Không có nghiên cứu chính phủ Mỹ về cách ngăn ngừa bạo động súng ống

  • Carol Pearson

Cảnh sát tiến hành truy lùng thủ phạm sau vụ nổ súng vào một buổi tiệc tại San Bernardino, California, ngày 02 tháng 12 năm 2015.

Cứ sau mỗi lần có vụ nổ súng giết chết nhiều người, người Mỹ lại tự hỏi làm thế nào để ngăn ngừa việc này. Theo tường trình của Thông tín viên Đài VOA Carol Pearson, thiếu sót trong các cuộc thảo luận là những cuộc nghiên cứu căn cứ vào thực tế có thể giúp giảm bớt những vụ nổ súng giết chết nhiều người và bạo động súng ống.

Đây là một cảnh tượng khủng khiếp. Những người sống sót choáng váng và một bà mẹ có con trai bị giết chết, kêu gọi có sự hiểu biết.

Bà nói: “Chúng ta nên cố gắng loại trừ hận thù và bạo động.”

Trên toàn thế giới, mọi người thắp nến cầu nguyện. Và những ứng cử viên tổng thống Mỹ cũng nhập cuộc.

Ông Donald Trump, người được xem là ứng cử viên của đảng Cộng hòa nói: “Lý do duy nhất kẻ giết người có mặt tại Mỹ là vì chúng ta cho phép gia đình anh ta đến đây.”

Bà Hillary Clinton, người được xem như được đảng Dân chủ đề cử, phát biểu: “Tôi tin các loại vũ khí chiến tranh không lý do gì lại có mặt trên đường phố chúng ta.”

Tuy nhiên, có một điểm không được thấy trong tất cả những đau buồn và xúc động này: (Đó là) một kế hoạch chấm dứt bạo động súng ống tại Mỹ.

Ông Georges Benjamin thuộc Hội Sức khỏe Công cộng Hoa Kỳ nói: “Tôi xem toàn bộ vấn đề về những người chết trẻ vì súng đạn là vấn đề thuộc về lãnh vực y tế công cộng.”

Nếu bạn nhìn vào trang mạng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ CDC ngày hôm nay, thì cơ quan Mỹ được giao tránh nhiệm về sức khỏe công cộng trên toàn quốc vẫn giữ im lặng về vấn đề bạo động súng ống.

Giáo sư Jon Vernick thuộc trường đại học Johns Hopkins nói: “Chắc chắn là chúng ta không có nhiều cuộc nghiên cứu về việc phòng ngừa bạo động súng ống tương xứng với tầm vóc của vấn đề.”

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ theo dõi các nguyên nhân tử vong. Và nhờ đó mà chúng ta biết là có 30.000 người thiệt mạng mỗi năm tại Mỹ vì bạo động súng đạn. Tuy nhiên không có những cuộc nghiên cứu về nguyên do gây ra bạo động.

Ông Georges Benjamin thuộc Hội Sức khỏe Công cộng nói tiếp: “Điều chúng ta làm khi chúng ta có nhiều vấn đề nhất là thu thập dữ kiện để tìm hiểu điều gì xảy ra. Chúng ta đặt câu hỏi vấn đề là gì? Và khi chúng ta ngồi chung quanh bàn với một toán bao gồm nhiều ngành nghiên cứu khác nhau và tìm hiểu xem những giải pháp hợp lý là gì. Rồi chúng ta gộp chung các giải pháp, thử nghiệm và xem những giải pháp này có thành công hay không. Và chúng ta làm như thế cho đến khi nào qua thời gian, chúng ta làm giảm bớt những nguy cơ về sức khỏe.”

Các chuyên gia về sức khỏe công cộng đưa ra những cuộc nghiên cứu về tai nạn xe cộ và cho thấy những cuộc nghiên cứu này đã đưa dến việc lắp đặt dây an toàn và những biện pháp khác nữa, giúp cho những vụ tử vong vì tai nạn xe cộ giảm thiểu đáng kể.

Tuy nhiên bạo động súng ống đã trở thành một vấn đề chính trị. Cách đây 20 năm, quốc hội Mỹ không tài trợ những cuộc nghiên cứu về súng ống của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Việc này xảy ra sau khi Hiệp hội Súng ống Mỹ cáo buộc các cơ quan y tế vận động để kiểm soát súng ống. Kể từ đó quốc hội từ chối tài trợ cho những cuộc nghiên cứu như vậy.

Hiệp hội Y khoa Mỹ hứa sẽ tích cực vận động để Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm này.