Vụ tấn công khủng bố ở Jakarta hôm thứ 5 làm tăng mối lo ngại của nhiều người ở Á châu là nhóm Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách thành lập một quốc gia Hồi giáo ở Indonesia, quốc gia đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới. Theo tường thuật của thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tại Hồng Kông, các giới chức Indonesia hồi tuần trước nói rằng ngày càng có nhiều người Trung Quốc tới quốc gia Đông Nam Á này để tiến hành thánh chiến.
Vụ tấn công ở trung tâm thủ đô Jakarta hôm thứ 5 đã dẫn tới chỗ chính phủ Indonesia kêu gọi sự hợp tác của các nước trên khắp Á châu trong cuộc chiến lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.
Vụ tấn công diễn ra sau vụ bắt giữ 13 người trên đảo Java hồi tháng trước, trong đó có một người Trung Quốc thuộc sắc tộc Uighur mặc áo gắn bom tự sát.
Giới hữu trách ở Jakarta tin rằng số người Trung Quốc đến Indonesia để tiến hành thánh chiến đang trên đà gia tăng. Giáo sư Biveer Singh của Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore nói rằng Indonesia là một điểm trung chuyển được sử dụng bởi những phần tử hiếu chiến muốn gia nhập Nhà nước Hồi giáo.
"Hầu hết những người này thật ra đang trên đường đi, hoặc là tới Syria và Iraq, hoặc là đang trên đường trở về Đông Nam Á, hoặc như một số tin tức cho biết, họ vừa trở về từ Syria và Iraq và sau đó họ sẽ tới các nước Đông Nam Á".
Người Uighur trong số các nghi can khủng bố bị Indonesia bắt giữ đã bị bắt ngày 23 tháng 12 tại một căn nhà ở ngoại ô Jakarta. Giới hữu trách tin rằng người đàn ông này, cùng với nhiều người khác, đang nghe theo lời hiệu triệu của Santoso, là người đang ở trong rừng ở miền đông Indonesia, để chiến đấu cho nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Ông Todd Elliott, một nhà nghiên cứu của tổ chức Tư vấn Concord ở Jakarta, cho biết sự tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo có thể đã khiến cho những người Uighur rời bỏ vùng Tân Cương ở Trung Quốc.
"Tân Cương không thể tránh khỏi sự xâm nhập của hoạt động tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng khiến cho một số người Uigur ở khu vực đó đến những nước khác để tham gia thánh chiến".
Những vụ phản kháng và bạo động đã gây tử vong cho hàng trăm người ở Tân Cương trong vài năm qua, và nhiều người nói rằng sự đàn áp tôn giáo và mưu toan diệt chủng văn hóa đã làm cho nhiều người Uighur muốn bỏ xứ ra đi.
Bắc Kinh đã tiến hành những chiến dịch trấn áp ở Tân Cương mà họ nói là để diệt trừ khủng bố. Nhưng một số người nói rằng đó chỉ là bình phong của mưu đồ đàn áp và đồng hóa sắc tộc thiểu số Uighur.
Vụ tấn công mới đây ở Jakarta và vụ bắt giữ một người Uighur đó hồi tháng trước có phần chắc sẽ giúp cho Trung Quốc mạnh miệng hơn khi tuyên bố rằng đe dọa khủng bố ở Trung Quốc và ở nước ngoài đang gia tăng.
Ông Vương Đông, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh, nói rằng mối đe dọa chung này sẽ góp phần cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia.
"Điều này quả thật là một chỉ dấu cho thấy sự hợp tác thật sự giữa Trung Quốc và Indonesia trong cuộc chiến chống khủng bố, và cũng vì Trung Quốc và Indonesia chia sẻ mối quan tâm về mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố".
Indonesia là nơi xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố vào đầu thập niên 2000, trong đó có vụ nổ bom ở đảo du lịch Bali giết chết 202 người.