Trong chuyến đi Mỹ vào đầu tháng 7 vừa rồi, ngoài các buổi nói chuyện và biểu diễn văn nghệ, Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi gặp gỡ khá nhiều văn nghệ sĩ. Các cuộc chuyện trò gần như bất tận. Rất thường xảy ra cái cảnh sau khi nói chuyện miên man trong bữa ăn tối, chúng tôi kéo nhau sang các quán cà phê để nói chuyện tiếp. Chưa đã. Tối, kéo về khách sạn nơi chúng tôi ở để vừa uống rượu vừa nói chuyện tiếp đến tận 2 hay 3 giờ sáng.
Chuyện, phần lớn là chuyện văn nghệ, đại khái: hiện nay, ai viết nhiều, ai viết ít; ai viết hay, ai viết dở; trong các tác phẩm vừa được xuất bản hoặc trên giấy in hoặc trên báo mạng, có tác phẩm nào xuất sắc hay có cây bút nào hứa hẹn nhiều triển vọng; tương lai của sách báo in, và cùng với chúng, tương lai văn học Việt Nam hải ngoại sẽ về đâu; một số người đang muốn ebook-hóa các tác phẩm văn học Việt Nam, liệu chúng sẽ được tiếp nhận rộng rãi?; quan niệm về văn học Việt Nam rõ ràng đang có vấn đề, có cách nào để giải quyết?; v.v...
Những câu chuyện như vậy chả có gì mới mẻ. Hầu như lần nào gặp nhau, chúng tôi cũng bàn những chuyện như thế. Thường, chỉ thay đổi ở tiểu tiết. Nhưng không khí chung thì lúc nào cũng vẫn là những băn khoăn đau đáu về văn nghệ.
Điều đặc biệt lần này là, ngoài những câu chuyện như thế, chúng tôi bàn khá nhiều về chuyện chính trị. Nhiều đến độ có lúc lấn át hẳn chuyện văn nghệ. Nhớ, ngày đầu tiên bay từ San Jose đến Los Angeles, nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam ra phi trường đón chúng tôi rồi chở đi ăn phở, rồi đi uống cà phê và dĩ nhiên, trong suốt thời gian ấy, lúc nào cũng chuyện trò rôm rả. Bỗng dưng Nguyễn Hoàng Nam la lên: “Ủa, sao hồi nãy đến giờ mình toàn nói chuyện chính trị vậy hả?” Hoàng Ngọc-Tuấn cười: “OK, bây giờ trở đi nói chuyện văn nghệ nhé!”. Được một lát, khoảng 10 hay 15 phút gì đó, Nguyễn Hoàng Nam lại la: “Lại chuyện chính trị nữa rồi!” Hoàng Ngọc-Tuấn lại cười: “Thôi, không nói chuyện chính trị nữa!” Nghĩ sao, anh lại đề nghị: “Bây giờ thử để ý xem mình tránh chuyện chính trị được bao lâu nhé?”
Cũng chẳng lâu lắc gì. May lắm là được vài chục phút. Rồi lại vẫn chuyện chính trị. Cố tránh mà vẫn không tránh được. Không người này nhắc thì người kia cũng nhắc. Cuối cùng vẫn sa đà vào những đề tài chính trị.
Mà không phải chỉ có các văn nghệ sĩ mà chúng tôi gặp. Có lẽ đông đảo người khác cũng vậy. Hầu hết các cơ quan truyền thông liên lạc với chúng tôi để phỏng vấn đều đề nghị đề tài đầu tiên, thậm chí, duy nhất: chính trị. Chúng tôi đều từ chối với lý do: mình không phải là những người chuyên về chính trị, ngay cả bình luận về chính trị, và chỉ muốn tập trung vào lãnh vực chuyên môn là văn nghệ.
Vậy mà cũng không thoát. Sau các cuộc nói chuyện của tôi - ở Westminster (Nam California) về việc giảng dạy tiếng Việt và ở Dallas (Texas) về internet và văn học, trong phần thảo luận, có khá nhiều người đặt những câu hỏi hầu như không dính líu gì đến các đề tài vừa được trình bày. Mà chỉ là chuyện chính trị.
Có thể nói suốt chuyến đi, ở đâu và lúc nào, chúng tôi cũng gặp những chuyện chính trị. Và bản thân mình, dù cố kiềm chế, vẫn sa đà vào những chuyện chính trị.
Những cái gọi là chuyện chính trị ấy cũng chẳng có gì mới. Cũng vẫn là chuyện Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Vẫn chuyện ngư dân Việt Nam bị hải quân Trung Quốc sách nhiễu, thậm chí, giết hại. Vẫn thái độ và chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Trung Quốc. Vẫn chuyện các cuộc biểu tình xảy ra vào mỗi sáng chủ nhật ở Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội với các cuộc đàn áp của công an, v.v...
Không có gì mới. Nhưng không thể không bị ám ảnh.
Tại sao?
Lý do đơn giản: đó là những chuyện liên quan đến vận mệnh của đất nước. Mà đất nước lại là cái gì người ta không thể chọn và cũng không thể thoát khỏi được. Dù sống trong lãnh thổ hay ngoài lãnh thổ, không ai có thể thoát được đất nước của mình. Bởi đất nước không phải chỉ là đất hay nước, là những gì cụ thể và hữu hình. Đất nước còn là kỷ niệm và mơ ước, là tình yêu và tự hào, là không gian và không khí trong đó chúng ta hít thở: đó là vận mệnh của mọi người và của từng người.
Không ai thoát khỏi đất nước được. Người ta chỉ có thể quên đất nước được mà thôi. Và đất nước chỉ bị quên trong hai trường hợp: một, bởi những người vô tâm; và hai, khi đất nước hoàn toàn thanh bình.
Ở thời điểm này, không ai có thể nói đất nước bình yên. Trừ báo chí chính thống, và những người đứng sau nó, ở trong nước, dĩ nhiên.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.