Một số các giới chức Tây phương, trong đó có Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những nỗ lực chưa từng có trước đây của Nga loan tin thất thiệt trên toàn thể khu vực của Liên bang Xô viết cũ và nhiều nơi tại châu Âu. Các chuyên gia tại một uỷ ban quốc hội ở Washington mô tả hoạt động truyền thông rộng rãi của Nga là “vũ khí hóa thông tin.” Thông tín viên Đài VOA Cindy Saine ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.
Mục đích chính của việc loan tin thất thiệt của truyền thông Nga là đánh lạc hướng sự chú ý nhắm vào những gì đang xảy ra tại Ukraine, và những gì xảy ra tại Crimea trước đó.
Đây là thông điệp được bà Elizabeth Wahl người dẫn tin trước đây của Russia Today công bố. Bà Elizabeth Wahl đã từ chức để phản đối vào năm ngoái trong một chương trình truyền hình trực tuyến:
“Đằng sau những ngôn từ cố ý gây sai lạc là những sự kiện chính yếu: Nga đã xâm lăng một quốc gia có chủ quyền và đã nói đối về việc này.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ mọi gợi ý cho rằng Nga nói dối. Ông đổ lỗi việc bắn rơi chiếc máy bay của Malaysia tại Ukraine và cuộc giao tranh liên tục tại nước này là do sự can thiệp của NATO và Hoa Kỳ.
Theo dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Uỷ ban Đối Ngoại Hạ viện, ông Putin đã chi tiêu khoảng 600 triệu đô la hàng năm để củng cố quyền hành trong nước và gây chia rẽ những xã hội tại nước ngoài.
“Tuyên truyền của Nga có khả năng làm mất ổn định các nước thành viên NATO và có thể ảnh hưởng đến những cam kết an ninh của chúng ta, nhất là khi chúng ta nhìn vào những gì đang xảy ra tại các quốc gia vùng Baltic.”
Ông Peter Pomerantsev thuộc Viện Legatum nói chiến dịch tuyên truyền nhằm xuyên tạc những thực tế tại Ukraine rất có ý nghĩa theo quan điểm của Nga:
“NATO không thể bị đánh bại trên chiến trường. Phương Tây có một hệ thống xã hội và chính trị vững chắc hơn nhiều – một nền dân chủ dựa trên sự cởi mở và cạnh tranh. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu điện Kremli có thể qua mặt NATO về mặt quân sự, gây chiến mà không hề chính thức nổ một phát súng nào? Việc gì sẽ xảy ra nếu Nga có thể lợi dụng chính sự cởi mở của dân chủ và các thị trường tự do và nền văn hóa cởi mở và quan trọng hơn cả là tự do thông tin để chống lại chúng ta?”
Một số nhà lập pháp và các chuyên gia tại buổi điều trần kêu gọi Hoa Kỳ phải có thêm biện pháp để chống lại tuyên truyền của Nga. Bà Helle Dale thuộc Quỹ Heritage nói:
"Hoa Kỳ đang tìm cách tăng cường sách lược thông tin để đối phó với việc này. Tuy nhiên sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, chúng ta đã phần lớn tự giải giới trong cuộc cạnh tranh về thông tin để lấy lòng người Nga và những nước láng giềng của Nga tại châu Âu-chúng ta tưởng rằng chúng ta đã thắng chiến tranh ý thức hệ và vì thế không cần tập trung vào thông tin nhiều như chúng ta trước nữa.”
Ông Andre Mendes, quyền giám đốc điều hành của Hội đồng Quản trị Phát thanh, hay BBG - cơ quan giám sát Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, nói một số nỗ lực mới đây của Hội đồng nhắm tăng cường việc tường thuật dành cho những người nói tiếng Nga đã không được chú trọng đến tại cuộc điều trần.
“BBG chia sẻ những quan tâm của uỷ ban về việc gia tăng tuyên truyền của Nga và đang đáp lại bằng một chiến dịch đa truyền thông linh động, sáng tạo và quyết liệt nhắm vào Nga và những người nói tiếng Nga tại Liên bang Xô viết cũ, tại châu Âu cũng như phần còn lại của thế giới.”
Chủ tịch Royce nói ông sẽ đề xuất lại dự luật cải tổ hệ thống truyền thanh truyền hình quốc tế của Hoa Kỳ. Giám đốc sắp xuất nhiệm của Đài VOA David Ensor đã cảnh báo rằng Hiến chương của Đài VOA đảm bảo việc tường thuật công bình, khách quan, và trung thực cần phải được bảo vệ trong mọi cuộc cải tổ.