Trên hòn đảo Tanegashima ở miền nam Nhật Bản, những tiếng gầm rú của tên lửa đẩy H-2A phá tan sự tĩnh lặng lúc sáng sớm. Trung tâm không gian được thắp sáng khi hỏa tiễn hai tầng cao 57 mét, chạy bằng nhiên liệu lỏng, dâng lên khỏi bệ phóng, mang theo 4 vệ tinh.
16 phút sau khi được phóng đi, Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thông báo hệ thống khối thiết bị đầu tiên chở trên hỏa tiễn đã tách ra thành công.
Vệ tinh Arirang-3 (còn được gọi là KOMPSAT-3) sau đó được đưa vào quỹ đạo. Viện Khảo cứu Không gian Triều Tiên (KARI) cho biết vệ tinh này hiện hoạt động bình thường.
Cũng được phóng đi ngày hôm nay trên rocket H-2A là một vệ tinh với ăng-ten hồi chuyển lớn nhất thế giới. Máy dò vi ba tối tân số 2 (Advanced Microwave Scanning Radiometer 2)- còn được gọi tắt là AMSR2 có thể đo nhiệt độ nước từ mặt biển với độ chính xác là 0,5 độ C.
Các nhà khoa học nói vệ tinh của Nhật Bản, được gọi là ‘Shizuku’ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát sự luân chuyển nước toàn cầu và tình trạng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý nhiều nhất của quốc tế là công cuộc hợp tác giữa Nhật Bản và Nam Triều Tiên trong việc khám phá không gian.
Nhật Bản không những chỉ chứng tỏ lần phóng thành công lần thứ 15 liên tiếp của rocket lớn, sản xuất trong nước, mà còn thu về hàng chục triệu đôla từ một khách hàng nước ngoài, nhờ đề nghị phóng vệ tinh cho Nam Triều Tiên với một giá thấp hơn so với Nga.
Như vậy là Nhật Bản đã đạt được mục tiêu lâu nay là tham gia công cuộc kinh doanh thương mại tuy nhiều rủi ro nhưng rất có lời mà chỉ một số ít nước có thể làm được.
Và Nam Triều Tiên nay đã chứng minh là có thể phát triển và lắp ráp các vệ tinh quan sát trái đất đa chức năng, nhẹ và tối tân.
Arirang-3 mang theo bộ phận chụp ảnh với độ phân giải cao được mua từ Astrium, một chi nhánh của công ty không gian hàng đầu châu Âu. Từ độ cao gần 700 km, nó có thể chụp các vật thể dưới mặt đất dài chưa đầy một mét.
Ông Kang Kyung-in, nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Vệ tinh KAIST của Nam Triều Tiên, nói rằng Arirang-3 sẽ có thể giám sát gần như bất kỳ địa điểm nào trên trái đất.
Ông Kang nói rằng vệ tinh dò tìm từ xa không có mục đích giám sát riêng quốc gia nào, chẳng hạn như Bắc Triều Tiên, hay được dành riêng cho chính phủ sử dụng. Ông trông đợi một số dữ liệu cũng sẽ có thể được các doanh nghiệp sử dụng vào lúc càng ngày càng có nhiều nhu cầu về các hình ảnh có độ phân giải cao như vậy.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nêu ra rằng thực chất là có nhiều phần chắc Nam Triều Tiên hiện đã có thiết bị tinh vi nhất được chế tạo ngay trong nước để theo dõi đối thủ Bắc Triều Tiên cho các mục đích quân sự và tình báo.
Cho tới nay, Nam Triều Tiên vẫn phải dựa vào các vệ tinh với hình ảnh có độ phân giải thấp hoặc các hình ảnh được cung cấp bởi các đồng minh Hoa Kỳ hoặc các nước bạn khác, chụp bằng các máy ảnh không gian có độ phân giải cao.
Sự kiện phối hợp giữa Nhật Bản và Nam Triều Tiên diễn ra chỉ một tháng sau khi Bắc Triều Tiên lần thứ ba thất bại khi tìm cách đưa vào quỹ đạo thiết bị mà nước này gọi là vệ tinh quan sát trái đất.
Nhà nghiên cứu Kang nói rằng công nghệ của Bắc Triều Tiên lạc hậu ít nhất là 20 năm so với miền Nam, và các động cơ của Bình Nhưỡng rất khả nghi.
Ông Kang nói rằng vụ phóng của Bắc Triều Tiên hôm 13/4 chủ yếu có lẽ không phải là để phóng một vệ tinh có mục đích hòa bình như họ đã tuyên bố mà là để thử nghiệm công nghệ hỏa tiễn có thể được sử dụng để phóng các phi đạn nhiều tầng.
Các đặc sứ của Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ gặp nhau tại Seoul vào thứ Hai tuần tới để thảo luận vụ phóng thất bại của Bắc Triều Tiên trong bối cảnh có các quan ngại rằng đất nước nghèo khó và cô lập này cũng có thể đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba.
Sớm hôm nay, Nhật Bản đã phóng thành công một vệ tinh của Nam Triều Tiên. Đó là một thành quả lịch sử, đưa cơ quan không gian của Nhật Bản vào cùng một đấu trường với các thực thể khác của châu Âu và Nga trong công cuộc kinh doanh không gian dễ kiếm lời này.