Đường dẫn truy cập

Assange, người sáng lập WikiLeaks, được tòa án Hoa Kỳ trả tự do sau khi nhận tội 


Ông Julian Assange tại tòa ở Saipan ngày 26/6/2024.
Ông Julian Assange tại tòa ở Saipan ngày 26/6/2024.

Ông Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, được tòa án trên đảo Saipan, lãnh thổ của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trả tự do hôm 26/6 sau khi nhận tội vi phạm luật gián điệp của Hoa Kỳ, trong một thỏa thuận sẽ đưa ông trở về Australia.

Trong phiên xử kéo dài 3 giờ, ông Assange nhận tội có mưu đồ lấy và tiết lộ các tài liệu quốc phòng mật của Mỹ nhưng cũng nói rằng ông tin Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, vốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận, bảo vệ các hoạt động của ông.

Ông nói trước tòa: “Với tư cách là một nhà báo, tôi khuyến khích nguồn tin của mình cung cấp thông tin được cho là mật để công bố thông tin đó”.

“Tôi tin rằng Tu chính án thứ nhất bảo vệ hoạt động đó nhưng tôi chấp nhận rằng đó là ... một hành vi vi phạm đạo luật gián điệp”.

Ramona V. Manglona, Chánh án liên bang Mỹ cấp quận hạt, đã chấp nhận lời nhận tội của ông và trả tự do cho ông do đã từng ngồi tù ở Anh một thời gian.

Ông Assange, 52 tuổi, sẽ rời Saipan ngay sau buổi trưa theo giờ địa phương trên một chiếc máy bay riêng có sự tháp tùng của các đại sứ Australia tại Mỹ và Anh, theo nhật ký chuyến bay. Sau đó, họ sẽ tới Canberra, hạ cánh ngay trước 7 giờ tối.

Theo hồ sơ gửi lên Tòa án cấp quận hạt chuyên trách Quần đảo Bắc Mariana của Hoa Kỳ, ông Assange đồng ý nhận tội về một tội hình sự duy nhất.

Các công tố viên nói rằng lãnh thổ này của Hoa Kỳ ở phía tây Thái Bình Dương được chọn do ông Assange phản đối việc đi đến lục địa Hoa Kỳ và quần đảo này gần với Australia.

Ông Assange sẽ bị kết án 62 tháng tù tại phiên xử, bằng thời gian ông đã bị giam.

Ông Assange, sinh ra ở Australia, đã phải ngồi tù hơn 5 năm trong nhà tù có mức độ an ninh cao của Anh và 7 năm ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London khi ông đấu tranh phản bác các cáo buộc về tội phạm tình dục ở Thụy Điển và chống lại việc dẫn độ sang Mỹ, nơi ông phải đối mặt với 18 tội danh hình sự.

Những người ủng hộ ông Assange coi ông là nạn nhân vì ông đã vạch trần những hành vi sai trái của Mỹ và những tội ác tiềm tàng, bao gồm cả trong các cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq. Washington cho rằng việc tiết lộ các tài liệu mật khiến nhiều người gặp nguy hiểm.

Chính phủ Australia đã vận động để trả tự do cho ông và đã nhiều lần nêu vấn đề này với Hoa Kỳ.

Phó Thủ tướng Australia Richard Marles nói với đài truyền hình ABC hôm 26/6: “Việc bất kỳ người Australia nào rơi vào tình trạng bị giam giữ kéo dài mà không có giải pháp pháp lý là tình huống mà chính phủ cần phải vận động thay mặt họ và chúng tôi đã và đang làm điều đó”.

Ông Marles nói thêm rằng việc thả ông Assange sẽ không làm xấu đi mối quan hệ giữa Úc và đồng minh thân cận là Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG