Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bãi bỏ lệnh cấm bán cho Iran một hệ thống phòng không có tên là S-300, cung cấp cho nước này một trong các hệ thống tối tân nhất thế giới nhằm bắn hạ máy bay ở tầm cao và các phi đạn cruise bay thấp.
Tướng Không lực hồi hưu David Deptula (từng giữ chức Phó Tham mưu Liên quân về Tình báo, Theo dõi và Trinh sát) nói rằng ngoài những phi đạn mạnh, hệ thống này có những ra-đa rất mạnh.
“Nó có thể theo dõi tới 100 mục tiêu cùng một lúc. Nó có thể đi và nhắm vào các mục tiêu ở xa tới 80 dặm và ở các độ cao trên 3.000 bộ. Nó có thể theo dõi các mục tiêu và nhắm hạ chúng xuống độ cao từ 20 đến 30 bộ trên mặt đất và có thể bay với tốc độ cao gấp sáu lần tốc độ âm thanh.”
Hệ thống S-300 rất cơ động
Chuyên gia phân tích quốc phòng Ivan Oerlich thuộc trường Đại học George Washington, nói hệ thống này còn một lợi điểm khác.
“Một trong những lợi thế của một hệ thống như S-300 là nó có độ cơ động rất cao. Nó có thể hoạt động từ một điểm trong một khoảng thời gian, có thể từ 20 đến 30 phút, nó có thể chở mọi thứ và rồi đưa mọi thứ lên những xe tải và lái đến một địa điểm mới và dựng lên chỉ trong vòng năm đến sáu phút và rồi lại hoạt động trở lại.”
Ông Greg Thielmann thuộc Hội Kiểm soát Vũ khí nói phía Iran có kinh nghiệm đáng kể về phi đạn địa đối không.
“Bởi lẽ khả năng của máy bay có cánh cố định của họ không được tốt lắm – cho nên họ đã không dành nhiều nỗ lực mới vào đó và thực ra họ vẫn còn cho hoạt động một vài máy bay họ đã có từ thời các ông hoàng shah – họ đã dựa rất nhiều vào phi đạn địa đối không. Họ dùng chúng để tự vệ trong cuộc chiến tranh với Iraq.”
Hệ thống có thể ngăn chặn các cuộc oanh kích
Tướng Deptula nói Iran có thể đặt các hệ thống phòng không S-300 tinh vi quanh các nhà máy hạt nhân của họ, có tác dụng “gây khó khăn đáng kể cho việc tính toán để hoạch định mọi phương án quân sự có liên hệ đến các vụ oanh kích.”
Israel đã đe dọa mở một cuộc tấn công quân sự nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran để bảo đảm là Tehran không chế tạo một quả bom. Và Hoa Kỳ đã từng nói “mọi phương án đều có thể được đưa ra thảo luận” – một cách nói nhẹ cho việc mở một cuộc tấn công quân sự.
Năm 2007, Nga đã ký một thỏa thuận với Iran để cung cấp cho Tehran hệ thống phòng không S-300. Nhưng vào năm 2010, Nga đã đình hoãn việc bàn giao sau khi bị áp lực từ phía các nước Tây phương và sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài gay gắt đối với Iran.
Nay Moscow đã quyết định xúc tiến việc bán hệ thống phòng không. Các giới chức Nga cho rằng quyết định là do tiến bộ trong các cuộc đàm phán mới đây giữa Iran và sáu cường quốc thế giới về các tham vọng hạt nhân của Tehran. Các giới chức Hoa Kỳ mô tả quyết định vừa kể là “không xây dựng” và “đáng tiếc.”
Việc mua bán không vi phạm các biện pháp chế tài
Ông Grieg Thielmann nói vụ mua bán không vi phạm các biện pháp chế tài quốc tế đang áp đặt đối với Iran.
“Khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết chế tài gay gắt hơn nhiều vào năm 2010, nó bao gồm một điều khoản cơ bản cấm những vụ mua bán những thứ được mô tả là vũ khí hạng nặng, và đó có nghĩa là những hệ thống trọng pháo với nòng lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng cơ chiến đấu, tàu chiến và một số loại phi đạn. Nhưng theo định nghĩa về phi đạn, thì nó không bao gồm các phi đạn địa đối không.”
Ông Thielmann nói phía Nga chưa có hành vi nào trong vụ mua bán này mà không phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của họ.