Người Kampuchea đã chờ đợi 3 thập niên để có ngày này: khi những lãnh tụ của phong trào Khmer Đỏ xuất hiện trước tòa vì một loạt các cáo trạng gồm tội diệt chủng, tội phạm chiến tranh, tội phạm chống nhân loại, tội giết người. Danh sách còn dài.
Bốn can phạm là Nuon Chea, hay còn gọi là Người Anh em số Hai, người được xem như là đứng đầu ý thức hệ của phong trào; Khieu Samphan, Chủ tịch nước, Ieng Sary, bộ trưởng ngoại giao và vợ là Ieng Thirith, bộ trưởng hoạt động xã hội.
Những can phạm trong vụ này, là vụ xử thứ hai của tòa án, đều không nhận tội.
Điều này đánh dấu có sự thay đổi so với vụ xử số một, trong đó ông Kaing Guek Eav, hay còn gọi là Đồng chí Duch, người đứng đầu an ninh của Khmer Đỏ thú nhận vai trò của ông và hứa cộng tác với tòa án.
Ông Duch điều hành trung tâm an ninh nổi tiếng S-21 tại Phnom Penh, nơi có ít nhất 14.000 người, nam, nữ và trẻ em bị giam cầm, bị tra tấn và cuối cùng bị xử tử vì bị coi là kẻ thù của cách mạng.
Ông Duch bị buộc tội tội phạm chiến tranh, và tội phạm chống nhân loại và bị kết án 30 năm tù. Ông ta đã kháng án.
Ông Duch bị kết tội thi hành chính sách, trong vụ này, ông ta nhúng tay vào việc tra tấn và hành hình để làm lộ diện một loạt những kẻ phản nghịch mà chế độ tin là nỗ lực phá hoại cuộc cách mạng.
Tuy nhiên, 4 can pham trong vụ thứ Hai bị đưa ra xét xử vì đưa ra chính sách do đó không dính líu gì đến những hành vi tàn ác.
Bà Clair Duffy có nhiệm vụ theo dõi phiên tòa nhân danh Sáng kiến Công Lý Xã hội Mở, được nhà tỉ phú Soros tài trợ. Bà nói sự khác biệt này có phần chắc sẽ phản ánh trong biện hộ của bị cáo.
Bà Duffy nói: “Khi chúng ta thấy những vụ án ở tầm cỡ này liên hệ đến những bị cáo ở cấp lãnh đạo như thế thì thường thường bên biện hộ đưa ra lý luận hoặc là họ không có mặt tại các cuộc họp nơi chính sách được đưa ra hoặc họ không biết được những hậu quả của những chính sách được soạn thảo như là giết chóc, tra tấn“
Khi tòa đóng hồ sơ Vụ Thứ Hai vào năm ngoái, các giới chức tòa án cho biết là hồ sơ vụ án gồm 350.000 tài liệu khiến cho vụ này trở thành phức tạp nhất kể từ khi tòa án Nuremburg xét xử các tội phạm Đức Quốc Xã.
Cũng có những vấn đề phức tạp khác. Vào lúc bắt đầu, tòa án mới đây cũng bị chia rẽ vì cách đối phó với hai vụ khác nữa là Vụ thứ Ba và Vụ thứ Tư.
Chính phủ Kampuchea từ lâu đã nói rằng sẽ không cho phép tiến hành hai vụ cuối cùng vì có thể đe dọa đến sự ổn định của đất nước. Các thẩm phán điều tra đã bị cáo buộc có chủ ý phá hoại những vụ này vì bị áp lực chính trị.
Một số nhân viên Liên Hiệp Quốc mới đây rời khỏi văn phòng điều tra để phản ứng lại, và người ta lo ngại là Tòa án xử sự đối với Vụ ba và Vụ Bốn có thể làm tổn hại tính hợp pháp của tòa án.
Một thách thức khác là tất cả 4 bị cáo đều đã lớn tuổi từ 79 đến 85 tuổi và không người nào còn mạnh khỏe hết. Vụ xử có thể phải mất nhiều năm và có nhiều lo ngại là một hay nhiều bị cáo có thể chết trước khi phiên xử chấm dứt.
Ông Nuon Chea, 84 tuổi, trước là phụ tá của Pol Pot là bị cáo lớn tuổi thứ hai. Trước đây ông cáo buộc kẻ thù truyền kiếp của Kampuchia là Việt Nam là nguyên nhân của những gì sai trái đã xảy ra trong thời kỳ chính phủ của ông nắm quyền.
Ông Michiel Pestman, một trong những luật sư biện hộ của Nuon Chea nói ông không lạc quan về việc thân chủ ông được xét xử công bằng.
Ông Pestman cáo buộc văn phòng điều tra lẽ ra phải khách quan trong việc tìm kiếm chứng cứ có tội hay vô tội đã cố ý lưu tâm đến những tin tức buộc tội hơn là những chứng cớ tha bổng thân chủ của ông .
Nhiều bằng chứng nhắm vào 4 bị can phát xuất từ một dự án nghiên cứu diệt chủng tại Phnom Penh có tên là Trung tâm Tài liệu Kampuchia. Trung tâm này cung cấp khoản nửa triệu tài liệu cho tòa án.
Giám đốc trung tâm, ông Youk Chhang, cùng với hàng triệu người Kampuchia đã chờ đợi ngày này từ 3 thập niên nay. Ông Youk Chhang nói Vụ Hai có tiềm năng giúp người Kampuchia chấp nhận được lịch sử của họ.
Ông Chhang nói: “Do đó tôi nghĩ vụ Hai là vụ quan trọng nhất đối với tôi. Tôi cũng nghĩ là đối với nhiều người sống sót cũng vậy vì tất cả chúng tôi biết rất rõ 4 người này. Như chúng tôi đều biết những người này không nhân là biết những gì đã xảy ra. Họ đổ thừa cho tất cả cấp dưới, và đổ lỗi cho nhau. Do đó tôi nghĩ điều quan trọng là chúng tôi có phiên tòa này. Chúng tôi muốn nghe họ nói gì.”
Bất cứ kết quả phiên tòa như thế nào và dù một người nào hay tất cả bị can có còn sống qua hết vụ xét xử hay không, ngày thứ Hai tới đây rất có ý nghĩa.
Những lãnh tụ còn sống sót của một trong những phong trào chính trị tàn bạo nhất của thế kỷ 20 sẽ chịu xét xử về những tội ác mà họ đã nhúng tay vào nhân danh cuộc cách mạng của họ.
Vào thứ Hai, phiên tòa được Liên Hiệp Quốc hỗ trợ tại Phnom Penh sẽ mở phiên xét xử 4 lãnh tụ của phong trào Khmer Đỏ còn sống sót.