Thủ tướng Campuchea, Hun Sen, ngày 14/9 tuyên bố đình chỉ nhiệm vụ của các toán do quân đội Mỹ hướng dẫn tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam để trả đũa việc Hoa Kỳ ngưng cấp visa cho hầu hết các giới chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao Campuchea và thân nhân của họ.
Trang Fresh News thân chính phủ cho biết ông Hun Sen loan báo hợp tác với Mỹ trong việc tìm kiếm Người Mỹ mất tích sẽ ngưng lại cho tới khi hai nước giải quyết được một vài vấn đề, đặc biệt là lệnh cấm visa.
Phát ngôn viên chính phủ Phay Siphan xác nhận tin này.
Chính phủ Mỹ nói hiện vẫn còn 48 quân nhân Mỹ mất tích tại Campuchea.
Tranh chấp diễn ra vào lúc căng thẳng leo thang giữa chính phủ Hun Sen và Washington. Trong khuôn khổ chiến dịch đàn áp những tiếng nói chỉ trích trước cuộc tổng tuyển cử sang năm, nhà cầm quyền Campuchea vừa bắt giữ người đứng đầu đảng đối lập chính, Đảng Cứu quốc Campuchea, và cáo buộc Hoa Kỳ thông đồng với ông này để lật đổ chính phủ.
Hoa Kỳ bác cáo buộc đó và lên án việc Campuchea đàn áp truyền thông, đóng cửa một tờ báo tiếng Anh và hơn chục đài phát thanh có quan điểm đối lập hay những chương trình của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và Đài Á châu Tự do được chính phủ Mỹ tài trợ.
Tòa đại sứ Mỹ ngày 13/9 ban hành lệnh cấm visa viện dẫn lý do Campuchea đã từ chối hay trì hoãn nhận công dân của họ bị Mỹ trục xuất sau khi bị kết án. Những biện pháp tương tự cũng được áp dụng đối với công dân các nước châu Phi như Eritrea, Sierra Leone và Guinea.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fresh News, ông Hun Sen nói Bộ Ngoại giao sắp sửa gởi thông báo ngưng công tác tìm quân nhân Mỹ mất tích. Trước đó, Bộ Ngoại giao phủ nhận tin nói Campuchea đã ngưng hay hoãn việc nhận những người bị trục xuất, nói rằng quan tâm chính của Campuchea là tu chính thỏa thuận năm 2002 đồng ý nhận những người bị trục xuất.
Ông Hun Sen mô tả việc Mỹ hồi hương những người gốc Campuchea phạm tội về nước là “chia lìa cha mẹ với con cái” và là một hành động “xấu xa vô nhân đạo.” Ông nói một số người Campuchea bị trục xuất đã tự sát.
Một số tổ chức nhân quyền đồng ý và nói rằng một số người phạm tội dù gốc Campuchea nhưng họ chẳng sinh sống ở Campuchea bao lâu, có khi tới Mỹ từ hồi còn nhỏ.