Các giới chức Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên cho biết trong vòng riêng tư rằng họ tin là Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị phóng một phi đạn trong vòng tuần tới.
Một giới chức Mỹ yêu cầu không nêu danh tính nói với Thông tấn xã Reuters rằng những hoạt động ngày càng tăng được phát hiện tại Bắc Triều Tiên, cho thấy là có việc chuẩn bị phóng một phi đạn.
Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một lệnh ngăn chặn phi đạn ngày hôm 29/1 để chuẩn bị cho một cuộc phóng như thế.
Trước đó, truyền thông Nhật Bản loan tin những hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên dường như đang sắp đặt để phóng một phi đạn đạn đạo tầm xa từ bệ phóng Tongchang-ri ở miền tây Bắc Triều Tiên.
Vị trí này đã được dùng để phóng phi đạn đạn đạo có thể bay xa hơn 10.000 kilômét. Bắc Triều Tiên cho biết phi đạn là những rốc-kết dùng để phóng vệ tinh vào không gian. Nhưng Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ và những quốc gia khác nghi là Bình Nhưỡng đang phát triển các phi đạn có thể dùng để tấn công Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Một giới chức Hoa Kỳ nói với Thông tấn xã AFP rằng “những dấu hiệu cho thấy họ đang chuẩn bị phóng phi đạn”. Giới chức này nói những người tại đó dường như sẵn sàng “cho một cuộc phóng vào không gian thường kỳ”.
Giới chức này nói tiếp: “Đó có thể là một vệ tinh hay một phi thuyền không gian. Có rất nhiều lời đồn đoán. Bắc Triều Tiên làm việc này thường kỳ. Họ di chuyển qua lại các khí tài”.
Giới chức nói chuyên với Thông tấn xã Reuters cho biết: “Dù sao mối quan tâm của chúng ta là họ tiến hành một vụ phóng phi thuyền nhưng thực sự đó chính là công nghệ để chế tạo phi đạn đạn đạo xuyên lục địa ICBM”.
Khu vực chung quanh địa điểm phóng phi đạn đã được kiểm tra, và những hoạt động thường xuyên của người và xe cộ được nhìn thấy, theo như một nguồn tin nói với trang mạng của báo Yomiuri Shimbun, Nhật Bản.
Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã cấm Bắc Triều Tiên phóng phi đạn đạn đạo.
Tin tức này được loan báo một ngày sau khi có cuộc họp cấp cao giữa Hoa Kỳ tại Trung Quốc về những chế tài chống chính phủ Kim Jong Un vì đã thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4 vào ngày 6 tháng 1 năm nay.
Trung Quốc vẫn tỏ ra miễn cưỡng
Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã không thuyết phục được Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên vì nước này tiếp tục chương trình hạt nhân đã bị LHQ cấm chỉ.
Sau khi họp tại Bắc Kinh hôm thứ Tư, cả Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry lẫn Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đều đồng ý về sự cần thiết phải có một nghị quyết “mạnh” của Liên Hiệp Quốc chống lại Bắc Triều Tiên, nhưng hai bên không đồng ý về mức độ nghiêm khắc của các biện pháp trừng phạt đó.
Hoa Kỳ ủng hộ việc chế tài mạnh hơn, hạn chế hoạt động hàng hải, hàng không, giao thương các nguồn lực, trong đó có nhiên liệu và an toàn hải quan.
Như đã từng làm trước đây, ông Kerry kêu gọi Trung Quốc, nước phương bắc chuyên cung cấp dầu và viện trợ kinh tế và là đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên, hãy ủng hộ các biện pháp chế tài gây khó khăn thực sự cho kinh tế.
“Không có gì là bí mật khi Hoa Kỳ tin chắc là Trung Quốc có một khả năng đặc biệt vì vai trò đặc biệt của họ và những quan hệ với Bắc Triều Tiên, một khả năng có thể giúp chúng ta giải quyết thách thức này một cách đáng kể".
Trung Quốc đã bày tỏ sự chống đối kịch liệt trước vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên diễn ra bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo An LHQ, nhưng vẫn miễn cưỡng không muốn ủng hộ các biện pháp trừng phạt có thể gây khó khăn và bất ổn dọc theo biên giới Triều Tiên và Trung Quốc
Đáp lại các nhận định của ông Kerry, ông Vương Nghị nói nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ phải được triển khai với một “thái độ có trách nhiệm” và hướng tới việc nối lại các cuộc thương nghị giữa các quốc gia.
“Trong khi đó, chúng ta phải nêu ra rằng nghị quyết mới không nhắm mục tiêu khiêu khích căng thẳng và gây bất ổn ở bán đảo Triều Tiên, mà nhắm đưa vấn đề hạt nhân trên bán đảo trở lại con đường đúng đắn, đó là đối thoại”.
Các cuộc đàm phán 5 bên
Trung Quốc và Nga đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye hồi sinh lại khái niệm các cuộc đàm phán 5 bên với Washington, Seoul, Tokyo, Bắc Kinh và Moscow để khai triển một sách lược làm áp lực Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng đã rút ra khỏi các cuộc đàm phán 6 bên vào năm 2009 và không tôn trọng một thỏa thuận năm 2005 bãi bỏ chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh.
Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ ban đầu đề nghị các cuộc đàm phán giữa 5 quốc gia, loại trừ Bình Nhưỡng vào năm 2006, nhưng Moscow và Bắc Kinh không tán thành.
Thay vì lặp lại các đường lối đã thất bại trước đây, chuyên gia phân tích về Bắc Triều Tiên Cheong Seong-chang thuộc Viện Sejong ở Nam Triều Tiêu cho rằng Seoul và Washington phải đạt được một thỏa hiệp với Bắc Kinh. Ông nói:
“Để có thể đem lại sự hợp tác tích cực của Trung Quốc và Nga về những biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên phải chứng tỏ thiện chí tích cực thương thuyết với Bắc Triều Tiên, chứ không phải chỉ trừng phạt mà thôi”.
Những người ủng hộ các biện pháp chế tài gay gắt, như ông Bruce Bechtol, giáo sư môn khoa học chính trị tại trường Đại học bang Texas ở Angelo, nói Hoa Kỳ vốn đã áp đặt các biện pháp chế tài đơn phương cho phép giới hữu trách tịch thu tài sản của các bên thứ ba làm ăn với Bắc Triều Tiên, trong đó có nhiều công ty ở Trung Quốc. Ông Bechtol nói cho đến nay, Tổng thống Barack Obama vẫn không muốn có hành động gần như chắc chắn sẽ dẫn đến căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh.
Những người chỉ trích chế tài nói các biện pháp này dựa vào một khái niệm sai lầm là Bắc Triều Tiên ở bên bờ sụp đổ. Nhưng trong bối cảnh cả thế giới lên án cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, có phần chắc không có triển vọng thương thuyết trong tương lai gần.
Ông Andrei Lankov, một giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại trường Đại học Kookmin ở Seoul nói:
“Khái niệm đó về Bắc Triều Tiên, là nước sẽ không sụp đổ trong một cuộc cách mạng dân chủ của quần chúng, là nước sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, và là nước sẽ không chết đói, không được mấy sự tán đồng ở Hoa Kỳ”.