Hàng ngàn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc gầm ghè với nhau trong vài tuần gần đây tại 3, 4 địa điểm ở tây Himalaya sau khi New Delhi cáo buộc rằng quân Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ.
Bắc Kinh phủ nhận việc quân của họ vi phạm “Đường ranh giới kiểm soát thực tế” (LAC), tên gọi của đường biên theo hiện trạng dài 3.488 kilomet. Phía Trung Quốc nói thêm rằng tình hình “ổn định” tại khu vực gần sông Galwa và hồ Pangong Tso nằm trong hoang mạc tuyết xa xôi thuộc vùng Ladakh của Ấn Độ.
Một cuộc đụng độ nhẹ đã xảy ra hôm 5/5 tại hồ Pangong Tso, ở độ cao 4.270 mét trên mực nước biển, là một phần trong dãy Himalaya. Binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đã đánh nhau bằng ống sắt, gậy gộc và thậm chí ném đá vào nhau, dẫn đến thương tích ở cả hai bên.
Ít ngày sau, hôm 9/5, cách vụ việc kể trên 1.200 kilomet, đã nổ ra một vụ đánh đấm và ném đá khác làm hàng chục lính Ấn Độ và Trung Quốc bị thương tại đèo Nathu La ở bang Sikkim của Ấn Độ.
Căng thẳng lại dâng cao giữa hai nước đông dân nhất thế giới và đều có vũ khí hạt nhân làm dấy lên mối lo về một sự leo thang vượt tầm kiểm soát.
Cả hai nước đều đổ lỗi cho nhau và tăng quân cùng với bổ sung thiết bị hạng nặng ở khu vực.
Quan điểm của Mỹ
Hôm 27/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải, nhưng cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều tỏ ra không mặn mà với việc để ông Trump xen vào.
Tôi vô cùng lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc đang diễn ra dọc theo Đường ranh giới kiểm soát thực tế”, ông Engel nói. “Trung Quốc lại đang thể hiện rằng họ sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng thay vì giải quyết mâu thuẫn theo luật pháp quốc tế.Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hôm 1/6 với tổ chức nghiên cứu-cố vấn American Enterprise Institute rằng việc Trung Quốc điều quân đến đường biên giới tạm LAC là một biểu hiện tương tự như cách hành xử áp đặt về virus corona, Biển Đông và Hong Kong.
“Đó là những dạng hành xử mà các chính quyền chuyên chế thực hiện”, ông Pompeo nói.
Cũng hôm 1/6, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel nói Trung Quốc cần phải tôn trọng các chuẩn mực và sử dụng ngoại giao để giải quyết vấn đề biên giới với Ấn Độ.
“Tôi vô cùng lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc đang diễn ra dọc theo Đường ranh giới kiểm soát thực tế”, ông Engel nói. “Trung Quốc lại đang thể hiện rằng họ sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng thay vì giải quyết mâu thuẫn theo luật pháp quốc tế”, ông nói thêm trong tuyên bố của mình.
Các nguyên nhân trực tiếp lẫn sâu xa
Trong khi Bắc Kinh cho rằng căng thẳng xảy ra vì lính Ấn Độ xâm phạm phần đất bên Trung Quốc, New Delhi lại cáo buộc rằng quân đội Trung Quốc tìm cách cản trở hoạt động tuần tra bình thường của binh sĩ Ấn Độ.
Một số nhà phân tích nói hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của phía Ấn Độ dọc đường ranh giới LAC có thể đã châm ngòi căng thẳng. Trong 10 năm trở lại đây, Ấn Độ đã đẩy mạnh xây dựng hạ tầng biên giới với các con đường và căn cứ không quân mới được khai trương ở các khu vực xa xôi hẻo lánh ven Himalaya.
Các chuyên gia quân sự Ấn Độ và nước ngoài nói Bắc Kinh khó chịu về việc New Delhi tiến hành làm đường ở vùng hồ Pangong Tso bên cạnh một con đường khác nối với Darbuk-Shayok-Daulat Beg Oldie, đường băng cao nhất thế giới trên mực nước biển, ở thung lũng Galwan.
Hạ tầng này nhắm đến thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc vì nước này có mạng lưới đường sá tốt hơn, đã được xây nhiều năm trước. Nhưng Bắc Kinh phản đối.
"Phía Trung Quốc không thích hạ tầng đang được xây dựng bên phần đất Ấn Độ, dù họ đã xây bên phần của họ. Như thế khác nào họ nói ‘Chúng tôi có thể xây hạ tầng, còn các anh thì không’", Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại trường đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, nói với DW.
Tuy nhiên, theo Jayadeva Ranade, Chủ tịch Trung tâm Chiến lược và Phân tích về Trung Quốc có trụ sở ở New Delhi, có một số lý do khác liên quan đến hành vi hung hăng mới đây của Trung Quốc.
"Chủ tịch Tập Cận Bình đang chịu nhiều áp lực vì xử lý không tốt dịch Covid-19”, ông nói với DW. "Hai mục tiêu thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2049 cũng đang tuột khỏi tay Trung Quốc”, ông Ranade nói, đề cập đến cam kết của ông Tập đưa Trung Quốc thành đất nước thịnh vượng và phát triển toàn diện vào dịp quốc khánh 100 năm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
"Chính phủ Trung Quốc mong khôi phục hình ảnh trong mắt nhân dân. Hành động hung hăng chống Ấn Độ lúc này là có chủ ý”, Chủ tịch Trung tâm Chiến lược và Phân tích về Trung Quốc của Ấn Độ nói.
Vụ đối đầu mới đây là vụ nghiêm trọng nhất giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc kể từ năm 2017, khi họ cũng đụng độ tương tự kéo dài 73 ngày ở Doklam.
Khi đó quân Ấn Độ được huy động để đáp lại những động thái của Trung Quốc bị xem là “bành trướng sự hiện diện” dọc biên giới với Bhutan. Về sau, tình hình đã được tháo ngòi nổ thông qua các kênh ngoại giao.
Kể từ vụ đụng độ 2017, Ấn Độ đã ký các hiệp định quan trọng với Mỹ về trao đổi thông tin và mua vũ khí. Gần đây, New Delhi cũng cấm các hãng Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp Ấn Độ, và đẩy mạnh mở đường ở vùng biên.
Phần lớn đường ranh giới dài 3.488 kilomet giữa hai đất nước khổng lồ vẫn trong vòng tranh chấp và chưa được phân định. Hai nước từng có chiến tranh năm 1962. Từ đó đến nay tranh chấp biên giới vẫn là vấn đề nhức nhối.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về 90.000 kilomet vuông là phần đất nằm trong bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, mà Trung Quốc gọi là “Nam Tạng”.
Ngược lại, Ấn Độ, tuyên bố chủ quyền về 38.000 kilomet vuông thuộc bình nguyên Aksai Chin.
Cả hai đã đối thoại hơn 10 cuộc nhưng không đạt được tiến bộ đáng kể. Dù xảy ra một vài cuộc đối đầu trong những năm gần đây, nhưng chưa xảy ra vụ nổ súng nào kể từ những năm 1970.
Viễn cảnh về đối đầu Ấn-Trung
Sự ngờ vực lẫn nhau càng tăng lên khi Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị toàn cầu, trong đó có việc Ấn Độ cưu mang lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng là Đạt Lai Lạt Ma, còn Trung Quốc ngày càng làm sâu sắc thêm quan hệ với Pakistan, đối thủ của Ấn Độ.
Trong thập kỷ vừa qua, New Delhi cảnh giác với việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh về kinh tế, quân sự và ngoại giao, mà nhờ đó, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, thậm chí cả ở Nam Á, nơi Ấn Độ xem là sân sau chiến lược của mình.
Trong khi đó, Trung Quốc lo ngại về quan hệ ngày càng khăng khít hơn của Ấn Độ với các nước như Mỹ và Nhật Bản.
Nhà bình luận Hal Brands viết cho Bloomberg đưa ra nhận định rằng hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng biên giới sẽ càng đẩy Ấn Độ về phía Mỹ.
Mỹ gần đây kêu gọi mở rộng khối G7 để kết nạp thêm Ấn Độ. Trên bình diện rộng hơn, Mỹ đã và đang phát triển quan hệ chiến lược và thương mại với 3 quốc gia vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, tạo thành khối Tứ giác Kim cương.
Tin tức những ngày qua cho hay binh sĩ hai bên dựng trại ở những khu vực tranh chấp, và cả hai bên đều đưa pháo cũng như thiết bị hạng nặng đến để yểm trợ.
Konchok Stanzin, một người dân làng Lukung bên phía Ấn Độ, cách đường biên 40 kilomet, nói chỉ trong tuần trước đã có hàng ngàn lính Ấn Độ được điều đến.
“Trong làng, ai cũng thấy sợ vì khu vực này chưa bao giờ có hoạt động quân sự lớn như thế”, ông nói.
Tuy khả năng va chạm ở biên giới có thể lại xảy ra, song Ấn Độ đã nói giảm nhẹ về các vụ việc vừa qua, trong khi Trung Quốc nói đối thoại có thể giải quyết được tình hình. Phần lớn giới quan sát cho rằng ít có khả năng xảy ra chiến tranh vì cả hai bên đều không muốn vấn đề leo thang.
(DW, Reuters, AP, Bloomberg, The Diplomat)