Mỹ và Nga đã điều giải một cuộc ngưng bắn cục bộ cho thành phố Aleppo của Syria, nơi mà các vụ giao tranh dữ dội giữa chính phủ và phiến quân đã gây tử vong cho hơn 280 thường dân từ cuối tháng tư. Từ trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, thông tín viên Pam Dockins của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ tư cho biết thoả thuận tái lập ngưng bắn ở Aleppo và vùng phụ cận đã có hiệu lực vào giữa khuya giờ địa phương.
Chính phủ Syria nói họ sẽ tôn trọng thoả thuận ngưng bắn ở Aleppo, nhưng cuộc hưu chiến chỉ kéo dài 48 giờ đồng hồ.
Phe chống đối ở Syria đưa ra một thông cáo nói rằng thoả thuận ngưng chỉ các hoạt động thù địch phải được áp dụng cho mọi nơi, chứ không phải chỉ cho một số địa điểm cá biệt.
Phát ngôn viên của phe chống đối, ông Salem al-Meslet, nói “Cuộc ngưng bắn phải bao gồm toàn bộ Syria, kể cả Aleppo. Không có trường hợp ngoại lệ. Nếu không, cuộc ngưng bắn sẽ không thành công.”
Các giới chức Mỹ cho biết tuy có báo cáo về giao tranh ở Aleppo từ khi cuộc hưu chiến bắt đầu có hiệu lực, nhưng bạo động nói chung đã giảm thiểu.
Mỹ và Nga là đồng chủ tịch của một uỷ ban đặc biệt về cuộc ngưng bắn ở Syria đã cố gắng cứu vãn thoả thuận ngưng bắn toàn quốc bắt đầu có hiệu lực hồi tháng hai.
Các cường quốc thế giới lo ngại là sự leo thang bạo động hồi gần đây và sự thiếu tiến bộ trong cuộc đàm phán chính trị giữa chính phủ và phe chống đối có thể phương hại tới nỗ lực đa quốc để chiến đấu chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Lệnh ngưng bắn mới ở Aleppo tương tự như những thoả thuận ngưng bắn mà Mỹ và Nga loan báo hồi tuần trước cho tỉnh duyên hải Latakia và khu Đông Ghouta ở ngoại ô Damascus.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết theo kế hoạch cho Aleppo, Nga sẽ dùng ảnh hưởng đối với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và Mỹ sẽ dùng ảnh hưởng đối với phe chống đối để làm cho thoả thuận ngưng bắn được tuân thủ.
Ông Toner nói “Nga có thể đánh đi một thông điệp cho chế độ Syria là tình trạng này không thể kéo dài. Mỹ cũng cần cho phe chống đối biết rõ như vậy.”
Các giới chức Mỹ nói mục tiêu bao quát cho một cuộc hưu chiến toàn quốc vẫn giữ nguyên.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để xuống thang bạo động trên khắp Syria với hy vọng sẽ có thể quay trở lại với cuộc đàm phán chính trị khi các bên tin rằng cuộc hưu chiến sẽ tiếp tục được tuân thủ.”
Phát ngôn viên Toner cho biết trong lúc các nỗ lực được thực hiện để chấm dứt bạo động trên cả nước, có một cơ hội là những cuộc ngưng bắn cục bộ khác sẽ được điều đình ở Syria cho “những khu vực bất ổn”.
Trong khi đó tại New York, Anh và Pháp đã yêu cầu triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thảo luận về tình hình ở Aleppo.
Đại sứ Pháp Francois Delattre nói với Hội đồng Bảo an rằng “Vào giờ phút này, thoả thuận dễ vỡ giữa Nga và Mỹ mới bắt đầu có hiệu lực là một tín hiệu đáng khích lệ, nhưng nó cần phải được hiện thực hoá trên thực địa.”
Ông Delattre cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm thoả thuận ngưng bắn được tuân hành, nếu không thì sự kinh hoàng sẽ trở lại với Syria.
Ông cho biết Pháp đã quyết định triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng vào ngày thứ hai tuần sau tại Paris với nhóm Thân hữu Syria để chấm dứt bạo động và thực hiện lại cuộc đàm phán chính trị. Nhóm Thân hữu Syria bao gồm nhiều nước trên thế giới và các cơ quan quốc tế đã nhóm họp để thảo luận vấn đề Syria bên ngoài Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Nhiều thành viên Hội đồng Bảo an tố cáo chế độ Assad làm cho cuộc ngưng bắn ở Aleppo bị suy sụp.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, nói “Chế độ đó đã thực hiện hơn 300 vụ không kích, 110 vụ pháo kích và 18 vụ phóng phi đạn, và thả hơn 68 quả bom xuống thành phố này chỉ trong vòng hai tuần lễ vừa qua, theo những nguồn tin đáng tin cậy ở tại chỗ. Tất cả những việc đó đã xảy ra trong lúc chế độ Assad rêu rao là họ tôn trọng thoả thuận ngưng chỉ các hoạt động thù địch”.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly Churkin nói Damascus đang chiến đấu chống lại một cuộc phản công qui mô lớn của những phần tử thánh chiến. Ông cũng nêu nghi vấn về ý chí chính trị của các nước có ảnh hưởng đối với phe chống đối có chủ trương ôn hoà. Ông nói những nước này không gây sức ép để đòi phe chống đối cắt đứt liên hệ với những nhóm cực đoan như Mặt trận al Nusra và tham gia cuộc đàm phán ở Geneve.
Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách sự vụ chính trị, ông Jefferey Feltman, cảnh báo các bên chớ bỏ mất cơ hội của cuộc đàm phán chính trị do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Geneve.
Ông nói “Để cho các phe của cuộc xung đột tiếp tục câu giờ hay tranh giành đất đai để tăng cường vị thế tại bàn đàm phán là một việc sai lầm.”
Ông Jeffery cho biết Liên Hiệp Quốc hy vọng một vòng đàm phán khác nữa giữa các phe phái ở Syria sẽ diễn ra trong tháng này.
Your browser doesn’t support HTML5