Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, hôm 26/6 đã đến Úc trong sự chào đón nồng nhiệt sau khi nhận tội vi phạm luật gián điệp của Mỹ trong thỏa thuận nhận tội giúp ông thoát khỏi cuộc chiến pháp lý đã kéo dài 14 năm.
Assange xuống máy bay riêng tại sân bay Canberra ngay sau 7:30 tối, vẫy tay chào giới truyền thông đang chờ đợi và các ủng hộ viên đang reo hò trước khi hôn vợ và nhấc bổng bà lên.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese, người đã vận động trong nhiều năm để trả tự do cho ông Assange, cho biết ông đã nói chuyện với Assange qua điện thoại sau khi máy bay đáp xuống.
“Tôi đã có cuộc trò chuyện rất nồng ấm với ông ấy tối nay, ông ấy rất hào phóng ca ngợi những nỗ lực của chính phủ Úc,” ông Albanese cho biết trong một cuộc họp báo.
“Chính phủ Úc tranh đấu cho công dân Úc, đó là điều chúng tôi làm.”
Việc ông Assange đến Úc đã kết thúc một hành trình kéo dài gay cấn mà trong đó ông đã ở tù 5 năm trong một nhà tù an ninh cao của Anh và bảy năm tị nạn trong đại sứ quán Ecuador ở London đấu tranh với lệnh dẫn độ sang Thụy Điển vì cáo buộc tấn công tình dục và dẫn độ sang Mỹ, nơi ông đối mặt với 18 cáo buộc hình sự.
Những cáo buộc này bắt nguồn từ việc WikiLeaks công bố hàng trăm ngàn tài liệu quân sự mật của Mỹ về các cuộc chiến của Washington ở Afghanistan và Iraq vào năm 2010 – một trong những hành vi vi phạm thông tin mật lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Trong phiên xử kéo dài ba giờ trước đó tại Saipan, vùng lãnh thổ của Mỹ, Assange đã nhận một tội là âm mưu thu thập và tiết lộ tài liệu quốc phòng mật nhưng nói ông tin rằng Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ vốn quy định quyền tự do ngôn luận, bảo vệ ông.
“Làm công việc của một nhà báo, tôi khuyến khích nguồn tin của mình cung cấp thông tin được cho là mật để công bố,” ông phát biểu trước tòa.
“Tôi tin rằng Tu chính án thứ nhất đã bảo vệ hành động đó nhưng tôi thừa nhận rằng nó... vi phạm đạo luật gián điệp.”
Thẩm phán liên bang quận Ramona, V. Manglona, đã chấp nhận lời nhận tội của Assange, lưu ý rằng chính phủ Mỹ đã nói rằng không có nạn nhân cá nhân nào từ hành động của ông Assange.
Mặc dù chính phủ Mỹ xem Assange là bất chấp vì đã khiến các đặc vụ Mỹ gặp nguy cơ bị hại khi tiết lộ danh tính của họ, những người ủng hộ ông đã ca ngợi ông như anh hùng vì đã đề cao quyền tự do ngôn luận và vạch trần tội ác chiến tranh.
“Chúng tôi tin chắc rằng ông Assange không bao giờ nên bị buộc tội theo Đạo luật Gián điệp và ông đã làm công việc mà các nhà báo làm hàng ngày,” luật sư Mỹ của ông, Barry Pollack, nói với các phóng viên bên ngoài tòa án.
Ông nói công việc của WikiLeaks sẽ tiếp tục.
Jennifer Robinson, luật sư của ông Assange ở Anh và ở Úc, đã cảm ơn chính phủ Úc vì đã giúp cho ông Assange được thả. Cha của ông, ông John Shipton, nói với Reuters rằng ông thở phào nhẹ nhõm.
“Việc Julian có thể trở về nhà ở Úc và gặp gia đình thường xuyên và làm những việc bình thường hàng ngày là điều quý báu,” ông Shipton phát biểu ở Canberra, nơi ông chờ đợi con trai.
Vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đã được chọn làm nơi diễn ra phiên tòa do ông Assange phản đối việc phải đến đại lục Mỹ và vì nó ở gần Úc, các công tố viên cho biết.