Khởi động dự án tìm POW trong chiến tranh Việt Nam

Dự án điều tra quân nhân Mỹ mất tích thưởng 100 đôla cho người cung cấp tài liệu

Một nhóm nhà báo, chuyên gia Mỹ về chiến tranh Việt Nam bắt đầu một dự án điều tra về các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Bước khởi đầu của dự án, nhóm thực hiện tìm kiếm và kêu gọi cung cấp các bài báo, tài liệu có thông tin liên quan đến tung tích quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, bằng tiếng Việt, tiếng Nga, Cuba và các ngôn ngữ khác.

Một đại diện của nhóm, ông Mark Sauter, nói với VOA rằng mặc dù hai chính phủ Việt-Mỹ có chương trình tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích (MIA), nhưng “chúng tôi biết Hà Nội không cung cấp hết thông tin mà họ có về các quân nhân Mỹ mất tích.” Vì vậy, dự án điều tra được đưa ra với mục tiêu tìm câu trả lời cho thân nhân của những quân nhân Mỹ không bao giờ trở về, dù sống hay chỉ là hài cốt.

Khánh An của VOA Tiếng Việt có cuộc nói chuyện với ông Mark Sauter, người đứng đầu dự án PIP (POW Investigative Project), để tìm hiểu thêm thông tin về dự án phi lợi nhuận, với hầu hết thành viên làm thiện nguyện này.

Mark Sauter tốt nghiệp báo chí từ đại học Harvard và Columbia. Ông có gần 30 năm kinh nghiệm và từng nhận giải thưởng về các bài báo điều tra về quân nhân Mỹ mất tích. Ngoài ra, Sauter cũng là tác giả của một số tác phẩm về số phận quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam, Triều Tiên hay trong Chiến tranh Lạnh.

Dự án bắt đầu tiến hành vào ngày 14 tháng 11, 2017.

Mark Sauter: Dự án tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích (www.powinvestigativeproject.org) được thiết kế để người dân ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Triều Tiên, Nga có thông tin về tù binh Mỹ mất tích gửi thông tin cho chúng tôi qua internet, Facebook và các ứng dụng tương tác khác.

Bản phác thảo chân dung hai quân nhân Mỹ mất tích được đăng trên website của Dự án điều tra về POW.

Chúng tôi biết có nhiều quân nhân Mỹ đã không trở về từ chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Lạnh. Một số người được cho biết là đã bị bắt và nhốt tù bởi chính quyền Hà Nội, hay ở Lào, Triều Tiên, Trung Quốc và Xô Viết cũ. Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, chúng tôi mong muốn tìm ra manh mối xem chuyện gì đã xảy ra đối với các tù binh chiến tranh (POW) Mỹ mất tích này.

VOA: Hiện ông có thông tin gì về những trường hợp mất tích mà ông mong muốn được cung cấp thêm thông tin?

Mark Sauter: Vâng, chúng tôi chỉ vừa mới ra mắt trang web và chúng tôi cũng sẽ thưởng cho người cung cấp thông tin ở Việt Nam và người Việt ở Mỹ, ở Pháp, hay bất cứ nơi nào trên thế giới, có thông tin về quân nhân Mỹ mất tích.

Chẳng hạn, có một đại úy không quân Mỹ bị bắt và gia đình cho biết có người đã nhìn thấy ông ấy còn sống sau khi chiến tranh kết thúc. Gia đình mong muốn có thông tin về ông cũng như người đàn ông Việt Nam đã nhìn thấy ông ta. Đây là trường hợp của Đại úy John McDonnell mà chúng tôi có đưa lên website. Ông ấy đã không bao giờ trở về nhà, nhưng thẻ căn cước của ông ấy đã được Hà Nội trao trả lại. Người đàn ông nhìn thấy Đại úy Donnell tên là Nguyễn Thanh Sơn. Người này nói đã nhìn thấy ít nhất 5 quân nhân Mỹ còn sống tại một trại giam ở tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng không ai trong số này trở về. Gia đình rất mong được nói chuyện với người đàn ông này. Nếu bất cứ ai có thông tin gì về nhân chứng, cũng như làm thế nào mà thẻ căn cước của Đại úy McDonnell lại xuất hiện ở Bảo tàng quân đội Huế, xin liên lạc với chúng tôi.

Đại úy không quân John McDonnell.

Chúng tôi cũng có những trường hợp khác cần sự giúp đỡ từ cộng đồng, trong đó có trường hợp hai người Mỹ được trông thấy nhiều lần tại Việt Nam. Người chứng kiến đã đưa ra các bản phác thảo pháp y về hai người này tên là Trần Viên Lộc, một người đào thoát khỏi Việt Nam và được người Mỹ biết đến dưới cái tên “Mortician” (người lo tang lễ). Người này nói không những ông nhìn thấy những thi thể quân nhân Mỹ mà Hà Nội giữ, mà còn nhìn thấy 3 người Mỹ còn sống sau chiến tranh ở số 3 Đường Thành, Hà Nội. Chính phủ Mỹ đã đưa người đàn ông đi xét nghiệm xem ông ta có nói dối không và họ chứng nhận lời ông nói là sự thật. Một trong những người mà ông ấy thấy đã trở về Mỹ vào năm 1979. Hai người còn lại không bao giờ trở về. Chúng tôi có đăng hình phác thảo của hai người này trên trang web. Trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ thưởng 100 đôla cho người cung cấp tài liệu, thông tin cụ thể về các quân nhân mất tích.

VOA: Hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã có một chương trình tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích (MIA) thực hiện nhiều năm rồi, vậy tại sao lại có dự án điều tra này?

Mark Sauter: Đúng. Nhưng chúng tôi biết Hà Nội sẽ không cung cấp tất cả thông tin họ có về các quân nhân Mỹ mất tích. Đó là một sự thật mà chúng ta có thể thảo luận sau. Và chúng tôi biết chính phủ Mỹ chủ yếu tập trung tìm kiếm thi thể của quân nhân Mỹ mất tích, còn chúng tôi tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra đối với các quân nhân Mỹ được cho là đã bị bí mật bắt giam.

Tất cả những gì mà chính phủ Việt Nam và chính phủ đang làm hiện giờ tập trung vào người đã chết khi máy bay của họ bị bắn hạ hay chết trên chiến trường. Nhưng chúng tôi cũng muốn tìm hiểu về số phận của những quân nhân được cho là đã bị bí mật bắt giữ. Chẳng hạn, có một số người đào thoát khỏi Triều Tiên cho biết có một số người Mỹ đã được đưa từ Việt Nam sang Triều Tiên. Một bác sĩ của miền Bắc đào thoát ra miền Nam, bác sĩ Đặng Tân, cho biết Triều Tiên có giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề POW và có thể một số người đã bị đưa sang Triều Tiên.

VOA: Chiến tranh kết thúc đã lâu, câu chuyện về quân nhân Mỹ mất tích cũng đã râm ran từ rất lâu, vậy tại sao đến bây giờ mới có dự án này?

Mark Sauter: Một câu hỏi thú vị! Chúng tôi thực hiện dự án vào thời điểm này là vì chúng tôi chỉ có thể làm được bây giờ nhờ vào kỹ thuật công nghệ. Vào những thập niên 1970, 1980 hay 1990, không có cách nào chúng tôi có thể tiếp cận được với người dân ở Việt Nam, Lào, hay người Việt ở Pháp và trên thế giới để đưa cho họ thấy những manh mối và nhờ họ giúp đỡ trong việc tìm kiếm. Đương nhiên chúng tôi có thể du lịch sang Việt Nam, nhưng sau năm 1975, đây không phải là đề tài mà Hà Nội muốn người dân đề cập tới. Kể cả những mẩu quảng cáo trên báo chí cũng không phải là cách làm hiệu quả.

Những ai có thông tin cung cấp cho chúng tôi có thể tìm hiểu thêm trên trang web đã được mã hóa an ninh cho những ai muốn giữ bí mật danh tánh. Chúng tôi cũng có các chuyên gia từng làm việc cho chính phủ Mỹ cố vấn cho dự án. Có thể chính phủ Mỹ và Việt Nam đang hợp tác trong một số vấn đề liên quan đến việc tìm kiếm quân nhân Mỹ, còn chúng tôi đang làm phần việc khó khăn nhất là giải đáp những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ về số phận quân nhân Mỹ mất tích.

VOA: Cám ơn ông.