libya. Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như tin rằng không thể hòa giải với ông Trump, nhưng cũng cho rằng ‘không có gì phải sợ’ do Mỹ đang gặp phải khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn năm 2008, sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất của bất đồng chính trị và chia rẽ sắc tộc kể từ năm 1968, và một cuộc bầu cử Tổng thống nhiều khả năng thử thách bầu không khí chính trị đầy chia rẽ của Mỹ.
“Không một lãnh đạo Trung Quốc nào, nhất là một người như ông Tập Cận Bình, có thể bỏ qua cơ hội như thế này,” bài báo của Wall Street Journal nhận định và cho rằng lựa chọn chính sách mới nhất của Bắc Kinh là ‘bất chấp áp lực của Mỹ’.
Bài báo đưa ra dẫn chứng vào tuần trước, một trong những quan chức quân sự cao nhất của Trung Quốc, Tướng Lý Tác Thành, đã phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân rằng: “Nếu không còn khả năng thống nhất hòa bình thì quân đội nhân dân, cùng cả nước trong đó có nhân dân Đài Loan, sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để kiên quyết đập tan mọi âm mưu hay hành động ly khai.”
“Lâu nay Bắc Kinh luôn khẳng định họ có quyền sử dụng vũ lực để ngăn Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, điều bất thường là một quan chức quân sự ở cấp cao như vậy lại có lời đe dọa Đài Loan huỵch toẹt như thế,” tác giả Walter Russell Mead lưu ý.
Cùng lúc, chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đe dọa áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hong Kong, gây quan ngại toàn cầu về tương lai của mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’.
Ngoài ra, sự đáp trả của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ về vấn đề Hong Kong cũng báo điềm xấu.
Theo tin tức từ phương Tây, chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước tạm dừng mua hàng hóa Mỹ mà họ đã đồng ý thực hiện trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn Một. Nếu Mỹ tiếp tục có hành động về Hong Kong thì Bắc Kinh sẽ trả đũa nhiều hơn về thương mại.
Song song đó, Bắc Kinh đang gia tăng tranh chấp với Ấn Độ. Họ đang đưa ra các yêu sách lãnh thổ mới ở vùng biên giới có tranh chấp giữa hai nước, ngay cả khi quân đội Trung Quốc tiến vào các vị trí phía bên kia đường kiểm soát ngăn cách các lực lượng của hai nước.
Thái độ của Trung Quốc vào lúc này là, nhà báo Walter Russell Mead cho biết, nếu Mỹ và các đồng minh muốn đối đầu với Trung Quốc, ‘thì họ sẽ được thôi’ và Trung Quốc ‘sẽ không bị chùn bước’.
Đồng minh quay lưng
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phá hỏng kế hoạch của ông Trump về màn thể hiện đình đám tình đoàn kết của các đồng minh phương Tây khi từ chối lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 vào tháng Sáu tại Trại David và hội nghị này giờ phải dời đến tháng 9 với lý do là bận giải quyết dịch bệnh.
Cộng với quyết định của Đức tham gia cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy gói viện trợ khổng lồ cho các nền kinh tế mong manh phía Nam khu vực đồng tiền chung châu Âu vốn bị Covid-19 tàn phá, đã xuất hiện một xu thế rõ ràng: khi khủng hoảng thế giới dâng lên, ưu tiên của Đức sẽ là Liên minh châu Âu.
“Tổng thống Trump không phải là không có trong tính toán của Berlin. Nhưng người Đức dường như cho là không có lợi ích gì để cố gắng làm việc với ông Trump và có phớt lờ ông cũng chẳng mất mát gì,” bài báo nhận định.
Những người chỉ trích ông Trump sẽ chộp lấy sự bất lực của ông Trump trong việc phối hợp phản ứng thống nhất với các đồng minh trước hành động khiêu khích của Trung Quốc và Nga như là bằng chứng nữa về việc ông không thể đạt được kết quả mang tính xây dựng trong quan hệ đối ngoại.
“Họ không hoàn toàn sai, nhưng việc này không phải chỉ vì ông Donald Trump. Vấn đề không chỉ là Nga, Trung Quốc và Đức không thấy có nhiều ý nghĩa để cố đạt được thỏa thuận với ông Trump. Họ có thể tin rằng mối đe dọa ba tầng bao gồm đại dịch, kinh tế suy thoái và bất ổn dân sự ở Mỹ sẽ đưa đến sự triệt thoái của Mỹ khỏi vũ đài quốc tế bất kể ai thắng trong tháng 11 này,” tác giả viết.
Trung Quốc có ‘lấn tới’ được không?
Trao đổi với VOA từ Đại học Maine, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, người theo dõi chính trị Mỹ trong nhiều năm, cho rằng trong tình hình hiện nay Mỹ ‘đang bị lép vế trước Trung Quốc’.
“Đại dịch vẫn chưa hết, nước nào bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh thì sức mạnh trong quan hệ đối ngoại của họ sẽ rất khó khăn. Ngược lại Trung Quốc một phần lớn đã giải quyết đại dịch rồi và hiện giờ đang hung hăng với các nước xung quanh,” ông phân tích.
Theo lời vì giáo sư này thì Trung Quốc ‘đang lợi dụng cơ hội này để lấn tới không chỉ ở Liên Hiệp Quốc mà còn ở đông nam Á, Phi Châu, mua chuộc một số nước châu Âu’.
Đối với hai khu vực có thể chịu sức ép tăng cường từ Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay là Đài Loan và Biển Đông, Giáo sư Long cho rằng ‘Bắc Kinh có thể gia tăng sức ép chính trị và kinh tế với Đài Loan, nhưng khó có thể làm gì được thêm vì Đài Loan có thể tự vệ và có sự giúp đỡ của Mỹ’.
Còn ở Biển Đông, sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong thời gian qua, theo nhận định của ông, là ‘để dọa nạt các nước trong khu vực và để cho thấy là Mỹ không thể làm gì được trong thời gian này để đối phó Trung Quốc’.
“Tuy nhiên tôi nghĩ là Trung Quốc cũng không dám làm mạnh tay và các nước trong khu vực cùng với Nhật, Ấn, Úc sẽ tìm cách chặn Trung Quốc,” ông cho biết.
Ông Long cũng cho rằng hành xử của chính quyền ông Trump trong thời gian, như đe dọa các đồng minh, rút khỏi các định chế và hiệp ước đa phương, đã làm cho Mỹ ‘mất bạn bè’.
“Dù là nước mạnh thế nào đi nữa thì cũng cần có quan hệ tốt với đồng minh, nếu không có đồng minh thì Mỹ không thể nào trở thành siêu cường số 1 như hiện nay,” ông giải thích.
Ông chỉ ra việc Tổng thống Trump cắt viện trợ và tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ ‘khiến Mỹ mất đi tiếng nói ở định chế đa phương này và tạo khoảng trống cho Trung Quốc lấp vào’.
Vị giáo sư Đại học Maine này cho rằng việc Tổng thống Trump đe dọa điều động quân đội để đàn áp các cuộc bạo loạn hiện nay ở Mỹ sẽ khiến Mỹ ‘bị bó tay’ và không thể kêu gọi Trung Quốc không được đàn áp các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Tuy nhiên, Giáo sư Long cho rằng mặc dù Mỹ hiện đang gặp khó khăn nhưng nếu đại dịch sớm kết thúc thì nền kinh tế Mỹ ‘sẽ chóng phục hồi’.