Theo truyền thống, các cựu tổng thống và thủ tướng của các nền dân chủ thường không lên tiếng nhiều về các vấn đề chính trị, trên bình diện quốc gia hay quốc tế, khi đã không còn tại chức. Họ đều hiểu việc lãnh đạo điều hành quốc gia có muôn vàn khó khăn, thử thách. Những lãnh đạo tài giỏi lắm cũng cần thời gian để chứng minh khả năng và hiệu quả của các chủ trương, chính sách của mình, nên không thể vội phán xét. Tuy nhiên, những lúc cần, họ cũng chia sẻ các quan điểm của mình khi được mời với tính cách đặc biệt và qua nhiều diễn đàn thích hợp khác nhau.
Lúc còn sống, Malcolm Fraser là một trong những cựu thủ tướng thẳng thắn và tích cực nhất trong việc lên tiếng về các vấn đề từ thiện, nhân quyền, xã hội, và chính trị. Các cựu Thủ tướng khác ít lên tiếng hơn, từ những người mới đây như Tony Abbot, Julia Gillard, cho đến những người lâu hơn như John Howard và Paul Keating. Hiện nay, có hai cựu thủ tướng Úc là Malcolm Turnbull và Kevin Rudd thường xuyên lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau. Yếu tố quan tâm, năng động và truyền thông (biết khai dụng truyền thông xã hội), cộng với tình thế, đã làm cho họ không ngồi yên được. Tình hình chính trị quốc gia và quốc tế, đặc biệt là những thử thách của Úc và quốc tế trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo tôi, là một trong những nguyên do chính mà hai nhân vật này cảm thấy không thể không lên tiếng.
Trên Twitter và các diễn đàn truyền thông khác, Turnbull tỏ vẻ quan tâm đặc biệt đến các vấn đề môi trường. Điển hình như biến đổi khí hậu; an ninh quốc gia, hiểm họa của Trung Quốc; và xã hội, như bình đẳng giới tính, tôn trọng phụ nữ, chấm dứt bạo hành phụ nữ/gia đình v.v… Rudd thì đa dạng hơn, quan tâm đến nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu, Trung Quốc, độc quyền truyền thông (monopoly) như Murdoch Media, và hàng loạt các vấn đề hay thử thách Úc đối diện, đặc biệt liên quan đến an ninh và tương lai của nước Úc.
Cả hai ông đều có trang mạng Website riêng của mình để trình bày những vấn đề quan tâm.
Rudd quả là một người đầy năng động. Hiếm thấy ngày nào Rudd không có vấn đề gì đó để chia sẻ, lên tiếng. Thứ Ba tuần trước, mùng 9 tháng Ba, Rudd được mời nói chuyện tại Câu Lạc bộ Truyền thông/Báo chí Quốc gia Úc (National Press Club of Australia) về viễn ảnh của nước Úc mà ông nhìn với cặp mắt âu lo và bi quan. Những người được mời nói chuyện tại đây đều là chuyên gia hàng đầu hoặc lãnh đạo chính trị có uy tín và được kính trọng.
Trong bài nói chuyện dài khoảng 30 phút, Rudd trình bày nhiều vấn đề hệ trọng khác nhau. Rudd bàn sâu vào ba loại thử thách lớn.
Một, là sự suy thoái chậm và chắc của các định chế quốc gia quan trọng của Úc. Hai, là những thử thách cốt lõi về kinh tế, khí hậu, bình đẳng, dân số và an ninh quốc gia mà sẽ quyết định liệu tương lai của Úc có an toàn, bền vững và thịnh vượng, hay ngược lại. Và ba, là làm thế nào các cuộc tranh luận quốc gia mà Úc cần có về các vấn đề nêu trên lại tiếp tục bị pha loãng, đổi chiều và chuyển hướng bởi tác động lâu dài của độc quyền truyền thông Murdoch? Nhất là khi Murdoch tiếp tục kiểm soát các điều khoản đối thoại quốc gia của Úc.
Đối với trường hợp hãm hiếp cô Brittany Higgins, hay nói chung sự sách nhiễu tình dục tại quốc hội Úc sau nhiều sự kiện bị phanh phui mới đây, Rudd cho rằng đừng nói vòng vo: đây là hành vi lạm dụng quyền lực, chức vụ và quyền hạn bởi đàn ông/nam giới. Đây không phải là vấn đề do phụ nữ gây ra, hay quần áo họ mặc, hoặc họ đã uống bao nhiêu rượu. Tóm lại, đây là một vấn đề do đàn ông gây ra. Và văn hóa này phải thay đổi. Rudd nhấn mạnh rằng, phụ nữ Úc phải được an toàn ở mọi nơi làm việc - do chính quốc hội làm gương đi đầu. Ông hy vọng các cuộc điều tra do Ủy viên Phân biệt Giới tính sẽ thực hiện một cách sâu rộng tại quốc hội, các cơ quan truyền thông, các cơ sở thương mại v.v…
Ngoài sách nhiễu tình dục, Rudd còn nêu ra sáu vấn đề khác mà ông cho là sự suy thoái đối với các định chế tại Úc. Chẳng hạn, sự ủng hộ tài chánh vô hạn từ các doanh nghiệp dành cho các đảng chính trị. Các định chế quan trọng để điều tra tham nhũng, quản lý tệ v.v… thì không có đủ nguồn lực. Các cơ quan hành chánh/công quyền thì bị chính trị hóa. Vai trò của thủ tướng là trả lời mọi câu hỏi đối diện, mà ông và nhiều người khác từng làm, nhưng giờ đây được bộ phận quản lý truyền thông phụ trách v.v…
Nhưng “ung thư” lớn nhất của nền dân chủ, theo Rudd, là sự độc quyền truyền thông của Murdoch, chiếm 70% thị trường báo in ấn, và gần như 100% tại tiểu bang Rudd thường trú, Queensland.
Rudd kết luận rằng “Có nguy cơ thực là bảy yếu tố này đang dần khiến nền dân chủ của chúng ta tan thành mây khói.” Rudd biện luận: “Mỗi cái giống như một vết nứt trên tường. Lúc đầu không đáng kể. Không thể nhận biết được. Nhưng sau đó chúng bắt đầu liên kết với nhau. Và khi tập hợp nhau, chúng đe dọa toàn bộ cấu trúc.”
Những ai nghĩ điều này viễn vông, hoặc chỉ giới hạn ở Úc, Rudd đề nghị nên tìm đọc cuốn sách “Thời kỳ hoàng hôn của nền dân chủ” của Anne Applebaum, khám phá những đường đứt gãy tương tự trên khắp phương Tây.
Vâng, đây là cuốn sách đáng đọc đối với những ai quan tâm đến dân chủ và nhân quyền. Anne Applebaum là nhà văn chính trị sắc sảo, viết cuốn “Lịch sử trại khổ sai Gulag” (Gulag: A History) vào năm 2003, rất tuyệt vời, và năm 2004 được giải thưởng cao quý nhất cho giới cầm bút Pulitzer Prize (Phần 1, 2 và 3 của cuốn này được dịch sang tiếng Việt, đăng trên Nghiên Cứu Lịch Sử).
Về các thử thách của Úc, thì Rudd đưa ra nhiều ý tưởng quan trọng để những người quan tâm đến đường đi và sự lèo lái quốc gia nên suy ngẫm và tranh luận. Năm thử thách cực lớn của Úc là một mô hình phát triển kinh tế lâu dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi công nghệ cao cấp, tác động của biến đổi khí hậu, khả năng đối phó của gia đình làm việc trong khủng khoảng kinh tế cùng với sự xuống cấp bình đẳng xã hội, sự trỗi dậy của Trung Quốc, và sự quản lý đại dịch toàn cầu trong tương lai.
Rudd kêu gọi đa dạng hóa nền kinh tế Úc. Rudd cho rằng sự bất bình đẳng, khí hậu, địa chính trị và quản lý đại dịch, là những chính sách quan trọng, nhưng tiếng trống/ồn chính trị và ý thức hệ (political and ideological drumbeat) không ngừng của truyền thông Murdoch đã chuyển hướng sự chú ý của quốc gia ra khỏi những thách thức cốt lõi này. Rudd kêu gọi cần có những thảo luận và tranh luận cần thiết cho các vấn đề này.
Về địa chính trị, Rudd biện luận rằng, trật tự vùng và toàn cầu, do Anh trước đây, và sau này do Mỹ thiết lập sau Thế Chiến II, hiện đang bị thách thức bởi Trung Quốc, vào giữa thế kỷ này, nếu không phải sớm hơn. Theo Rudd thì Úc không có chuẩn bị gì trước, không có chiến lược quốc gia Trung Quốc hiệu quả, và điều này rất nguy hiểm. (Tôi sẽ trở lại bàn sâu hơn về đề tài này trong tương lai.)
Để kết luận, Rudd thách thức chính quyền Morrison hiện nay, rằng nó mang tính “chính trị đảng phái, quản lý truyền thông và khoa học về sự phủ nhận hợp lý (science of plausible deniability), trong khi Murdoch thì “tất cả vì tiền bạc, quyền lực và ý thức hệ - và đả phá bất kỳ ai và bất cứ thứ gì cản đường ông ta.” Cho nên Rudd biện hộ, nên có Ủy hội Hoàng gia để điều tra về sự lạm dụng độc quyền của truyền thông Murdoch. Rudd lý luận vì tương lai nên Úc phải đối đầu hay trực diện với các vấn đề này.
Khi bị chất vấn bởi ký giả thuộc truyền thông Murdoch, Rudd cũng đốp chát không thua ai, mặc dầu có lúc ông đi hơi quá khi tấn công ký giả Greg Brown, cho dù người này làm cho The Australian của Murdoch Media. Cũng hiểu rằng, Rudd bị truyền thông Murdoch tấn công dữ dội nên khi có dịp, Rudd cũng không bỏ qua để đáp trả. Nhưng không khéo thì có thể bị cho là “giết người đưa tin” (Kill the Messenger).
Dù có đồng ý với Rudd về các vấn đề này hay không, điều không thể phủ nhận là Rudd quả thật rất can đảm. Một mình Rudd thẳng thắn phê bình chính quyền liên đảng, và truyền thông Murdoch vì lo ngại tương lai của Úc khi dân chủ bị xói mòn. Cách nhìn và nhận định tất nhiên mỗi người mỗi khác, và Rudd cũng thế. Nhưng các dữ liệu bằng chứng (facts) Rudd trình bày thì khó thể nào bác bỏ.
Những cựu thủ tướng Úc như Rudd, Turnbull hay Fraser quả thật là vô cùng có công với quốc gia. Trí tuệ, can đảm, và sự quan tâm cũng như hiểu biết sâu sắc của họ về nhiều lĩnh vực quốc gia, giúp cho công chúng hiểu sâu và cảnh giác trước những thách thức và hiểm họa. Tuy không còn quyền lực trong tay, họ vẫn tiếp tục ảnh hưởng lên công luận. Cho nên ảnh hưởng của một người không nhất thiết phải đến từ địa vị, mà là nhân cách. Những nhân vật này không không ngần ngại đối đầu với chính quyền, truyền thông hay các tập đoàn, cá nhân nào có nguy cơ gây phá hoại hay lũng đoạn về sự phát triển, an ninh quốc gia. Quốc gia nào có những người như thế là đại may. Bởi họ không hề im lặng trước những bất công hay sai trái.