Hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên đường công du 5 nước trong đó có một chặng dừng chân tại Trung Quốc. Chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Kerry diễn ra vào lúc sự quan ngại của Mỹ tăng cao vì chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc chần chừ trong việc ủng hộ những nỗ lực đa quốc gia nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng. Thông tín viên Đài VOA tại Bộ Ngoại giao Pam Dockins có bài tường thuật sau đây.
Đầu tháng này Bắc Triều Tiên loan báo họ đã thành công trong việc thử nghiệm một quả bom hy-drô làm các nước láng giềng rúng động và tạo nên một loạt các hoạt động ngoại giao giữa Hoa Kỳ và các đồng minh trong vùng.
Ông Anthony Blinken, Phó Ngoại trưởng Mỹ nói:
“Hoa Kỳ sánh vai cùng với Đại Hàn Dân Quốc và Nhật Bản cùng với 5 đối tác của chúng tôi trong việc lên án mạnh mẽ cuộc thử nghiệm này.”
Các nhà phân tích nói Trung Quốc là mấu chốt trong bất cứ nỗ lực nào để thuyết phục Bắc Triều Tiên hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Ông Scott Snyder thuộc Hội đồng Quan hệ Ngoại giao nói:
“Bắc Triều Tiên nhận được khoảng 80% thực phẩm và xăng dầu từ Trung Quốc và Trung Quốc cũng là nước bạn thân thiết nhất của Bắc Triều Tiên trong cộng đồng quốc tế.”
Tuy nhiên, ông Scott Snyder nói thêm là Trung Quốc có thể ngần ngại trong việc ủng hộ bất cứ nỗ lực nào của Hoa Kỳ và các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để trừng phạt Bắc Triều Tiên thêm nữa.
“Đối với Trung Quốc, thách thức là cân bằng nhu cầu trừng phạt Bắc Triều Tiên với những quan ngại về sự ổn định của Bắc Triều Tiên. Do đó họ muốn thúc đẩy Bắc Triều Tiên nhưng cũng không muốn thúc đẩy quá mạnh.”
Trước khi dừng chân tại Trung Quốc, ông Kerry đến rặng núi Alps Thụy Sĩ để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tổ chức này quyết định rút lại lời mời Bắc Triều Tiên tham dự sau vụ thử nghiệm hạt nhân của nước này.
Ông Klaus Schwab, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho biết như sau:
“Chúng tôi đã liên lạc với Bắc Triều Tiên để xem tinh thần hội nghị Davos có còn giữ được hay không, điều này có nghĩa là hòa giải, có nghĩa là đóng góp tích cực vào việc cải thiện tình hình thế giới. Đây là một chủ trương mà chúng tôi hoan nghênh.”
Bắc Triều Tiên nói là việc rút lại lời mời đó phát xuất từ điều mà họ gọi là “động cơ chính trị không chính đáng.”