Kế hoạch giảm khí thải của Australia không làm sạch bầu không khí

Một công nhân đi gần băng chuyền quặng tại mỏ sắt Fortescue Solomon, nằm trong Thung lũng Các Hoàng Đế, khoảng 400 km (248 dặm) về phía nam cảng Hedland, khu vực Pilbara, Tây Úc.

Australia hôm thứ Ba loan báo chỉ tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng các nhà bảo vệ môi trường và những người khác nói rằng những chỉ tiêu đó quá thấp.

Thủ tướng Australia Tony Abbott nói rằng nước ông, trong khuôn khổ của một hiệp ước toàn cầu về khí hậu, sẽ cố gắng hết sức để đến năm 2030 lượng khí thải có thể được cắt giảm 26 đến 28% so với mức của năm 2005.

Trong loan báo chỉ tiêu cắt giảm này, ông Abbott giải thích rằng nước ông có trách nhiệm cả về kinh tế lẫn môi trường.

Ông Abbott nói: "Chúng tôi phải cắt giảm khí thải, nhưng chúng tôi phải cắt giảm khí thải theo cách thức bảo đảm tiếp tục tăng trưởng kinh tế vững mạnh và ổn định, nhất là tăng trưởng công ăn việc làm vững mạnh. Và việc chúng tôi không muốn làm là tăng mạnh cho môi trường và cùng lúc phá hoại nền kinh tế".

Các chính trị gia đối lập và các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích gay gắt đề xuất sẽ được nộp cho hội nghị về môi trường ở Paris vào tháng 12 sắp tới này.

Australia là nước có mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới, tính theo đầu người.

Ông Assaad Razzouk, một nhà doanh nghiệp ngành năng lượng sạch ở Singapore, là một trong số những người không tin Australia sẽ đạt được những mục tiêu vốn rất khiêm tốn mà họ đề ra.

Ông Razzouk cho biết: "Sự hoài nghi này dựa trên thực tế là chính phủ hiện nay của ông Abbott không ngớt làm cho mọi người thất vọng trong lãnh vực này qua việc chống lại năng lượng sạch ở trong nước và loại bỏ những cơ chế để thật sự chấp hành những gì mà họ đang làm".

Ông Razzouk, chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Bền vững ở châu Á, chú ý đến việc Australia dựa vào nguồn nhiên liệu than đá rẻ tiền và nước này vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nguồn nhiêu liệu carbon này, nhất là sang Trung Quốc và Ấn Ðộ.

Ông Razzouk nói thêm: "Chúng ta đều biết rằng đáng lẽ đã phải thôi sử dụng than đá từ lâu rồi. Chúng ta biết rõ về tác hại chết người do việc sử dụng than đá trên toàn cầu".

Bộ trưởng Ngoại giao của đảo quốc Marshall cũng bày tỏ thất vọng đối với loan báo của ông Abbott. Ông Tony de Brum viết trên Twitter rằng nếu phần còn lại của thế giới noi theo kế hoạch cắt giảm khí thải của Australia thì "Rạn san hô Great Barrier sẽ biến mất. Quốc đảo của chúng tôi cũng sẽ chung số phận".